Ngày 10/12, UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học TP. HCM tổ chức hội thảo xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn.
Bảo tồn và phát triển
Huyện Tu Mơ Rông là địa phương phát triển sâm Ngọc Linh lớn nhất cả nước với diện tích 2.800ha. Trong 5 năm qua, cây sâm Ngọc Linh đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho gần 2.000 hộ dân. Đặc biệt, hàng trăm hộ đã làm giàu, cá biệt có hộ thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ sâm Ngọc Linh.
Trước những giá trị kinh tế cao của sâm Ngọc Linh, nhiều đối tượng đã lợi dụng cơ hội để lừa đảo, rao bán các loại cây, củ có vẻ ngoài giống sâm Ngọc Linh, khiến người tiêu dùng chịu rất nhiều thiệt thòi.
GS.TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô, nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. HCM cho biết, sâm Ngọc Linh là cây thuốc giấu của đồng bào Xơ Đăng ở vùng núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Năm 1973, đoàn của dược sĩ Đào Kim Long đã phát hiện cây sâm Ngọc Linh ở độ cao 1.800m thuộc huyện Ngọc Lây, Đăk Tô (tỉnh Kon Tum).
Về việc bảo tồn và phát triển nguồn gen của sâm Ngọc Linh, GS.TS Trần Công Luận cho biết, chúng ta cần phải nhìn thấy lợi ích của cây sâm Ngọc Linh vốn được xem là Quốc bảo của Việt Nam. Các nhà nghiên cứu liên quan đến việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh phải cùng đến với nhau vì lợi ích chung.
Mặt khác, nhà nước cũng đã nhìn thấy lợi ích của sâm Ngọc Linh và quan tâm để đưa ra các hành lang pháp lý rõ ràng. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng nhìn thấy được lợi ích để đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh, nhằm tạo ra sản phẩm đủ lớn vươn ra thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phải có những công trình nghiên cứu sâu hơn để nâng cao giá trị cây sâm Ngọc Linh.
“Sau hơn 50 năm được phát hiện, một cây thuốc giấu của dân tộc Xơ Đăng đã được công nhận là sâm Quốc bảo của đất nước và đang vươn tầm ra thế giới. Tuy nhiên, mới có 65 công trình nghiên cứu được công bố về sâm Ngọc Linh trên thế giới, điều này vẫn còn khiêm tốn so với sâm Triều Tiên nhưng đều là những thành tựu về khoa học và thực tiễn.
Do sự quý hiếm và có giá trị kinh tế cao của sâm Ngọc Linh nên việc ngụy tạo trở thành một vấn nạn. Đặc biệt, Việt Nam còn phát hiện thêm 2 loại giống sâm Ngọc Linh, dẫn đến khả năng nhầm lẫn về giá trị sử dụng. Vì vậy, rất cần một hành lang minh bạch, an toàn về tính pháp lý, khoa học và sự tỉnh táo của người tiêu dùng trong viêc lựa chọn và tin dùng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, GS.TS Trần Công Luận chia sẻ.
Xây dựng thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh
GS.TS Nguyễn Minh Đức, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, hơn 50 năm từ khi phát hiện, với sự cộng tác của các nhà khoa học nước ngoài, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu sâm Ngọc Linh một cách khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Gần đây, tại một số hội thảo khoa học, có ý kiến cho rằng, sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu là đồng danh tên khoa học với sâm Việt Nam. Tuy nhiên, cây sâm Ngọc Linh là đặc hữu, bản địa của vùng núi Ngọc Linh, chưa phát hiện ở nơi khác. Loại sâm này có thành phần saponin đặc sắc, phong phú so với các loài sâm khác.
Trên cơ sở các dẫn chứng lịch sử, khoa học và thực tế, GS.TS Nguyễn Minh Đức kiến nghị, chỉ dùng tên sâm Việt Nam cho cây sâm quý đặc hữu bản địa Việt Nam. Sâm Việt Nam trồng tại vùng Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, nếu có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng… hợp lệ, được mang thương hiệu sâm Ngọc Linh.
“Việc chính thức được công nhận sản phẩm quốc gia là cơ sở để thực hiện các chiến dịch xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh. Tuy vậy, cần đầu tư mạnh vào nghiên cứu phát triển, tạo ra các sản phẩm phong phú, đa dạng với chất lượng cao để sâm Ngọc Linh xứng đáng với thương hiệu sản phẩm quốc gia”, GS.TS Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, chúng ta đã nghe các tham luận khẳng định về giá trị sử dụng, quan điểm lịch sử, khoa học và thực tiễn để từ đó có các kiến nghị, đề xuất bảo vệ, phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam.
Hội thảo đã ký kết các nội dung liên quan đến sâm Ngọc Linh, mở ra cơ hội lớn cho người trồng và cả ngành sâm. Cụ thể, việc ký kết hợp tác nghiên cứu hàm lượng hoạt chất của sâm Ngọc Linh qua các giai đoạn sẽ giúp phân biệt rõ hàm lượng saponin có trong cây sâm qua các năm phát triển. Qua đó, tiếp tục khẳng định, nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh, giúp người tiêu dùng yên tâm và hưởng lợi.
“Nếu Viện Nghiên cứu phát triển sâm Ngọc Linh được thúc đẩy thành lập, kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho các nhà khoa học nghiên cứu sâu, toàn diện hơn với cây sâm Ngọc Linh, từ đó đề ra các giải pháp phát triển bền vững. Còn việc ký ghi nhớ nghiên cứu và chuyển giao phương pháp kiểm nghiệm phân biệt nhanh sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác, sẽ giúp địa phương có cơ sở để quản lý, truy xuất nguồn gốc các loại sâm, góp phần hiệu quả trong việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi nạn trục lợi từ sâm Ngọc Linh”, ông Mạnh chia sẻ.