| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa: Cứu cánh cho ngành thủy lợi

Thứ Sáu 30/08/2024 , 13:45 (GMT+7)

Tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa là sân chơi đầy tiềm năng của ngành nông nghiệp Nghệ An, riêng các công ty thủy lợi đang 'mở cờ' trong bụng.

Nông dân trồng lúa trên địa bàn Nghệ An sẽ được hưởng lợi từ tín chỉ carbon. Ảnh: Việt Khánh.

Nông dân trồng lúa trên địa bàn Nghệ An sẽ được hưởng lợi từ tín chỉ carbon. Ảnh: Việt Khánh.

Chờ đánh thức ‘mỏ vàng’

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thì nông nghiệp là ngành gây phát thải khí nhà kính cao thứ hai.

Trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã giới thiệu Công ty Green Carbon INC, chuyên hoạt động về tư vấn lĩnh vực môi trường, tham gia vào việc tạo ra và bán tín chỉ carbon cả thị trường trong nước và quốc tế.

Việc triển khai thí điểm “tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa” nhằm mục đích kinh doanh, trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, có thể hiểu là “bù trừ” tín chỉ carbon trong nước, từ đó chuyển nhượng giao dịch mua bán trên trường quốc tế. Điều này vừa giúp nâng cao hiệu quả kinh tế từ đồng ruộng, lại mở ra cơ hội tìm kiếm nguồn kinh phí tái đầu tư cho hoạt động sản xuất nông nghiệp để đẩy nhanh quá trình phát triển thị trường carbon của Việt Nam, trong đó Nghệ An là hội tụ nhiều tiềm năng.

Cây lúa được nâng tầm thông qua dự án tạo tín chỉ carbon. Ảnh: Việt Khánh.

Cây lúa được nâng tầm thông qua dự án tạo tín chỉ carbon. Ảnh: Việt Khánh.

Các chuyên gia nhận định, nếu Nghệ An thí điểm thành công mô hình này sẽ nâng cao giá trị sản xuất lúa bền vững, trực tiếp tạo ra nguồn tăng thu nhập, từ đó đóng góp quan trọng cho Quốc gia trong việc thực hiện thành công cam kết về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Xét tổng hòa các yếu tố, thấy rằng có cơ sở để đặt niềm tin vào Nghệ An. Riêng vụ xuân 2023, diện tích sản xuất xuất lúa toàn tỉnh đạt gần 91.300ha, năng suất đạt 68,82 tạ/ha, tổng sản lượng đạt hơn 628.267 tấn. Sang vụ xuân 2024 ghi nhận diện tích trồng lúa tương đương, riêng năng suất lập đỉnh với trên 69 tạ/ha. Bấy nhiêu thôi đủ khẳng định cây lúa giữ vai trò quan trọng trong an ninh lương thực, đồng thời là bệ phóng để tỉnh này tiến vào sân chơi carbon.

Khởi đầu đầy hứa hẹn

Tại vụ xuân năm nay, dự án tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa lần đầu thực hiện tại Nghệ An, áp dụng trên địa bàn 5 huyện trọng điểm là Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương và Diễn Châu. Tín hiệu bước đầu rất tốt, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thành quả mỹ mãn trong thời gian tới.

Quả ngọt không đến một cách ngẫu nhiên, trên thực tế Nghệ An và đối tác đã phối hợp chặt chẽ, dày công xây dựng kế hoạch bài bản, chi tiết để tạo lập sự chủ động cần có.

Không chỉ nông dân, các công ty thủy nông trên địa bàn Nghệ An cũng được hưởng lợi lớn từ dự án này. Ảnh: Việt Khánh.

Không chỉ nông dân, các công ty thủy nông trên địa bàn Nghệ An cũng được hưởng lợi lớn từ dự án này. Ảnh: Việt Khánh.

Qua nắm bắt, dự án đã tổ chức 5 hội thảo cấp huyện trong khoảng thời gian từ ngày 26/12/2023 đến ngày 25/01/2024. Xác định “cán bộ đi trước, dân bước theo sau”, ngay thời điểm bắt đầu Công ty Green Carbon cùng các bên liên quan tổ chức 10 lớp tập huấn cụm liên xã nhằm giúp hàng ngàn lượt lao động thủy nông, cán bộ cơ sở, người dân thụ hưởng nắm bắt kỹ thuật, phương pháp tổ chức thực hiện tưới ngập khô xen kẽ; nắm rõ khái niệm, ý nghĩa của tín chỉ carbon…

Quá trình thực hiện, dự án đã lắp đặt 670 ống đo nước tại các xứ đồng dưới sự giám sát, theo dõi của cán bộ chuyên ngành. Riêng 5 huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Diễn Châu có 165 ống đo, con số này đảm bảo được số lượng mẫu đại diện và cung cấp số liệu đáng tin cậy cho bên giám sát, công nhận tín chỉ carbon.

Nhiệm vụ quan trong tiếp theo là nắm bắt số lần tưới nước để đối chứng. Theo dõi hầu hết tại các khu vực nằm trong phạm vi dự án, nhận thấy các chủ thể đều tuân thủ tốt kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ trong vụ xuân 2024, cơ bản đều áp dụng tưới 5 lần. Trong khi các vùng khác chỉ số tưới bình quân dao động từ 5,0 - 8,2 lần.

Từ đó cho thấy, việc áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ của dự án tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa đã giảm rõ rệt số lần tưới, đồng nghĩa kéo theo giảm chi phí nhân công, tiền điện, từ đó tiết kiệm đáng kể để phục vụ các hoạt động khác.

Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại vụ xuân 2024 dự án thực hiện áp dụng trên quy mô gần 5.000ha, thu hút khoảng 25.700 hộ tham gia, tính ra mỗi hộ chưa đạt nổi 2.000m2 đất ruộng, con số khá khiêm tốn. Nhằm đánh thức “mỏ vàng” đang ngủ yên, tỉnh Nghệ An và ngành nông nghiệp địa phương đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền để “hút” các thành phần, đối tượng có nhu cầu, các chỉ số mới đây cho thấy mọi việc đang đi đúng hướng.

Qua nắm bắt có 6 huyện đã chủ động đăng ký và triển khai thực hiện dự án tín chỉ carbon tại vụ hè thu 2024 với tổng diện tích đạt 11.600ha, tăng thêm gần 8.000ha so với vụ xuân trước đó. Dẫn đầu là huyện Đô Lương với 3.879ha, Nam Đàn 3.090ha…

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí từ mô hình sản xuất lúa giảm lượng nước tưới. Ảnh: Việt Khánh.

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí từ mô hình sản xuất lúa giảm lượng nước tưới. Ảnh: Việt Khánh.

Xét tổng quy mô kể trên, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An chiếm gần phân nửa. Đơn vị này được biết đến là công ty thủy nông quy mô, quản lý diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, nhưng điều kiện tự nhiên đặc thù nên phần lớn khu vực tưới, tiêu đều phải sử dụng máy bơm thay vì tưới tự chảy như hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An. Chi phí vận hành tăng cao nhưng thủy lợi phí vẫn “án binh bất động” hơn chục năm rồi, tình trạng thu không bù chi kéo dài mải miết khiến tâm lý của số đông cán bộ công nhân viên càng thêm phần lo lắng.

Nay với tín hiệu khả quan của dự án tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa, hy vọng trong tương lai doanh nghiệp có thể giảm được nhiều chi phí vận hành tưới tiêu. Ông Tạ Duy Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy lợi Nam khẳng định: “Các thành phần liên quan khi tham gia dự án đều được hưởng lợi, bao gồm cả công ty thủy nông”.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, nhìn chung lộ trình tạo tín chỉ carbon từ sản xuất lúa của Nghệ An đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Đầu tiên phải thừa nhận khái niệm “carbon” còn mới mẻ, kéo theo cách thức tổ chức, triển khai chưa thực sự thông suốt. Cán bộ, người dân chưa nắm bắt, am hiểu sâu, họ cần thêm thời gian để lĩnh hội. Bên cạnh đó, thấy rằng hệ thống cơ sở hạ tầng, khu vực tưới, tiêu nước của các huyện trong phạm vi dự án chưa đảm bảo, địa hình không đồng nhất của các vùng trong diện hưởng lợi. Một khi tháo gỡ được những nút thắt này, Nghệ An sẽ hưởng lợi lớn từ thị trường carbon.

Xem thêm
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Phó Bí thư Tỉnh ủy
Cà Mau

Ông Nguyễn Đức Hiển được điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, nhiệm kỳ 2020-2025.

Một số khu vực vùng ĐBSH sẽ thoát ngập úng trong vài ngày tới

Thông tin dự báo cho thấy, lượng mưa ở vùng ĐBSH đang giảm, mực nước sông đã qua đỉnh và xu thế xuống dần, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiêu úng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hậu phương vùng lũ quét Làng Nủ

Người phụ nữ nhanh nhẹn như con thoi chạy qua chạy lại giữa hai điểm trường Làng Nủ; chiếc điện thoại lúc nào cũng nóng ran bởi các cuộc điện thoại liên tục đổ về.