Vượt khó và tăng trưởng ngoạn mục
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong 3 tháng đầu năm 2020, ngành gỗ Việt Nam hừng hực khí thế, tăng trưởng khoảng 20% so cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, bước qua đầu quý 2, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những thị trường chiến lược của ngành gỗ Việt Nam hầu hết đều “đóng băng”. Trong nước thì các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ đều “tê liệt”, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, hàng chục ngàn lao động bỗng dưng thất nghiệp. Thế nhưng bước sang đầu tháng 6 thì ngành gỗ sôi động trở lại và có bước tăng trưởng ngoạn mục.
Nhờ đó, trong 8 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang 5 thị trường chính là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU đạt 7,01 tỷ USD, chiếm 89,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tiếp đến, trong 15 ngày đầu tháng 9/2020, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản sang 5 thị trường chính nói trên đạt 565,6 triệu USD, ước cả tháng 9 sẽ đạt 1,131 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2019; trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,38 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Để đạt được thành quả trên, theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngoài nhờ những gói hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, còn nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp.
“Trong thời gian khó khăn vừa qua, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ không ngồi chờ khách hàng tìm đến, mà tự thân đi tìm thị trường. Chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, thậm chí còn phát triển hơn so với những năm trước đây, đặc biệt là đối với các mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí”, ông Lập cho hay.
Tại Hội nghị giao ban ngành gỗ được Bộ NN-PTNT cùng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức tại Bình Định vào cuối tuần qua, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đã đánh giá cao sự vượt khó của các doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2020 để ngành gỗ có được sự bứt phá ngoạn mục.
"Thời gian khó khăn vừa qua lại thúc đẩy sự năng động của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ. Để có được đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã bám trụ tại các thị trường tiềm năng hàng nhiều tháng trời để đàm phán.
Nhờ đó, trong 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã có bước tăng trưởng ngoài mong đợi. Đặc biệt, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản trong 1 tháng, đó là tháng 8/2020 đã đạt trên 1 tỷ USD”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn, đánh giá.
Xác định sản phẩm chiến lược
Nếu như trước đây mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu chủ yếu là bàn ghế ngoài trời thì đến thời điểm này, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ ở Việt Nam đã xác định sản phẩm chiến lược là tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. Minh chứng là qua 9 tháng đầu năm 2020, riêng 2 mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm đã đạt giá trị xuất khẩu gần 1 tỷ USD, tăng trên 80% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngay trong thời gian đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, các mặt hàng nói trên không hề bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Hoa Kỳ đang được xem là thị trường chiến lược của mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm của Việt Nam hiện nay.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, để nhanh chóng biến lợi thế thành thế mạnh của ngành gỗ Việt Nam, ngay trong tháng 11 tới, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ tiến hành thành lập chi hội tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. Chi hội này sẽ tạo ra các chuỗi liên kết tạo ra mạng lưới rộng lớn kết nối doanh nghiệp từng bước hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một cơ hội khác của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới là dư địa rộng lớn của thị trường EU. Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, EU là thị trường lớn thứ 4 của Việt Nam về gỗ và sản phẩm gỗ sau các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản sang thị trường này đang còn rất thấp. Ví như năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU chỉ có 864 triệu USD, chỉ chiếm khoảng 5,4% trong tổng khi ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta sang các thị trường thế giới.
Nhu cầu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của EU từ các thị trường thế giới hàng năm lên đến 85 tỷ USD, như vậy năm 2019, Việt Nam mới chiếm chỉ 1% thị trường này. Thực tế trên cho thấy, dư địa lớn về các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của thị trường EU chính là cơ hội để ngành gỗ Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới.
“Giải quyết nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của nước ta hiện nay là rất quan trọng. Do đó, trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ điều phối, làm đầu mối liên kết giữa Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam với các hiệp hội trồng rừng và các chủ rừng.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ các chủ rừng thực hiện chương trình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng bền vững. Ngay sau Hội nghị giao ban ngành gỗ chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác này, nhất là đối với các mặt hàng mà Việt nam đang xuất khẩu rất mạnh là gỗ cao su và gỗ rừng trồng”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, chia sẻ.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng ngành gỗ Việt Nam đã tăng trưởng 12% so cùng kỳ là thành tựu ngoài mong đợi.
Từ nay đến cuối năm còn 3 tháng, thời gian không dài, nhưng với đà tăng trưởng như hiện nay, chúng tôi tin rằng từ nay đến cuối năm ngành công nghiệp chế biến gỗ vủa Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD nữa.
Như vậy, trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam sẽ thong thả cán đích khoảng 12,5 tỷ USD, đây là mức tăng trưởng rất cao, chẳng thua kém các năm qua.
(Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn)