| Hotline: 0983.970.780

Ngày Thế giới Phòng chống AIDS 1/12: Nguồn gốc và ý nghĩa

Thứ Hai 25/11/2024 , 15:30 (GMT+7)

Từ năm 1988, khi AIDS bắt đầu hoành hành trên khắp thế giới, Liên hợp quốc đã chọn ngày 1/12 hằng năm làm Ngày Thế giới Phòng chống AIDS.

Nguồn gốc của Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12

Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS) là một tình trạng mãn tính có khả năng đe dọa tính mạng con người do virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) gây ra. HIV tấn công hệ thống miễn dịch, làm suy yếu đến mức không thể chống lại nhiễm trùng, khiến cho người bệnh có thể chết vì bất cứ tổn thương nào. AIDS là căn bệnh lây lan qua đường tình dục không an toàn.

Dải băng đỏ là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bị bệnh AIDS.

Dải băng đỏ là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bị bệnh AIDS.

“Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” được James W. Bunn và Thomas Netter, hai viên chức thông tin đại chúng cho “Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS” của Tổ chức Y tế Thế giới tại Genève, Thụy Sĩ nghĩ ra lần đầu trong tháng 8 năm 1987.

Bunn và Netter nêu ý kiến của họ cho Dr. Jonathan Mann, Giám đốc Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS (nay gọi là Chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS). Dr. Mann thích sáng kiến này, đã chấp thuận và đồng ý với khuyến nghị về việc tổ chức “Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” đầu tiên vào ngày 1 tháng 12 năm 1988.

Từ năm 1988, khi AIDS bắt đầu hoành hành trên khắp thế giới, Liên hợp quốc đã chọn ngày 1/12 hàng năm làm Ngày Thế giới Phòng chống AIDS để cảnh báo một thảm họa đáng sợ trong thế kỷ 20.

Thay vì tập trung vào một ngày duy nhất, Chương trình chung của Liên hợp quốc về HIV/AID đã lập ra “Chiến dịch thế giới phòng chống AIDS” vào năm 1997 để tập trung vào thông tin, phòng chống và giáo dục về HIV/AIDS quanh năm.

Trong 2 năm đầu, chủ đề của Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS tập chú vào các trẻ em và người trẻ. Các chủ đề trên lúc đó đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã lờ đi sự kiện là người ta thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm HIV và bệnh AIDS. Tuy nhiên, các chủ đề đã thu hút sự chú ý tới nạn dịch HIV/AIDS, giúp giảm bớt một số kỳ thị xung quanh căn bệnh này, và giúp thúc đẩy sự nhìn nhận vấn đề là một bệnh gia đình.

Năm 2004, “Chiến dịch thế giới phòng chống bệnh AIDS” đã trở thành một tổ chức độc lập.

Nhìn lại lịch sử phòng chống căn bệnh thế kỷ

Mẫu máu có HIV dương tính được phát hiện đầu tiên vào năm 1959 tại Zaize - châu Phi.

Trước đó, trong giai đoạn thập kỷ 1960 - 1970, cuộc Cách mạng tình dục bùng nổ đã làm cho virus HIV lây lan khắp thế giới, trở thành căn bệnh thế kỷ. Kể từ khi được xác nhận là đại dịch những năm 80 của thế kỷ 20, AIDS đã giết chết tới 40,7 triệu người và lây nhiễm cho 85,5 triệu người trên toàn cầu.

Mãi đến năm 1981, bệnh AIDS trên lâm sàng được phát hiện đầu tiên tại Mỹ. Thành phố nơi dịch HIV bùng phát đầu tiên là Kinshasa, nay là thủ đô Cộng hòa Congo.

HIV tấn công mọi đối tượng nhưng chủ yếu là thanh niên, phụ nữ, trẻ em. Đại dịch HIV/AIDS là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tương lai nòi giống của các dân tộc.

Từ năm 1995, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) công bố những báo cáo thường niên về cuộc chiến chống lại căn bệnh này.

Năm 2004, AIDS được cho là đạt đỉnh khi làm khoảng 3 triệu người chết và hơn 37 triệu người nhiễm bệnh.

Ở Việt Nam, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 12 năm 1990 tại TP.HCM. Dịch HIV/AIDS bắt đầu bùng nổ từ năm 1993 trong nhóm những người nghiện chích ma túy tại TP.HCM. Sau đó dịch bắt đầu lan ra các tỉnh. Đến cuối tháng 12/1998, toàn bộ 61 tỉnh, thành trong cả nước đều đã phát hiện có người bị nhiễm HIV.

Theo các nhà nghiên cứu, nếu đẩy mạnh các biện pháp tích cực phòng chống HIV/AIDS, tới năm 2030, HIV/AIDS sẽ không còn là mối đe dọa toàn cầu về sức khỏe, cứu 21 triệu người thoát chết và ngăn ngừa được 28 triệu trường hợp bị nhiễm virus. 

Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (World AIDS Day) được tổ chức hàng năm vào ngày 1 tháng 12, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về đại dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, kêu gọi các quốc gia toàn thế giới trong nỗ lực phòng chống HIV/AIDS để Không còn người nhiễm mới HIV, Không còn phân biệt đối xử và Không còn người tử vong do AIDS với mong muốn tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.

Những điều cần biết:

HIV (Human Immunodeficiency Virus) là loại virus phá hủy các tế bào của hệ miễn dịch, khiến cơ thể không còn khả năng chống lại các vi khuẩn, virus khác và nấm gây bệnh. Do đó bệnh nhân dễ bị một số loại ung thư và nhiễm trùng cơ hội mà bình thường có thể đề kháng được.

AIDS (Acquired ImmunoDeficiency Syndrome) là một bệnh mạn tính do HIV gây ra. AIDS là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV được thể hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong. Thời gian từ khi nhiễm HIV đến biến chuyển thành bệnh AIDS tùy thuộc vào hành vi và đáp ứng miễn dịch của từng người nhưng tựu chung lại trong khoảng thời gian trung bình là 5 năm.

Nhiễm trùng cơ hội là những nhiễm trùng xảy ra nhân cơ hội cơ thể bị suy giảm miễn dịch do bị nhiễm HIV.

HIV lây truyền qua 3 đường: qua quan hệ tình dục, qua đường máu hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú. 

Nhưng lưu ý HIV không lây truyền qua:

  • Giao tiếp thông thường: ôm, hôn, bắt tay, nói chuyện, ho, hắt hơi,...
  • Dùng chung nhà tắm, bể bơi, bồn tắm, mặc chung quần áo, ngồi chung ghế,...
  • Ăn uống chung bát đũa, cốc chén,...
  • Côn trùng và súc vật không lây truyền HIV: ruồi, muỗi, chấy, rận, chó, mèo, gà, chim,..

Điều trị HIV/AIDS: Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đến nay, điều trị bằng thuốc kháng virus ARV được coi là điều trị đặc hiệu vì nó làm ức chế sự nhân lên của virus, từ đó duy trì được lượng virus thấp nhất trong máu và duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch.

Xem thêm
Tinh gọn tổ chức bộ máy: Phải làm nhanh, tạo đột phá mang tính cách mạng

Sáng 25/11, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.