Chi phí sản xuất thấp, nguồn nhân công dồi dào
Phân tích về những điểm mạnh của ngành rau, hoa, quả nước ta, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, Việt Nam với vị trí địa lý nằm trong khu vực Đông Nam Á, sát cạnh Biển Đông, trải dài 3.260km bờ biển, lượng mưa lớn hàng năm trải đều khắp nước thích hợp cho phát triển trồng trọt.
Đồng thời, còn sở hữu khí hậu đa dạng (nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới) với các đồng bằng phì nhiêu đến các vùng cao nguyên, núi cao... phù hợp cho việc sản xuất nhiều loại rau, hoa, quả quanh năm.
“Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu rau, hoa, quả nhiệt đới trên thị trường khu vực và quốc tế”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Theo ông Nguyên, Việt Nam hiện đang sở hữu và khai thác 1,2 triệu ha cho trồng trọt trái cây với sản lượng hàng năm trên 12 triệu tấn quả. Đây là nguồn cung ứng dồi dào nguyên liệu cho tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu. Các sản phẩm đặc trưng nổi tiếng như sầu riêng, chuối, mít, bưởi, vải thiều, xoài, thanh long và đặc biệt là hoa Đà Lạt có sức cạnh tranh cao trên thị trường khu vực cũng như quốc tế.
Diện tích trồng hoa cả nước hiện khoảng 36.000ha, rau khoảng 1 triệu ha với sản lượng gần 18 triệu tấn phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và một số ít cho chế biến xuất khẩu.
Đồng thời, chi phí sản xuất thấp, nguồn nhân công dồi dào với gần 60% dân số trẻ, biết sử dụng các công nghệ Internet vạn vật (IoT), kỹ thuật số vào sản xuất trồng trọt... cũng góp phần tăng sự cạnh tranh cho ngành.
Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ chế biến, đóng gói và bảo quản sau thu hoạch. Nhiều nhà máy chế biến, đóng gói rau quả mọc lên với các máy móc và công nghệ hiện đại được nhập từ nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết 20 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 17 FTA đã đi vào thực hiện. Các FTA như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) đã giúp giảm đáng kế hàng rào thuế quan (có khi tới 0%) và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu rau, hoa, quả Việt Nam sang nhiều thị trường tiềm năng.
Tuy nhiên, các FTA này cũng có nhiều quy định nghiêm ngặt về chất lượng, số lượng sản phẩm được phép thực hiện... Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như cạnh tranh gay gắt, yêu cầu về thủ tục hải quan phức tạp...
Phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc
Tổng Thư ký Vinafruit cho rằng, dù có nhiều lợi thế, ngành rau, hoa, quả nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ nhất, chuỗi cung ứng rau, hoa, quả Việt Nam còn nhiều hạn chế như: Sản phẩm dễ bị nhiễm hóa chất, vi phạm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do quy mô sản xuất nhiều nơi còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến chất lượng không đồng đều, thiếu các thông tin về thị trường nên khó khăn trong việc áp dụng những tiêu chuẩn, quy định của các nước nhập khẩu.
Thứ hai, ngành đang thiếu những thương hiệu rau, hoa, quả Việt Nam có độ nhận diện cao, gắn liền với chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng GAP như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... đáp ứng các quy định của từng thị trường mà doanh nghiệp hướng đến.
Thứ ba, nhiều sản phẩm chưa đạt các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và môi trường như VietGAP, GlobalGAP, Smeta, HACCP, Halal...
Thứ tư, giao thông vận tải chưa đồng bộ, giao thông nội vùng, cao tốc chưa được đầu tư đúng mức yêu cầu... làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển, gây khó khăn trong thu hoạch, bảo quản, làm thất thoát lớn sản phẩm sau thu hoạch (khoảng 20 - 30%).
Thứ năm, phần lớn sản phẩm xuất khẩu ở dạng tươi, giá trị gia tăng thấp. Đặc biệt, xuất khẩu rau, hoa, quả Việt Nam hiện vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc (khoảng 65%) dẫn đến rủi ro cao khi có thay đổi chính sách hoặc yêu cầu, tiêu chuẩn nhập khẩu.
Xu thế thị trường và cơ hội cho Việt Nam
Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng đối với mặt hàng rau, hoa, quả trong thời gian tới, ông Nguyên cho hay, người tiêu dùng quốc tế hiện nay ưu tiên các sản phẩm sạch, an toàn, rất ít hoặc không còn tồn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm, có các chứng nhận hữu cơ hoặc VietGAP, GlobalGAP. Xu hướng tiêu dùng hướng đến các sản phẩm được sản xuất theo phương pháp bền vững, bảo vệ môi trường, xanh, sạch.
Bên cạnh đó, xu hướng truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang gia tăng ở các thị trường nhập khẩu và cả trong nước. Người tiêu dùng muốn biết rõ sản phẩm này đến từ doanh nghiệp, quốc gia nào, thời gian sản xuất, nơi sản xuất, hạn sử dụng...
Theo ông Nguyên: “Thị trường sản phẩm hữu cơ toàn cầu dự kiến đạt hơn 300 tỷ USD vào năm 2030 do dân số thế giới gia tăng dự kiến từ năm 2030 sẽ đạt trên 10 tỷ người. Nhu cầu bảo vệ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ tăng cao khiến nhu cầu sử dụng rau quả, nhất là sản phẩm hữu cơ trở nên bức thiết. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh sản xuất rau quả hữu cơ phục vụ tiêu dùng trong và ngoài nước”.
Ngoài ra, cũng theo ông Nguyên, nhu cầu trái cây chế biến (nước ép, sấy khô, đông lạnh) ngày càng tăng, tiện lợi phục vụ cuộc sống và làm việc ở các đô thị đông dân, đặc biệt tại các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á...
“Tại thị trường nội địa, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm rau quả sạch, đóng gói sẵn và có thể giao hàng tận nơi”, ông Nguyên cho biết thêm.
Về thị trường tiềm năng và cơ hội xuất khẩu của ngành rau quả nước ta trong thời gian tới, ông Nguyên chia sẻ, đối với thị trường EU, thị trường này có yêu cầu cao về chất lượng, nhưng nhu cầu đối với các loại trái cây nhiệt đới như xoài, thanh long, chanh dây, mít… rất lớn.
Thị trường Hoa Kỳ ưa chuộng các sản phẩm chất lượng cao như sầu riêng, nhãn, dừa, bưởi da xanh, chanh dây, dưa chuột... Đây là thị trường lớn thứ hai sau Trung Quốc.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN là những thị trường có tiềm năng lớn đối với sầu riêng, mít, bưởi, chuối, thanh long, xoài, nhãn, vải... cùng với các loại rau quả chế biến và đóng gói sẵn.
Úc và New Zealand hiện đã mở cửa thêm cho nhiều loại trái cây Việt Nam như xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi, thanh long, chanh xanh. Ấn Độ đang nhập khẩu thanh long và tương lai sẽ thêm sầu riêng...