| Hotline: 0983.970.780

Ngay đầu mùa mưa, An Giang đã thiệt hại người và tài sản

Chủ Nhật 14/05/2023 , 09:49 (GMT+7)

Tỉnh An Giang ghi nhận có 56 đoạn sông nguy cơ sạt lở cao. Bên cạnh đó, giông, sét làm 1 người chết, 10 căn nhà bị hư hỏng.

56 đoạn sông rạch nguy cơ sạt lở cao

Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cho biết, trong đầu tháng 5/2023, lãnh đạo Sở đã có chuyến khảo sát các điểm sạt lở và báo cáo UBND tỉnh An Giang để có biện pháp phòng tránh và khắc phục.

Qua chuyến khảo sát, đo đạc thực địa các tuyến sông, kênh, rạch chính trên địa bàn tỉnh như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di, sông Châu Đốc, sông Cái Vừng, kênh Xáng Tân An, rạch Ông Chưởng, rạch Cái Sắn... có gần 20km được đánh giá có nguy cơ sạt lở.

Mới vào đầu mùa mưa nhưng tỉnh An Giang ghi nhận có 56 đoạn sông nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Hồ Thảo.

Mới vào đầu mùa mưa nhưng tỉnh An Giang ghi nhận có 56 đoạn sông nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo ông Trí, kết quả quan trắc, toàn tỉnh có 56 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở cao, trong đó có 5 đoạn được cảnh báo đặc biệt nguy hiểm, 37 đoạn nguy hiểm, 14 đoạn bình thường. Số đoạn cảnh báo sạt lở có xu hướng gia tăng về chiều dài và mức độ nguy hiểm, xảy ra sạt lở nhiều hơn ở các sông, kênh, rạch nhỏ.

Hiện nay, ĐBSCL đã bước vào mùa mưa. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang lưu ý các huyện cần chú ý 5 đoạn được cảnh báo sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm gồm: Đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An, huyện Phú Tân; đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong, thị xã Tân Châu; đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú; đoạn sông Hậu, sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới từ xã Kiến An đến chợ xã Mỹ Hội Đông dài 3.600m (điểm cuối là chùa Liên Hoa) và đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên.

Nguyên nhân sạt lở gia tăng được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chỉ ra là do diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mê Kông gây thiếu bùn cát bồi lắng và hoạt động khai thác cát xây dựng, vận tải hai bên bờ sông...

Song song đó, An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung có nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh. Việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông gây chấn động và sóng cũng là nguyên nhân gây sạt lở đất ven sông, kênh, rạch.

Để hạn chế thiệt hại về người, tài sản do sạt lở đất bờ sông, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đề nghị các sở, ngành, huyện tăng cường hơn nữa công tác cảnh báo, phòng, chống và khắc phục hậu quả sạt lở đất bờ sông. Giải pháp căn cơ lâu dài là tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo, theo dõi, quan trắc cảnh báo các đoạn sông xảy ra sạt lở.

Bên cạnh đó, các sở, ngành cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học xây dựng phương án, biện pháp phòng, chống sạt lở bờ sông. Tăng cường kiểm tra các phương tiện hoạt động giao thông thủy để hạn chế tác động gây ra sạt lở bờ sông ở một số địa điểm có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời cần thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh công tác quản lý nhà ở trên sông, kênh, rạch...

Đặc biệt, các huyện cần tăng cường kiểm tra không để phát sinh, cải tạo gia tăng tải trọng nhà ở, công trình trên bờ sông, kênh, rạch trái phép. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc khai thác cát sông trái phép, xử lý nghiêm các sai phạm.

Sét đánh làm 1 người chết

Bên cạnh vấn đề sạt lở hai bên bờ sông đang diễn ra phức tạp trên địa bàn An Giang, vào đầu tháng 5, trên địa bàn còn xuất hiện những cơn mưa lớn kèm giông sét làm 1 người chết và tốc mái 10 căn nhà.

Ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn huyện Châu Phú và TP Châu Đốc (An Giang) có 10 căn nhà của người dân bị sập, tốc mái và xiêu vẹo; trong đó tại xã Vĩnh Châu (thành phố Châu Đốc) ghi nhận 1 căn nhà bị sập hoàn toàn, 3 căn nhà tốc mái một phần và xiêu vẹo. Tại xã Mỹ Phú, Bình Chánh, Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú), giông, lốc xoáy đã làm tốc mái hoàn toàn 5 căn nhà, 1 căn nhà bị tốc mái một phần và xiêu vẹo. 

Vào đầu tháng 5, trên địa bàn xuất hiện những cơn mưa lớn kèm giông, sét làm 1 người chết và tốc mái 10 căn nhà. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vào đầu tháng 5, trên địa bàn xuất hiện những cơn mưa lớn kèm giông, sét làm 1 người chết và tốc mái 10 căn nhà. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Còn tại xã Phú Thành (huyện Phú Tân) xảy ra mưa lớn kèm theo giông, sét đã làm một người dân đang cấy lúa tại ruộng bị thiệt mạng. Nạn nhân tên P.V.H. (sinh năm 1981, trú tổ 1, ấp Bình Phú 1, xã Phú Bình, huyện Phú Tân).

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự xã Phú Bình (huyện Phú Tân) đã kịp thời đến gia đình hỏi thăm, động viên và trao hỗ trợ bước đầu 1 triệu đồng cho gia đình có người thiệt mạng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang đang phối hợp với UBND huyện Phú Tân thực hiện các thủ tục để hỗ trợ cho người mất do giông, sét theo quy định.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.