Nhìn xa trông rộng
Bao đời nay, bà con vùng cao luôn gắn bó mật thiết với rừng không thể tách rời. Đối với họ, rừng là cơm ăn, là áo mặc, chân lý đó mãi mãi không bao giờ thay đổi. Thấu hiểu bản chất vấn đề, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thiết thực để kích cầu.
Tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Dũng “Sâm” (áo sáng) đang sở hữu hàng trăm ha đất rừng |
Điển hình nhất phải nói đến chủ trương “giao đất khoán rừng”. Tưởng như đây sẽ là bệ phóng để người dân bản địa sớm ổn định cuộc sống, nhưng tiếc thay phần vì phong tục tập quán đã ăn sâu bén rễ, xâu xa hơn là không có khả năng đầu tư nên các hộ có rừng chỉ biết trông chờ vào từng đồng tiền khoán bảo vệ ít ỏi hàng năm, thành thử cái đói cái nghèo cứ thế bám riết mãi không thôi. Thực trạng này phổ biến ở hầu hết các địa bàn miền núi khắp cả nước, huyện Thường Xuân chính là một lát cắt như thế.
Người có đất thì bỏ xó, kẻ ấp ủ làm giàu lại thiếu phương tiện sản xuất. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương xác định cần phải tạo ra mối liên kết bền vững, đảm bảo đôi bên cùng có lợi dựa trên chủ trương tích tụ, tiến hành trồng rừng gỗ lớn. Theo nhận định chung, đây là hướng đi phù hợp trong giai đoạn mới, lạ thay với Dũng “Sâm”, gã trai phong trần tiếng tăm lẫy lừng khắp vùng Châu Thường, người được bàn dân thiên hạ ví von có “tầm nhìn đi trước thời đại” đã nhận ra từ chục năm về trước.
Nguyễn Văn Dũng (SN 1974), thường được gọi với cái tên Dũng “Sâm”, vốn là con út trong gia đình có đến 10 anh chị em. Trước đây Dũng làm cán bộ địa chính tại xã Xuân Mỹ (Thường Xuân). Năm 2006 khi nhà nước thực hiện chính sách di dân để nhường đất triển khai dự án thủy điện Cửa Đạt về huyện Như Thanh, vì không đành lòng rời xa nơi chôn rau cắt rốn nên Dũng quyết định nghỉ việc luôn từ dạo đó.
Từ số tiền đền bù, Dũng huy động thêm nhiều nguồn khác nhau rồi tiến hành mua lại 50ha đất rừng tại thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc, đáng nói phần lớn diện tích trên là… đất trống đồi núi trọc, khu vực gần như chẳng "ma" nào đoái hoài đến nơi.
Dèm pha lắm, dị nghị cũng nhiều, nhưng Dũng “Sâm” mặc kệ, anh gấp rút huy động máy móc, thuê mướn nhân công ngày đêm miệt mài cải tạo, khi hoàn thiện thì tiến hành trồng keo. Tự tin có thừa, nhưng do đã tập trung tất cả nguồn lực trước đó, cộng với nhiều khoản kinh phí phát sinh, trong khi thực tế sản phẩm chưa thu về được gì, thành thử ra áp lực ngày một chất chồng. Cực chẳng đã, anh buộc phải nhượng lại 1/3 diện tích để hạn chế rủi ro.
Gồng gánh ròng rã suốt 5 năm trời rốt cuộc cũng mang lại thành quả tương xứng. Trên diện tích hơn 10ha, gia đình anh thu về ngót 400 triệu đồng. Khi áp lực tài chính phần nào được giải tỏa, Dũng khôn ngoan chuyển hướng sang hình thức trồng rừng gỗ lớn, chu kỳ 8 - 10 năm để cải thiện nguồn thu. Bằng chứng chỉ đó 3 năm sau thôi, gần 25ha “để dành” cho giá trị gấp đôi, đạt ngất ngưởng mức 80 triệu/ha. Tiền có được một phần được dùng để triển khai lứa mới, phần còn lại tiếp tục phục vụ cho mục đích tích tụ.
Chưa dừng lại ở đây, anh còn mạnh dạn lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh bằng cách mở một cửa hàng điện tử quy mô nhất nhì thị trấn, tình hình nhìn chung vô cùng khởi sắc. Cái này bổ trợ cái kia, đồng vốn được xoay vòng một cách hợp lý nên tất cả mọi rào cản nhanh chóng bị bỏ lại phía sau, cứ thế từng bước một Dũng “Sâm” dần khẳng định được vị thế độc tôn “chúa rừng”.
Sẵn sàng nhượng đất
Lúc này, đại gia đình Dũng “Sâm” sở hữu khoảng 300ha rừng, trong đó riêng Dũng chiếm đến 2/3 diện tích.
Người ngoài nhìn Dũng “Sâm” với ánh mắt trầm trồ, thán phục, nhưng chính bản thân anh lại giản đơn đến không ngờ, không bao giờ tự nhận mình là người cao sang, trái lại rất hòa đồng và vô cùng thân thiện. “Trước sau tôi vẫn là tôi, một ngày uống nước, ăn cơm của bản làng thì mãi mãi là con của bản làng. Tôi thu mua đất rừng trước tiên là đam mê, hai nữa là không muốn tài sản quý trở thành thứ vô giá trị", Dũng chia sẻ.
Dũng “Sâm” khẳng định, anh sẵn sàng nhượng lại đất cho bà con nếu họ thực sự có nhu cầu |
Đành rằng với bà con miền núi, đất rừng là phương tiện không thể thiếu. Nhưng thực tế rất ít người trong số họ có đủ điều kiện để triển khai, từ chi phí cải tạo, nhân công, giống má, quy trình kéo dài, tất cả tổng hòa thành rào cản quá lớn. Nên nhớ đất bỏ hoang thì 10 năm hay 100 năm sau vẫn thế, ngoài những đồng kinh phí khoán bảo vệ ít ỏi, người dân chẳng được lợi lộc kinh tế gì ở đó. Quan điểm của tôi là phải tích tụ, phải trồng rừng gỗ lớn, có như thế đời sống dân bản mới khấm khá lên được”, Dũng “Sâm” mở lòng.
Cùng quan điểm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thường Xuân, ông Lê Hoàng Cường nhấn mạnh, dự án dù phù hợp đến đâu cũng khó khả thi nếu thiếu kinh phí triển khai. Hoàn cảnh không cho phép buộc người dân phải rút ngắn quy trình, điều này đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế sụt giảm, thu nhập mang lại không tương xứng với sức lao động bỏ ra.
Theo tính toán sơ bộ, áp dụng trồng keo chu kỳ 6 năm, lợi nhuận bình quân chỉ khoảng 6 triệu đồng/ha/năm, trong khi đó nếu kéo dài 9 năm lợi nhuận tăng gấp 3,5 lần, đạt mức trên 21,64 triệu/ha/năm, nếu áp dụng đúng quy trình chắc chắn còn tăng hơn nhiều. Lợi ích rõ rệt đấy, nhưng liệu bà con có đủ sức duy trì trong khoảng thời gian dài đến thế, trong khi cuộc sống hàng ngày vẫn còn lắm chật vật, lo toan?
Trở lại với câu chuyện tích tụ của “chúa rừng” Dũng “Sâm”, mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến vấn đề này, nhưng qua những điều tai nghe mắt thấy, đây quả thực là người có tâm, có tầm. Với anh, “rừng vàng là tài sản không của riêng ai”, nói có sách mách có chứng, hiện đa phần lao động làm thuê cho anh đều là những hộ đã chuyển nhượng đất trước đó, chưa kể anh luôn sẵn sàng nhượng lại đất nếu họ thực sự có nhu cầu. Trường hợp ông Lò Văn Vinh (trú thôn Giang, được nhượng lại 11ha), Lương Văn Soạn (thôn Cụt Ặc, trên 20ha), Ngô Văn Kỷ (thôn Chinh, gần 19ha), Lò Văn Thế (thôn Giang, gần 4ha)… ở địa bàn xã Xuân Chinh là mình chứng rõ nét nhất.
Dẫu không phải là người đi tiên phong nhưng hiệu quả trong cách làm của Dũng “Sâm” đã tạo nên hiệu ứng tích cực đối với người làm rừng trên địa bàn. Phong trào tích tụ ngày càng lan tỏa rộng, tại các xã trọng điểm như Xuân Cẩm, Luận Thành hay Xuân Cao có hàng chục gia đình sở hữu diện tích đất rừng quy mô, kể như hộ ông Lê Hồng Quân (50ha), Bùi Châu Tuấn (30ha), Hà Tuấn Phong (40ha), Nguyễn Đình Hoan (70ha), Nguyễn Văn Thanh (87ha), Vi Văn Quang (111ha)... Tin rằng với hướng đi phù hợp, tiềm năng rừng Thường Xuân sẽ sớm được khai phá, bộ mặt huyện nghèo sẽ chuyển mình trong thời gian không xa. |