| Hotline: 0983.970.780

Cồn Thanh Long ngập lụt giữa mùa khô, hơn 10ha đất lở xuống sông

Thứ Ba 25/04/2023 , 15:28 (GMT+7)

Vĩnh Long Nông dân và chính quyền địa phương mong muốn được hỗ trợ công trình kè rọ đá chắc chắn, kiên cố hơn để xử lý điểm sạt lở nóng tại cồn Thanh Long.

Cồn Thanh Long xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm được UBND tỉnh công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp. Ảnh: Minh Đảm.

Cồn Thanh Long xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm được UBND tỉnh công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp. Ảnh: Minh Đảm.

Nhanh chóng khắc phục theo phương châm "4 tại chỗ"

Nhiều năm nay, tình trạng sạt lở trên cồn Thanh Long thuộc ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Hàng chục ha đất nông nghiệp, nhà cửa của nông dân trên cồn lần lượt rơi vào "miệng hà bá”.

Thời điểm này chỉ mới tháng tư, ĐBSCL đang cao điểm mùa khô, nước lũ chưa về, dòng chảy còn yếu thế nhưng nông dân nơi đây vừa hứng chịu cảnh ngập lụt nhà cửa và vườn cây ăn trái do sạt lở đoạn đê bao dài khoảng 40m, ăn sâu khoảng 20m.

Nước sông Cổ Chiên tràn qua đoạn đê bao bị vỡ ở cồn Thanh Long khiến hàng chục ha hoa màu, nhà cửa của người dân bị ngập lụt. Clip: Người dân cung cấp.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, vụ sạt lở vào trưa 20/4 tại cồn Thanh Long gây ngập 17,2ha vườn cây ăn trái gồm xoài, bưởi da xanh và ổi của 8 hộ dân.

Ngay khi nhận được tin báo của người dân, chính quyền xã Quới Thiện đã đến khảo sát, ghi nhận thiệt hại tại điểm sạt lở. Đồng thời phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long tìm phương án và đưa phương tiện đến khắc phục tạm thời.

UBND xã cũng họp dân lấy ý kiến để di dời nhà cửa để đầu tư nâng cấp đoạn đê bao. Đồng thời, lập tờ trình UBND huyện xin chủ trương đầu tư sửa chữa, nâng cấp và di dời tuyến đê bao (vào phía vườn) tổng chiều dài khoảng 200m.

Ông Trương Minh Thịnh, Chủ tịch UBND xã Quới Thiện cho biết: Thực hiện phương châm "4 tại chỗ" địa phương đã khắc phục tạm thời đoạn đê bao bị sạt lở tại cồn Thanh Long, thuộc ấp Phước Lý Nhì. Đồng thời, thông báo cho người dân trong khu vực thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sạt lở tại khu vực này để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Chiều 21/4, điểm sạt lở đê tại cồn Thanh Long được khắc phục tạm thời. Ảnh: Minh Đảm.

Chiều 21/4, điểm sạt lở đê tại cồn Thanh Long được khắc phục tạm thời. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ông Phan Văn Minh, Trưởng ấp Phước Lý Nhì do sạt lở nhiều năm, cùng với hoạt động tuyên truyền của chính quyền địa phương, người dân đã chủ động di dời tài sản, nhà cửa đến nơi an toàn. “Ở đây có phương châm "4 tại chỗ", nếu sạt lở ít thì địa phương vận động người dân nhanh chóng xử lý, sạt lở nhiều thì huyện, tỉnh hỗ trợ di dời. Đê bao này mới làm cách đây 6 tháng, do dòng nước chảy xoáy gây sụt, sạt lở nhanh”, ông Minh cho biết.

Anh Nguyễn Chí Bảo, người dân sinh sống trên cồn nói đã quen với cảnh sạt lở nhưng không ngờ diễn ra ở thời điểm mùa khô hạn thế này. Anh Bảo kể lại, thời điểm sạt lở là lúc khoảng 12 giờ trưa 20/4, nước cạn và điểm sạt lở khá gần nhà anh. Đầu tiên, bãi đất cách đê khoảng 2m có hiện tượng sụp lún. Không ai nghĩ rằng nó ăn sâu, nuốt mất luôn con đê trong vòng 15 phút. Sau đó nó phá rộng ra chừng 20m. Cả nhà xúm lại khiêng, kê đồ đạc lên cao và mang một số đồ đạc lên đê tránh nước ngập.

“Cách đây chừng 5 năm cồn này bị lở rồi, năm nào cũng lở, ít thì nhân dân ở đây hùn tiền với nhau củng cố bờ bao, nhiều thì nhà nước hỗ trợ đê bao cho nhân dân. Thường thì nó bị lở vào khoảng tháng 8-9 - mùa nước nổi, nhưng năm nay mới tháng tư là nó bị rồi”, anh Nguyễn Chí Bảo kể lại sự việc.

Theo ông Phan Văn Minh, Trưởng ấp Phước Lý Nhì, do sạt lở nhiều năm, cùng với hoạt động tuyên truyền của chính quyền địa phương, người dân đã chủ động di dời tài sản, nhà cửa đến nơi an toàn. Ảnh: Hữu Đức.

Theo ông Phan Văn Minh, Trưởng ấp Phước Lý Nhì, do sạt lở nhiều năm, cùng với hoạt động tuyên truyền của chính quyền địa phương, người dân đã chủ động di dời tài sản, nhà cửa đến nơi an toàn. Ảnh: Hữu Đức.

Nông dân kiến nghị có giải pháp kiên cố đê bao

Sạt lở liên tục khiến nhiều nông dân phải liên tục di dời nhà cửa, rất vất vả. Gia đình bà Nguyễn Thị Nhi cũng phải chạy ra chạy vô do bị sạt lở. Bà nói gia đình có 15 công đất trồng bưởi da xanh, xoài cát, cau bán lá. Ngày trước bị sạt lở mất nhà gia đình mới chuyển nhà sâu vào bên trong. Đợt này, nước ngập gia đình lại phải dọn về phía ngoài đê cao ngoài này ở tạm.

“Phần đất hồi xưa nó rộng, bồi ra ngoài dữ lắm. Sau này nó lở kinh hoàng. Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng lắm, cây cối nó xuống, chết cây, cực dữ lắm”, bà Nguyễn Thị Nhi than.

Bà Nhi cũng như nhiều người dân chia sẻ, trước khi xảy ra sạt lở, cồn Thanh Long được bồi đắp rất tốt, tuy nhiên những năm gần đây sạt lở ngày càng trầm trọng hơn khiến nông dân rất lo lắng. Mỗi lần sạt lở đồ đạc trong nhà hư hỏng, cây cối suy kiệt, chết do ngập úng.

Bên cạnh đó, sạt lở tái diễn thường xuyên khiến nhiều hộ dân đã đi vào đất liền không dám ở lại cồn, cụ thể như gia đình chị Nguyễn Thị Kim Yến. Theo chị chia sẻ, gia đình mua được 10 công đất (1ha) ở cồn này được khoảng 7 năm nay. Cũng từ đó đến nay, do thay đổi dòng chảy, xoáy mạnh vào chân đê mà sạt lở diễn ra triền miên. 10 công đất ban đầu, nay chỉ còn 8 công.

Chị Yến khẳng định, hầu như mỗi hộ dân đều phải chịu mất từ 1-2 công đất. Con đê này phải dời vô mấy lần, sạt lở ăn sâu hàng chục thậm chí có điểm cả trăm mét. Nhà cửa của nông dân cũng vì thế mà phải "chạy" theo. Đáng buồn, đã có 3-4 căn nhà tường kiên cố rơi vào dòng nước chảy xiết. Riêng gia đình chị đã phải về đất liền thuê đất khác mà ở.

Bà Nguyễn Thị Nhi nói về căn nhà của mình sau những lần sạt lở. Ảnh: Hữu Đức. 

Bà Nguyễn Thị Nhi nói về căn nhà của mình sau những lần sạt lở. Ảnh: Hữu Đức. 

Chị nhớ như in, mỗi lần sạt lở gia đình đều phải chạy đôn chạy đáo, lo lắng cho vườn chanh bị ngập úng. Từ hồi trồng cây, gia đình mới thu hoạch được hai mùa thì sạt lở xảy ra. Cây bị ngập nước 2 lần rồi chết. Gia đình cố gắng mua giống trồng lại đến nay mới cho trái thì lại tiếp tục bị sạt lở, ngập úng.

“Rất nhiều người trông đợi nhà nước quan tâm ổn định dòng chảy bằng cách kè rọ đá cho chắc chắn, an toàn hơn so với việc chữa cháy bằng cách lở tới đâu cạp đắp lại chỗ đó như hiện nay, không hiệu quả. Ở dưới dòng chảy nó vẫn đạp vô đê lại lở nữa. Vừa qua 1-2 năm lại lở một lần, không yên tâm sản xuất”, chị Yến kiến nghị.

“Mong muốn nhà nước hỗ trợ cho nhân dân làm rọ đá, thay đổi dòng chảy cho đừng sạt lở cồn Thanh Long nữa, cho nhân dân yên tâm sản xuất”, anh Nguyễn Chí Bảo, ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện đồng kiến nghị.

Cồn Thanh Long đã được công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên cồn Thanh Long xảy ra sạt lở. Những năm gần đây tình hình sạt lở tại khu vực này diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn và đe dọa cuộc sống, tài sản của người dân. Trước năm 2016, diện tích cồn Thanh Long khoảng 50ha, trong đó đất của hộ gia đình, cá nhân chiếm khoảng 44% (khoảng 22ha) với 11 hộ dân sinh sống, sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản. Diện tích còn lại do Nhà nước quản lý. Đến nay, diện tích cồn còn ít hơn 40ha. Đến cuối năm 2020, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp ở cồn này.

Ông Phạm Minh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm cho biết, do kinh phí của địa phương có hạn, chỉ có thể khắc phục tạm thời. Ông cũng mong muốn Trung ương và tỉnh Vĩnh Long có phương án khắc phục triệt để tình trạng này để bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân.

Ngoài điểm nóng tại cồn Thanh Long, tại tỉnh Vĩnh Long cũng còn nhiều điểm sạt lở rất nóng. Đối với vấn đề phòng chống sạt lở, được biết địa phương này vận dụng nhiều nguồn vốn từ Trung ương, Quỹ phòng chống thiên tai, lụt bão địa phương và vốn ngân sách tỉnh.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản chi phí lớn thì sử dụng vốn đầu tư công trung hạn, vốn Trung Ương đã có kế hoạch 2021 - 2025 được HĐND tỉnh thông qua. Đối với các điểm sạt lở nhỏ, duy tu, sửa chữa nhỏ, cấp bách thì sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai, nguồn vốn khác của Sở NN-PTNT quản lý.

Thông tin về phương án khắc phục sự cố, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, dự kiến số vốn đầu tư xây dựng dự án công trình khắc phục sạt lở tại đây tương đối lớn, trên 100 tỷ đồng. Sở NN-PTNT cũng đã làm việc với Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai của Bộ NN-PTNT để có vốn đầu tư và vốn đối ứng của tỉnh.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh cho ông Đinh Thế Huynh

Ông Đinh Thế Huynh được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh vì đã có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Bình luận mới nhất