UBND tỉnh Quảng Ninh mới tổ chức họp báo thường kỳ quý IV năm 2024. Ông Ngô Quang Hưng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết năm 2024 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,42%, đứng thứ 6 trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 20 cả nước; quy mô kinh tế ước đạt 347.534 tỷ đồng, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 7 cả nước.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 109.400 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; khách du lịch đạt 19 triệu lượt, tăng 20% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,9% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 3.539 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2,8 tỷ USD nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Tổng thu ngân sách nhà nước đến ngày 25/12/2024 đạt 52.688 tỷ đồng, trong đó: Thu từ xuất nhập khẩu đạt 17.952 tỷ đồng, thu nội địa đạt 34.748 tỷ đồng. Ước cả năm 2024 đạt 55.600 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm đề ra.
Tổng chi ngân sách địa phương đến ngày 25/12/2024 đạt 19.880 tỷ đồng, bằng 70% dự toán, bằng 100% cùng kỳ; ước thực hiện cả năm đạt 25.868 tỷ đồng, bằng 95% dự toán năm, tăng 4% so với cùng kỳ.
Các cấp, các ngành đã thực hiện đầy đủ chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh sau cơn bão số 3. Tỉnh đã bố trí 1.180 tỷ đồng để khắc phục hậu quả sau bão (180 tỷ đồng dự phòng ngân sách; 1.000 tỷ đồng khắc phục bão), đến nay đã chi 218 tỷ đồng và đang tiếp tục xem xét, giải quyết theo đề nghị của các địa phương.
Quá nhiều thủ tục, nông dân khó tiếp cận tiền hỗ trợ thiệt hại
Trước câu hỏi của phóng viên về tiến độ chi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do bão số 3 (Yagi) bị chậm, ông Ngô Quang Hưng - Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết khi triển khai Nghị định 02/2017 của Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại thì gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình làm hồ sơ, xác định đối tượng được hỗ trợ.
"Trận bão số 3 gây thiệt hại rất lớn cho địa phương, hầu như nhà nào cũng bị. Thế nhưng quy định của pháp luật về hồ sơ, đối tượng được hỗ trợ hết sức chặt chẽ, chính quyền các cấp phải làm kỹ dẫn đến việc giải ngân gặp khó khăn", ông Hưng cho hay.
Liên quan đến nội dung này, ông Vũ Duy Văn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh cũng nhìn nhận do quy trình quá nhiều thủ tục.
Ông Văn dẫn chứng, người nông dân để được hưởng hỗ trợ thì phải làm theo mẫu đơn kèm các bảng kê khai tài sản bị thiệt hại, cộng với biên bản kiểm tra thực địa.
"Xác minh thiệt hại trong nông nghiệp có cái khó là diện tích bị thiệt hại rất lớn nhưng ngay sau bão chúng ta không thể kết luận được ngay vì nhiều khu vực còn đang bị chia cắt do ngập lụt. Ngoài ra, có những vùng bão xong cây bị nghiêng, đổ nhưng chưa chết ngay, có khi vài tuần sau mới bị. Mà cập nhật số liệu đó cần thời gian theo dõi. Khó khăn nữa là diện tích bị thiệt hại quá lớn, bố trí người đi thẩm tra, xác minh thiệt hại một cách chính xác để lập biên bản quả thực rất khó khăn, mất nhiều thời gian", ông Văn thẳng thắn chia sẻ.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Phạm Thị Thu Hiền, Chi hội nuôi biển Vân Đồn nói thẳng hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ thiệt hại do bão số 3.
"Rất khó tiếp cận được hỗ trợ vì điều kiện đầu tiên khu vực nuôi trồng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch nuôi trồng sản xuất. Thứ hai là phải có kê khai sản xuất ban đầu như con giống mua số lượng bao nhiêu, thả khi nào,... kê khai đó phải được chính quyền địa phương xác nhận, cơ quan chuyên môn chứng kiến. Các yêu cầu này thì gần như không hộ nào làm được", bà Hiền nói và bày tỏ mong muốn tỉnh Quảng Ninh cùng các Bộ, ngành Trung ương sớm tháo gỡ khó khăn về thủ tục trong quá trình giao biển để bà con sớm được giao biển, tái thiết sản xuất.