| Hotline: 0983.970.780

Ngành nông nghiệp ứng phó linh hoạt với khó khăn của thị trường

Thứ Ba 07/06/2022 , 10:38 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đã có những giải pháp để thích ứng với biến động của thị trường. Do đó, xuất khẩu nông sản 5 tháng trên 23 tỷ USD, thặng dư thương mại 5,1 tỷ USD.

Sản xuất gắn với thị trường

Để đẩy mạnh tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, thời gian qua Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian hàng OCOP tại Festival trái cây Sơn La năm 2022. Ảnh: Nguyễn Chương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian hàng OCOP tại Festival trái cây Sơn La năm 2022. Ảnh: Nguyễn Chương.

Bên cạnh đó, xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm và tổ chức nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp.

Kết quả là hệ thống các tổ chức sản xuất, nhất là hợp tác xã (HTX) ngày càng có vai trò quan trọng đặc biệt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là nhiệm vụ tổ chức nông dân sản xuất theo quy trình an toàn và kiểm soát nội bộ chất lượng sản phẩm.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2022, cả nước đã thành lập mới 456 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 77 Liên hiệp HTX nông nghiệp, trên 18.500 HTX nông nghiệp; trong đó có khoảng 60% HTX nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt.

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị như Nafoods, Đồng Giao, TH, Doveco, Dabaco, Masan, Vinamilk, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông…

Ngoài ra, việc tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng đã khẳng định là hướng đi đúng đắn của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ. Cụ thể, đến nay cả nước đã có trên 6.925 chuỗi liên kết nông nghiệp; huy động 293 tổ chức khoa học, 4.393 hợp tác xã, 777 tổ hợp tác, 1.910 doanh nghiệp và gần 700.000 hộ nông dân tham gia.

Liên quan vấn đề tổ chức sản xuất gắn với phát triển các vùng nguyên liệu chất lượng đạt chuẩn, tập trung, Bộ NN-PTNT đã có “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025”.

Trong đó, triển khai phát triển vùng nguyên liệu tập trung thuộc địa bàn 14 tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam với các sản phẩm chủ lực như: cây ăn quả, lúa gạo, cà phê, gỗ lớn rừng trồng, thủy sản (tôm).

Bộ NN-PTNT không ngừng tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường, quảng bá nông sản. Trong ảnh: Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng quà là sản phẩm OCOP của Việt Nam cho ông Carter Roberts, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WWF-Hoa Kỳ trong khuôn khổ chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Hoa Kỳ từ 11-17/5. Ảnh: Lê Trung Quân.

Bộ NN-PTNT không ngừng tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường, quảng bá nông sản. Trong ảnh: Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng quà là sản phẩm OCOP của Việt Nam cho ông Carter Roberts, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WWF-Hoa Kỳ trong khuôn khổ chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Hoa Kỳ từ 11-17/5. Ảnh: Lê Trung Quân.

Bên cạnh tổ chức sản xuất, Bộ NN-PTNT cũng không ngừng tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường, phát triển các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Theo đó, Bộ chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, các Bộ ngành triển khai xây dựng, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường tuyền thống.

Cùng với đó là tổ chức nhiều đoàn xúc tiến, giao thương, phát triển thị trường nông sản tại các thị trường có tiềm năng, thị trường ngách. Nhờ đó, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%, thặng dư thương mại đạt 5,1 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ.

Chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Trước sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đã có nhiều giải pháp để ổn định thị trường và ứng phó với tình hình.

Cụ thể, Bộ NN-PTNT đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản, thành lập các tổ công tác chuyên đề để chủ động hỗ trợ kết nối thông tin giữa sản xuất, tiêu thụ nông sản; nắm bắt sản lượng vào các thời điểm thu hoạch rộ và nhu cầu thị trường để có định hướng và kịch bản thúc đẩy tiêu thụ, hạn chế tình trạng cung vượt cầu, giảm giá.

Thời gian qua, do nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và đẩy giá vật tư tăng cao; làm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm nông nghiệp tăng.

Trước thực trạng này, Bộ NN-PTNT đã hướng dẫn địa phương điều chỉnh kế hoạch tổ chức sản xuất, mùa vụ phù hợp với điều kiện thời tiết và theo tín hiệu thị trường, giúp người nông dân có thu nhập ổn định và có lãi.

Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị, đa ngành; phát triển nông nghiệp tuần hoàn và tổ chức lại sản xuất, nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng để giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh; tăng cường chế biến, nhất là chế biến sâu.

Một giải pháp hiệu quả nữa là phát huy công tác khuyến nông cộng đồng hướng đến “giảm chi phí - tăng chất lượng”; hướng dẫn người dân canh tác hiệu quả, giảm vật tư đầu vào, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp.

Trên khía cạnh thông tin, Bộ NN-PTNT đã tăng cường minh bạch hóa thông tin giá cả, thị trường; truyền thông nâng cao nhận thức, khuyến cáo về sản xuất nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, hạn chế tình trạng dư thừa hàng hóa trên thị trường.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%, thặng dư thương mại đạt 5,1 tỷ USD. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%, thặng dư thương mại đạt 5,1 tỷ USD. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Trong thời điểm tiêu thụ khó khăn do Covid-19, Bộ đã tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc sản địa phương tới thị trường trong nước, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thông qua các diễn đàn.

Ngành nông nghiệp cũng liên tục tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn, hữu cơ, sản phẩm OCOP thông qua các sự kiện lớn như hội chợ, triển lãm và các phiên chợ, điểm giới thiệu.

Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ triển khai “Hệ thống điều hành cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản”, làm công cụ theo dõi sản lượng cung cầu, qua đó đưa ra các kịch bản và giải pháp can thiệp cần thiết điều tiết cung cầu từng nhóm hàng và từng khu vực trong các tình huống.

Đối với vấn đề giá vật tư đầu vào tăng cao, Bộ sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất; tăng cường sử dụng thức ăn tinh, giảm thức ăn thô và tận dụng tối đa phụ phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản.

Đơn giản hóa nhiều thủ tục

Trong thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ NN-PTNT và được tập trung đôn đốc triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, tổng số thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT năm 2016 là 508 thủ tục; đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 344 thủ tục (chiếm tỷ 67,7%), trong đó cắt giảm 149 thủ tục, đơn giản hóa 195 thủ tục. Ước tính tiết kiệm từ việc cắt giảm, đơn giản hóa khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Nhờ đó, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, là nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.

Đến nay, cả nước có 14.800 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp. Bên cạnh sự phát triển, đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ứng dụng công nghệ, nâng cao giá trị

Xác định khoa học công nghệ là then chốt trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT luôn khuyến khích, tạo điều kiện để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tạo các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao ở ba trục sản phẩm, gồm: (i) Nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; (ii) Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; (iii) Nhóm sản phẩm địa phương (OCOP).

Hiện nay, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất sản xuất nông nghiệp.

Cả nước đã hình thành gần 2.000 HTX ứng dụng công nghệ cao. Các lĩnh vực sản xuất của HTX ứng dụng công nghệ cao phổ biến là sản xuất rau, trái cây, an toàn; sản xuất giống cây trồng; sản xuất hoa, làm nấm; chăn nuôi gà, lợn, bò sữa, và nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.

Cả nước đã hình thành gần 2.000 HTX ứng dụng công nghệ cao. Các lĩnh vực sản xuất của HTX ứng dụng công nghệ cao phổ biến là sản xuất rau, trái cây, an toàn; sản xuất giống cây trồng; sản xuất hoa, làm nấm; chăn nuôi gà, lợn, bò sữa, và nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.

Xem thêm
Người tái hiện cảnh Bắc Bộ xưa trên cánh đồng làng

Cánh đồng Ngãi và Chành bỏ hoang chục năm nay bỗng một ngày xuất hiện một đầm sen rộng bát ngát và mấy căn chòi bằng gỗ lá đầy hấp dẫn bước chân người.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Công nhân thủy lợi thiệt mạng do tai nạn điện

Ngày 5/11, vụ tai nạn điện xảy ra tại khu vực thôn Lùng Sán, xã Nàn Sín (huyện Si Ma Cai, Lào Cai), khiến một người tử vong. 

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.