Xuất khẩu cá ngừ sang EU trong tháng 7 đã tăng trưởng trở lại với mức tăng rất cao, tới 65% so với tháng 7/2019. Đây là một tín hiệu rất tích cực, bởi trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ sang EU giảm 17,3% so với cùng kỳ.
Theo VASEP, sang tháng 8, với tác động từ việc Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực, xuất khẩu cá ngừ sang EU tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, trong nửa đầu tháng 8, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt gần 6,3 triệu USD, tăng 11% so với tháng 7 và tăng tới 65% so với nửa đầu tháng 8/2019.
Việc được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA, được cho là nguyên nhân chính giúp cho cá ngừ Việt Nam xuất khẩu sang EU không những đã quay đầu tăng trưởng trở lại mà còn tăng rất mạnh như trên.
Bằng chứng là các hợp đồng xuất khẩu cá ngừ sang EU trong thời gian gần đây tập trung vào các sản phẩm đã được miễn thuế hoàn toàn hay miễn thuế theo hạn ngạch thuế quan như thịt cá ngừ đông lạnh, thịt cá ngừ hấp đông lạnh, cá ngừ ngâm dầu/sốt đóng hộp …
Theo cam kết trong hiệp định EVFTA, từ ngày 1/8/2020 các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh) của Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ được xóa bỏ thuế quan.
Bên cạnh đó, cũng theo Hiệp định EVFTA, từ 1/8/2020, EU phân bổ hạn ngạch thuế quan (TRQ) cho một số sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam. Theo đó, từ ngày 1/8 - 31/12, 4.791 tấn các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp Việt Nam được nhập khẩu miễn thuế vào EU. Từ năm 2021, mỗi năm hạn ngạch thuế quan cho cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam nhập vào EU là 11.500 tấn.
Các sản phẩm này gồm: Cá ngừ ngâm dầu thực vật đóng hộp; cá ngừ vằn được chế biến hoặc bảo quản, trừ thịt cá xé vụn, philê/loin và các sản phẩm tương tự ngâm dầu thực vật; cá thuộc họ cá ngừ bonito chế biến hoặc bảo quản, nguyên con hoặc cắt miếng, trừ thịt cá ngừ xé vụn; cá thuộc họ Euthynnus chế biến hoặc bảo quản, nguyên con hoặc cắt miếng, trừ thịt cá ngừ xé vụn; cá ngừ, cá ngừ vằn hoặc cá thuộc họ Euthynnus chế biến hoặc bảo quản loại khác, trừ dạng nguyên con hoặc cắt miếng.
Với những ưu đãi thuế quan như trên, trong 2 tháng qua, sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã có sức hút lớn hơn đối với thị trường EU.
Theo một số doanh nghiệp hải sản, từ 1/8/2020, Hiệp định EVFTA mới có hiệu lực, nhưng đã tác động tích cực tới xuất khẩu cá ngừ Việt Nam từ tháng 7. Nguyên nhân là do thông thường, một lô hàng cá ngừ từ Việt Nam đi sang đến EU mất khoảng 3 tuần. Do đó, ngay trong tháng 7, các nhà nhập khẩu EU đã đẩy mạnh việc mua cá ngừ Việt Nam, để đến khi cập cảng ở EU vào tháng 8, các lô hàng này đều được hưởng thuế bằng 0% do Hiệp định đã chính thức có hiệu lực.
Chính nhờ các nhà nhập khẩu EU đẩy mạnh mua hàng nhằm đón đầu việc ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA, trong tháng 7, xuất khẩu cá ngừ tươi, sống và đông lạnh Việt Nam sang EU tăng chóng mặt với mức tăng tới 2.607% so với tháng 7/2019; cá ngừ đóng hộp tăng 78%…
Trong những tháng tới, nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, dự báo xuất khẩu cá ngừ sang EU tiếp tục tăng trưởng khả quan. Đây cũng là động lực quan trọng để xuất khẩu cá ngừ nói chung có những chuyển biến tích cực hơn trong những tháng còn lại của năm nay, sau khi bị sút giảm nhiều trong nửa đầu năm vì dịch bệnh Covid-19.