Động thái này giống như một phần của quá trình sửa đổi liên tục Luật phúc lợi động vật theo chính sách thực phẩm hàng đầu của EU - Chiến lược Farm to Fork.
Theo Ủy viên Y tế Stella Kyriakides nhấn mạnh, mục tiêu là hướng tới một “môi trường không có chuồng trại cho hàng triệu động vật nuôi".
"Ủy ban dự định đề xuất luật có hiệu lực từ năm 2027, tùy thuộc vào các đánh giá tác động cần thiết và loại bỏ các giai đoạn", bà Stella Kyriakides khẳng định.
Gọi đây là “ngày lịch sử” đối với công dân châu Âu và vì quyền lợi động vật ở châu Âu, bà Kyriakides cho biết EU có “trách nhiệm đạo đức, xã hội để đảm bảo rằng điều kiện trang trại cho động vật phản ánh điều này”.
Cụ thể, đề xuất của Ủy ban liên quan đến các loài động vật đã được quy định trong luật mới, bao gồm gà đẻ, lợn nái và bê, cũng như các động vật khác như thỏ, gà thịt, chim cút, vịt và ngỗng.
Động thái này được đưa ra nhằm đáp lại Sáng kiến của Công dân châu Âu (ECI), "Kết thúc thời đại nhốt lồng", đã thu thập được hơn một triệu chữ ký kêu gọi chuyển đổi sang hệ thống nuôi không có lồng.
Sáng kiến này “xác nhận rằng quá trình chuyển đổi này cũng đáp ứng nhu cầu xã hội về canh tác bền vững và có đạo đức hơn”, Ủy viên phụ trách nông nghiệp của EU, Janusz Wojciechowski, cho biết, nhấn mạnh rằng một hệ thống lương thực bền vững “không thể tồn tại nếu không có các tiêu chuẩn phúc lợi động vật cao”.
Các tổ chức phi chính phủ hoan nghênh động thái này
Động thái này được hoan nghênh rộng rãi bởi các tổ chức xã hội dân sự, vốn từ lâu đã vận động chấm dứt việc sử dụng lồng trong nông nghiệp.
Olga Kikou, người đứng đầu Tổ chức Nhân ái trong Nông nghiệp Thế giới EU và là một trong những công dân lãnh đạo sáng kiến ECI, cho biết đây là một bước tiến lớn.
“Có cảm giác đó như một trong những khoảnh khắc lịch sử", bà nói, đồng thời cho biết thêm các nhà vận động sẽ “tập trung vào các thể chế châu Âu cho đến khi họ thực hiện được tham vọng này”.
Pierre Sultana, Giám đốc Văn phòng Chính sách châu Âu tại tổ chức chiến dịch FOUR PAWS, cho biết thông báo này là một "chiến thắng lớn cho các trang trại chăn nuôi ở Liên minh châu Âu" và kêu gọi các quốc gia thành viên ủng hộ lệnh cấm được đề xuất, giúp EU trở thành "người tiên phong" trong phúc lợi động vật trang trại.
Động thái này cũng đã được hoan nghênh bởi một số nhà lập pháp EU, bao gồm các nghị viên đảng Xanh (Green), những người ủng hộ quyền động vật lâu năm Francisco Guerreiro và Tilly Metz.
Mối quan tâm vẫn còn
Tuy nhiên, việc chấm dứt sử dụng lồng sẽ đòi hỏi những thay đổi căn bản đối với hệ thống canh tác hiện tại, làm dấy lên lo ngại từ các Hiệp hội chăn nuôi.
Morgan Ody, một thành viên của ban điều phối Hiệp hội nông dân châu Âu Via Campesina (ECVC), cảnh báo rằng để thực hiện được sự thay đổi này, điều cần thiết là phải có “các biện pháp pháp lý và hỗ trợ kinh tế xã hội rất cần thiết”.
Chỉ ra mức giá mà nông dân nhận được “thường không bao gồm chi phí”, bà nhấn mạnh Ủy ban “phải cam kết đảm bảo nông dân nhận được giá công bằng hơn cho sản phẩm của họ”, đặc biệt nếu chi phí sản xuất tăng lên do tuân thủ luật pháp của EU.
Trong khi đó, Hiệp hội nông dân EU COPA-COGECA cảnh báo rằng, với nhu cầu về các đề xuất cụ thể và kỹ thuật để đánh giá thêm, việc cam kết mốc thời gian 2027 là “không thực tế”.
Người phát ngôn cho biết: “Cần phải tính đến rằng các ngành chăn nuôi khác nhau có nhu cầu đa dạng và điều kiện kinh tế, cả về giá sản xuất và các khoản đầu tư cần thiết".
Dù vậy, Ủy ban khẳng định nông dân sẽ được hỗ trợ thông qua các cơ chế khác nhau trong Chính sách nông nghiệp chung (CAP) mới, chẳng hạn như công cụ kế hoạch sinh thái mới, sẽ giúp nông dân nâng cấp cơ sở vật chất phù hợp tiêu chuẩn mới.
Ủy ban cũng chỉ ra các thành viên có thể sử dụng Quỹ chuyển đổi (Just Transition Fund) và Chương trình hỗ trợ phục hồi (Recovery and Resilience Facility) để hỗ trợ nông dân.
Bước tiếp theo
EFSA cho biết, theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu, họ đang chuẩn bị các ý kiến khoa học về quyền lợi của động vật được nuôi cho mục đích nông nghiệp, trong đó sẽ xem xét gia cầm (bao gồm cả gà đẻ và gà nuôi để lấy thịt), lợn và bê. Chúng sẽ được cung cấp vào năm 2022 và đầu năm 2023.
Một cuộc tham vấn cộng đồng cũng sẽ được thực hiện chậm nhất vào đầu năm 2022, trong khi Ủy ban sẽ công bố đánh giá tác động về các tác động kinh tế xã hội và môi trường của lệnh cấm trước cuối năm sau.
Các kết quả sẽ được sử dụng để đánh giá tính khả thi của việc hướng tới dự kiến luật có hiệu lực từ năm 2027.
Song song với đó, Ủy ban sẽ tìm kiếm các biện pháp hỗ trợ cụ thể trong các lĩnh vực chính sách liên quan chính, chẳng hạn như thương mại.
Điều này rất quan trọng, theo COPA-COGECA.
“Chúng tôi nghĩ EU phải đảm bảo sự có đi có lại của các tiêu chuẩn giữa hàng nhập khẩu và sản phẩm được sản xuất tại châu Âu”, hiệp hội nêu quan điểm, đồng thời cảnh báo chính sách tiêu chuẩn kép của EU sẽ có “tác động tàn khốc đối với nông dân”.