| Hotline: 0983.970.780

Ngành nông nghiệp chắc chắn xuất khẩu đạt trên 40 tỷ USD

Thứ Ba 06/10/2020 , 16:32 (GMT+7)

GDP ngành nông nghiệp trong Quý III tăng trưởng 2,93% và sau 9 tháng, đã có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 2 tỷ USD.

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến điều hành họp báo thường kỳ của Bộ NN-PTNT sáng 6/10. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến điều hành họp báo thường kỳ của Bộ NN-PTNT sáng 6/10. Ảnh: Tùng Đinh.

Tăng trưởng tốt

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp trong quý III đạt mức 2,93%, cao hơn quý I và II và lũy kế 9 tháng đầu năm đạt mức 1,84%. Trong quý III, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) tăng 3,21%, lâm nghiệp tăng 1,7%, thủy sản tăng 2,47%.

Cụ thể, giá trị sản xuất (GTSX) lĩnh vực trồng trọt quý III tăng 0,93% so với cùng kỳ năm 2019; tính chung 9 tháng, GTSX tăng 0,75% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù diện tích sản xuất cây lương thực năm nay là 7,2 triệu ha, giảm nhẹ do chuyển đổi cây trồng bởi xâm nhập mặn. Tuy nhiên, do năng suất tăng nên tuy có giảm về diện tích nhưng sản lượng lương thực năm nay sẽ đạt 43 triệu tấn trở lên.

Với chăn nuôi, GTSX quý III tăng 9,67% và là lĩnh vực đạt tốc độ tăng cao nhất, lũy kế 9 tháng GTSX tăng 3,76%.

Riêng lĩnh vực chăn nuôi lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết tốc độ tăng trường đạt 9,7%, đến tháng 9/2020 tổng đàn lợn đạt 22,57 triệu con (bằng 82% trước khi có dịch).

"Như Bộ NN-PTNT đã báo cáo Thủ tướng, đến quý IV năm 2020, cơ bản đảm bảo nguồn cung thịt lợn", Thứ trưởng khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đàn lợn đã tăng 12% so với đầu năm 2020. Nguồn cung cho thị trường trong nước chủ yếu là từ tái đàn. Với tốc độ tái đàn hiện nay, đàn lợn dự kiến sẽ tăng tăng 14% trong quý IV và nguồn cung thịt lợn vào cuối năm sẽ đáp ứng được nhu cầu.

"Hiện nay, giá lợn đang nằm trên trục 70.000 - 75.000 đồng/kg. Miền Bắc có nơi giá xuống 69.000 đồng/kg, miền Nam giá khoảng 75.000 đồng/kg. Chúng tôi kỳ vọng giá lợn sẽ xuống và giữ ở mức 70.000 đồng/kg theo đúng dự báo", ông Dương thông tin thêm.

Ở lĩnh vực lâm nghiệp, 9 tháng đầu năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp chế biến gỗ gặp khó khăn bởi nhiều đơn hàng xuất khẩu gỗ bị hủy hoặc chậm thanh toán nên giảm thu mua gỗ nguyên liệu, dẫn đến chuỗi cung ứng gỗ bị giảm. Cụ thể, GTSX quý III tăng 1,74% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng, giá trị sản xuất đạt 31,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,08%.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành lâm nghiệp đang tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản. Dự kiến năm nay, tỷ lệ che phủ rừng sẽ đạt 42% và kim ngạch xuất khẩu lâm sản chắc chắn đạt trên 12 tỷ USD.

Mặc dù đứng trước nhiều thách thức, sản xuất thủy sản vẫn tăng trưởng khá. GTSX lĩnh vực thủy sản Quý III tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019; 9 tháng GTSX tăng 2,48% (nuôi trồng đạt 105,3 nghìn tỷ, tăng 2,67%; khai thác đạt 70,38 nghìn tỷ, tăng 2,2%).

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, đơn vị đang hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để gỡ “thẻ vàng” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững.

Với tốc độ hiện nay, chắc chắn giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2020 sẽ vượt mức 40 tỷ USD. Ảnh: Tùng Đinh.

Với tốc độ hiện nay, chắc chắn giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2020 sẽ vượt mức 40 tỷ USD. Ảnh: Tùng Đinh.

Chắc chắn xuất khẩu đạt trên 40 tỷ USD

Tại họp báo thường kỳ sáng 6/10, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 13,7 tỷ USD, giảm 1,1%; chăn nuôi ước đạt 231 triệu USD, giảm 19,7%; thủy sản ước đạt trên 6,0 tỷ USD, giảm 3,0%; lâm sản chính đạt khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 13,2%.

Đáng chú ý, 9 tháng đầu năm, mặc dù còn nhiều các mặt hàng xuất khẩu giảm nhưng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre vẫn duy trì giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay có 8 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 6 nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê 2,2 tỷ USD, gạo 2,5 tỷ USD, hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, rau quả đạt 2,5 tỷ USD, tôm 2,75 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỷ USD).

Mỹ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt trên 7,5 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ và chiếm gần 25% thị phần; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 7,24 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ và chiếm 24,1% thị phần.

Thị trường ASEAN nhập khẩu ước đạt 2,93 tỷ USD, tăng 4,6% và chiếm 9,75% thị phần; xuất khẩu sang các nước EU đạt khoảng 2,83 tỷ USD, giảm 0,6% và chiếm 9,4% thị phần; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 2,51 tỷ USD, tương đương cùng kỳ và chiếm gần 8,4% thị phần.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặc biệt nhấn mạnh, từ khi Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực ngày 1/8/2020, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU ghi nhận tăng trưởng rõ rệt.

Tổng trị giá xuất khẩu từ ngày 1/8 đến nay đạt trên 766 triệu USD.  So với tháng 7/2020, trị giá xuất khẩu sang EU trong tháng 8/2020 và tháng 9/2020 lần lượt tăng 11,5% và 32,4%. Đơn hàng hiện nay khá nhiều.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định, nếu tốc độ này được duy trì đến cuối năm, ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ đạt giá trị xuất khẩu trên 40 tỷ USD. Trong quý cuối cùng của năm 2020, toàn ngành phấn đấu mục tiêu xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, đưa tổng trị giá xuất khẩu cả năm nay đạt trên 40 tỷ USD.

“Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, khó khăn vướng mắc trong tiêu thụ nông sản; kịp thời thông tin, cảnh báo các quy định mới của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ NN-PTNT cũng khẳng định Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, tập trung vào các thị trường trọng điểm.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm