Theo đó, Lộc Trời đạt doanh thu 7.114 tỷ, tăng 79% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế tạm tính 262 tỷ, đạt 66% kế hoạch năm 2021. Ngành Lương thực đạt doanh thu hơn 3.243 tỷ đồng, ngành Vật tư Nông nghiệp đạt 3.016 tỷ đồng, lần lượt đóng góp 46% và 43% vào tổng doanh thu.
Bên cạnh đó, ngành Dịch vụ Nông nghiệp được ghi nhận tăng trưởng với việc tăng diện tích vùng trồng, thêm sản phẩm thức ăn gia súc với đơn hàng lớn trong trung hạn. Đây thực sự là kết quả rất ấn tượng trong giai đoạn đại dịch với đợt bùng phát kéo dài hơn 4 tháng vừa qua tại khu vực trọng điểm nông nghiệp phía Nam.
Theo Báo cáo Tài chính 9 tháng đầu năm 2021, ngành Lương thực, một trong 3 ngành chủ đạo của LTG gồm Vật tư Nông nghiệp – Dịch vụ Nông nghiệp – Lương thực, và cũng là đầu cuối quan trọng cho tổng thể Hệ sinh thái Lộc Trời, đã vươn lên dẫn đầu về mặt doanh thu (đạt 3.249 tỷ đồng), chiếm 46% tổng doanh thu toàn tập đoàn, tăng trên 260% so với doanh thu cùng kỳ năm ngoái (887 tỷ đồng).
Do giá lúa vụ đông xuân 2021 tăng đột biến – cao nhất trong 10 năm qua, đồng thời đại dịch Covid- 19 khiến chi phí sản xuất, vận tải tăng cao, ngành này cũng ghi nhận mức lỗ 124 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức lỗ 103 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Dịch vụ Nông nghiệp là ngành non trẻ nhất, tiềm năng nhất của tập đoàn. Vừa được thành lập năm 2020 và là mấu chốt kỹ thuật quan trọng trong Hệ sinh thái Lộc Trời, chịu trách nhiệm tối ưu hóa hoạt động canh tác mùa vụ, đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất cho nông dân, môi trường nông thôn và người tiêu dùng nông sản, với trên 1.300 kỹ thuật viên nông nghiệp bám sát đồng ruộng cùng bà con nông dân, hàng trăm thiết bị bay không người lái phục vụ canh tác, các trang thiết bị đồng bộ nhằm cơ khí hóa hoạt động sản xuất nông nghiệp, ngành dịch vụ nông nghiệp đang từng bước định hình hoạt động và đóng góp vào kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn.
Bị thiệt hại nặng nề trong đại dịch do bị hạn chế đi lại, tiếp xúc trực tiếp nên doanh thu ngành giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, mức lỗ của ngành ghi nhận 14 tỷ đồng, ít hơn 20% so với cùng kỳ (20 tỷ đồng) nhờ tối ưu chi phí sản xuất.
Ngành cũng có những bước tiến quan trọng: Triển khai thêm một số sản phẩm mới như bắp sinh khối làm thức ăn gia súc, các loại rau màu và trái cây đặc sản như sầu riêng, dưa lưới trồng theo đơn hàng hợp tác với các đối tác cung ứng…
Các sản phẩm này khi thành công trên diện rộng sẽ mở ra thêm hướng đi mới cho tập đoàn và cũng là một bước đột phá trong thị trường thức ăn gia súc vốn vẫn phải nhập khẩu lên đến 3 tỷ USD chỉ trong 8 tháng đầu năm 2021 (theo số liệu của Tổng cục Hải quan).
Ngành Vật tư nông nghiệp vẫn đang “đứng mũi chịu sào” mang lại lợi nhuận cho toàn tập đoàn với doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, lãi gộp của ngành trong giai đoạn này tăng gần 40%. Giống cũng là một điểm mạnh của LTG, theo đó doanh thu mảng này đạt trên 600 tỷ và lợi nhuận thuần đạt trên 90 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2021.
Chín tháng vừa qua trong đó có tới hơn bốn tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và hầu hết các tỉnh thành trên khắp cả nước khiến toàn bộ các chuỗi cung ứng hàng hóa, vận tải, chuỗi sản xuất công nghiệp, nông nghiệp… bị đứt gãy nghiêm trọng, đồng thời thay đổi đáng kể các thói quen sinh hoạt, tiêu dùng của toàn xã hội.
Gồng mình đi qua đợt “thử lửa” lần này, LTG chứng tỏ độ “vàng thật” không chỉ qua kết quả sản xuất kinh doanh rất ấn tượng nêu trên mà còn qua việc bảo toàn đội ngũ nhân viên hơn 3.500 người, không bỏ lại bất kỳ ai và không giảm lương của bất kỳ người lao động nào.
Bên cạnh đó, LTG còn chủ động tổ chức việc mua lúa liên tục cho bà con nông dân để giữ vững chất lượng sản phẩm ngay cả trong thời gian giãn cách bằng phương pháp thu mua lúa không tiếp xúc. Tập đoàn cũng chủ động chia sẻ khó khăn với nông dân thông qua việc cam kết giữ nguyên giá vật tư nông nghiệp cho tới cuối năm dù thị trường đang tăng giá trung bình khoảng 30%, cá biệt có những sản phẩm tăng tới 50%.
Tổng Giám đốc tập đoàn, ông Nguyễn Duy Thuận cho biết: “Dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào đi nữa, Tập đoàn Lộc Trời vẫn luôn cam kết thực hiện sứ mạng của mình là “cùng nông dân phát triển bền vững”. Chúng tôi và toàn thể đội ngũ nhân viên Lộc Trời hết sức nỗ lực hoàn thiện Hệ sinh thái Lộc Trời để đồng hành tốt nhất, hiệu quả nhất cùng bà con nông dân, hỗ trợ canh tác theo hướng xanh – sạch, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cho người tiêu dùng nông sản, góp phần phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam”.
Ngoài các hoạt động chủ yếu, từ vụ đông xuân 2019-2020 cho đến nay, Tập đoàn Lộc Trời tổ chức thực hiện mô hình SRP100 tại hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang, được tổ chức Global Gap công bố mô hình đạt 100% tiêu chuẩn. Như vậy, Lộc Trời là đơn vị duy nhất trên thế giới tính đến thời điểm này đạt 100 điểm SRP hoàn hảo trong 2 năm liên tiếp 2020 - 2021.
Tháng 9/2021, Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp nằm trong danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Bộ Công Thương trong 3 năm liên tiếp (từ 2018 – 2020).
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Lộc Trời là doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu gạo sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA, chiếm gần 70% lượng gạo xuất khẩu vào thị trường khó tính bậc nhất này. Sản phẩm gạo của Tập đoàn Lộc Trời đã được xuất khẩu đi hơn 20 quốc gia thuộc nhiều châu lục, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu gạo Việt Nam.