2.000 hộ sống bất an ở khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét. Quốc lộ 3C tê liệt nhiều ngày do lở đất. 4 tháng đầu năm, Bộ NN-PTNT giải ngân gần 2.300 tỷ đồng. Đồng Nai huy động hơn 2.000 tỷ đồng phát triển rừng bền vững.
2.000 HỘ SỐNG BẤT AN Ở KHU VỰC NGUY CƠ SẠT LỞ, LŨ QUÉT
Thực hiện: Ngọc Tú – Hình tư liệu
Tỉnh Bắc Kạn hiện có trên 2 nghìn hộ sống trong vùng nguy cơ cao bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ quét và những hình thái thiên tai khác. Trong đó có gần 1 nghìn 800 hộ sống ở khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất đá. Thực tế hầu như mùa mưa lũ năm nào tại tỉnh Bắc Kạn cũng xảy ra sạt lở đất ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân.
Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn nên việc di dời những hộ này ra khỏi nơi nguy hiểm gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng các khu tái định cư mới chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ so với nhu cầu, chủ yếu di dời những hộ trong trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, tại tỉnh Bắc Kạn hiện có 16 hồ chứa nước cần sửa chữa, trong đó có 9 công trình mất an toàn do đã xuống cấp. Nhưng suốt nhiều năm qua, do thiếu vốn nên tỉnh Bắc Kạn chỉ thực hiện được dự án nhỏ, những công trình sửa chữa lớn vẫn đang trông chờ vào sự hỗ trợ từ trung ương.
QUỐC LỘ 3C TÊ LIỆT NHIỀU NGÀY DO LỞ ĐẤT
Toán Nguyễn – Hình quay mới
Từ rạng sáng ngày 8/5, Quốc lộ 3C đoạn đèo So, địa phận xã Quy Kỳ huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên bị ách tắc hoàn toàn do mưa lớn gây sạt lở đất, vùi lấp hoàn toàn mặt đường.
Tất cả người và các phương tiện lưu thông giữa 2 huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn bị chia cắt hoàn toàn.
Hiện đơn vị Quản lý đường bộ là Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình Bắc Nam đã tiến hành đảm bảo giao thông, trực chờ phương án xử lý sạt lở.
Sở Giao thông - Vận tải Thái Nguyên đã thông báo phân luồng giao thông, tất cả người và xe muốn di chuyển từ huyện Định Hóa đi huyện Chợ Đồn phải di chuyển vòng theo cung đường Thị trấn Chợ Chu đường HCM - QL3 - QL3b - Thị trấn Bằng Lũng và ngược lại với quãng đường khoảng 100km.
Dự kiến thời gian sớm nhất để Cục Quản lý đường bộ, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt xong phương án khắc phục cũng phải hết tuần này, tức ngày 12/5.
4 THÁNG ĐẦU NĂM, BỘ NN-PTNT GIẢI NGÂN GẦN 2.300 TỈ ĐỒNG
Quang Linh – tin khai thác
Trong năm 2023, Bộ NN-PTNT được giao 9.852 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản và tính đến cuối tháng 4 đã thực hiện giải ngân được 2.273,4 tỷ đồng, đạt 23,1% kế hoạch.
Đây cũng là một trong số ít bộ, ngành được đánh giá có mức giải ngân vốn cao hiện nay. Việc giải ngân rải đều trên các lĩnh vực như khối thủy lợi, đê, kè và khối nông lâm, viện, trường.
Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT yêu cầu các chủ đầu tư lập kế hoạch tiến độ thực hiện giải ngân chi tiết hàng tháng và cả năm phù hợp với thực tế hiện trường, bám sát mục tiêu giải ngân theo yêu cầu.
Bộ cũng đôn đốc chủ đầu tư các dự án mới khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, trình bộ phê duyệt trước ngày 30-6; các dự án đã được phê duyệt tiến hành thủ tục đấu thầu tư vấn, khảo sát lập thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, đảm bảo đúng pháp luật, đáp ứng tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân…
ĐỒNG NAI HUY ĐỘNG HƠN 2.000 TỶ ĐỒNG PHÁT TRIỂN RỪNG BỀN VỮNG
(Lê Bình - Trần Trung)
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững 172.445ha rừng hiện có, trong đó gần 124.000ha rừng tự nhiên và 48.500ha rừng trồng. Tỉnh cũng cố gắng trồng mới hơn 2.600ha rừng; diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt hơn 10.000ha; kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 2 tỷ USD vào năm 2025.
Mục tiêu được tỉnh Đồng Nai là nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Để thực hiện và đạt mục tiêu đề ra, từ nay đến năm 2025, tỉnh Đồng Nai sẽ đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Trong đó vốn từ ngân sách tỉnh hơn 1.061 tỷ đồng, còn lại từ nguồn dịch vụ môi trường rừng và huy động các nhà đầu tư.