| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An căng thẳng ứng phó thiên tai

Thứ Tư 04/09/2019 , 19:25 (GMT+7)

Mưa như trút đã nhấn chìm nhiều diện tích lúa hè thu và rau màu trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Công tác ứng phó với thiên tai nhìn chung đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều diện tích lúa hè thu đang bị ngập trong nước

8.500 ha lúa nguy cơ bị ngập

Vụ Hè Thu 2019, Nghệ An tiến hành gieo cấy hơn 62.000 ha lúa. Lường trước được diễn biến khó lường của thiên tai, địa phương đã chỉ đạo rốt ráo, yêu cầu nông dân khẩn trương ra đồng thu hoạch ngay trước khi cơn bão số 4 (Podul) kịp đổ bộ vào đất liền.

Hiện toàn tỉnh mới thu hoạch được trên 53.000/62.472 ha, đạt 85%. Với lưu lượng mưa ngày càng tăng mạnh, nhiều khả năng 8.500 ha còn lại khó tránh khỏi nguy cơ bị ngập úng, hoặc chí ít là sụt giảm đáng kể về mặt năng suất.

Thực tế lúc này nhiều diện tích đang “chìm nghỉm” trong dòng nước đục, phần lớn tập trung tại những vùng thấp trũng. Bị nặng nhất là huyện Hưng Nguyên, hiện toàn huyện còn trên dưới 1.800 ha lúa Hè Thu đang yên vị trên đồng, qua 2 ngày mưa không ngớt khoảng 1/3 khu vực nói trên nước đang trong tình cảnh ngập trắng băng.

Với lưu lượng mưa lớn kéo dài nguy cơ nhiều diện tích lúa bị úng, hoặc giảm năng suất là điều khó tránh khỏi

Kế tiếp là huyện Nghi Lộc với khoảng 500 ha lúa, 200 ha ngô cùng hàng loạt diện tích rau màu đang căng mình chống chọi với sức nước. Chưa kịp hoàn hồn sau chuỗi ngày nắng hạn lại tiếp tục phải đối mặt với những ngày mưa dầm dề, rõ ràng nguy cơ nhà nông mất trắng là điều gần như hiển hiện trước mắt.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Văn Lập, PGĐ Sở NN-PTNT cho biết: “Những diện tích lúa còn sót lại phần lớn đều chưa đủ thời gian sinh trưởng để có thể tiến hành thu hoạch”.

Nỗi lo vùng rốn lũ

Toàn bộ địa giới hành chính nằm ngoài hệ thống đê tả Lam, bởi thế mỗi bận xuất hiện thiên tai là nỗi âu lo của người dân xã Hưng Nhân (huyện Hưng Nguyên) lại nhân lên gấp nhiều lần.

Người dân xã "rốn lũ" Hưng Nhân thường xuyên phải đối mặt với thiên tai

Địa hình mang nét đặc thù, thuộc vùng đất thấp trũng, lại kề sát ngay hệ thống sông Lam, thành thử khi xuất hiện mưa với lưu lượng lớn là nguy cơ ngập lụt trong vùng là điều hiển nhiên.

Ông Phạm Ngọc Châu, xóm trưởng xóm 9 chia sẻ: “Người dân quen mãi với cảnh chạy lũ rồi. Trong cái khó ló cái khôn, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, địa phương đã tiến hành xây dựng các “cồn trợ cứu” cho một số hộ có gia cảnh khó khăn để giúp họ chủ động hơn trong công tác ứng phó, qua đó giảm nhẹ mức độ thiệt hại nếu có”.

Bà Lan thực sự bất an khi mưa bão lại ập đến

Nằm trong số được thụ hưởng chính sách là gia đình bà Trần Thị Lan, trú tại xóm 9. Không có đất canh tác, bà Lan đành bám trụ với nghề sông nước để kiếm kế sinh nhai cho cả nhà. Khổ nỗi môi trường tự nhiên ngày càng bị xáo trộn nên nguồn tôm, cá cạn kiệt đi nhiều, thành thử ra cuộc sống vẫn loay hoay trong bộn bề gian khó. Sau bao năm quần quật, gia đình vẫn thuộc diện cận nghèo.

“Nhà tôi kề ngay sát sông nên mối lo chưa bao giờ dứt, biết nguy hiểm nhưng tình cảnh quá khốn khó chẳng biết phải xoay xở ra sao. Ngay cả căn nhà này dù xây dựng qua loa, tạm bợ cũng có tuổi thọ trên dưới 20 năm rồi đấy, nhiều bận mưa gió rung lắc bần bật chỉ biết cầu trời khấn phật mà thôi.

Cứ tối đến là mấy mẹ con, bà cháu lại kéo nhau lên cồn trợ cứu tá túc, thà chật hẹp đôi chút vẫn tốt hơn phải đánh đổi tính mạng của chính mình”.

"Cồn cứu trợ" là cứu cánh mang tính tạm thời

Được biết “cồn trợ cứu” là những nhà chòi được xây dựng khá kiên cố, có thể chứa được tối đa 10 người. Cồn có chiều cao trên 3m so với mặt đất, có cầu thang, có tầng gác, vừa để phục vụ người dân tránh lũ, đồng thời là nơi cất giữ đồ đạc, nhu yếu phẩm cần thiết.

Dù là cứu cánh của người dân vùng “rốn lũ” Hưng Nhân, nhưng xóm trưởng Phạm Ngọc Châu thẳng thắn thừa nhận, những “cồn trợ cứu” chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế. Riêng những lúc thực sự nguy nan, chắc chắn bà con phải khẩn cấp di dời đến những nơi an toàn.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người dâng giọt mật cho đời

Nghề làm mật mía đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình lão Nhạc. Tuy nhiên, lão vẫn lo một ngày nào đó nghề cha ông sẽ bị thất truyền.

Bình luận mới nhất