| Hotline: 0983.970.780

Giảm phát thải trong trồng lúa

Chuyên gia WB kỳ vọng Việt Nam tiên phong về sản xuất gạo phát thải thấp

Thứ Ba 01/08/2023 , 07:35 (GMT+7)

Hiện thực hóa Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, Việt Nam sẽ trở thành nước đầu tiên được cấp tín chỉ các bon cho nông dân trồng lúa.

Sản xuất lúa gạo là một trong những ngành làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Trong đó có nhiều nguyên nhân như thâm canh nông nghiệp không bền vững; tỷ lệ bón phân và mức độ sử dụng nước cho tưới tiêu cao; quản lý không đúng cách rơm rạ, trấu…

Đã đến lúc nền nông nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi theo hướng bền vững, nhất là sản xuất lúa gạo ở vựa lúa ĐBSCL. Nếu thực hiện càng sớm, lợi ích càng cao và chi phí càng thấp. Ngược lại, càng chậm trễ chi phí sẽ càng cao.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Các ưu tiên cho ngành lúa gạo từ nay đến năm 2030

Trước xu hướng tăng trưởng xanh hiện nay, để Việt Nam, đặc biệt là ĐBSCL thực hiện chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng bền vững, cần phải giải quyết những điểm nghẽn gì, thưa ông?

Lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam. Sản xuất lúa gạo không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu.

Bài liên quan

Trong thập kỷ qua, ngành lúa gạo của Việt Nam đã được nhiều kỳ tích. Năng suất lúa của Việt Nam nằm trong tốp cao nhất Đông Nam Á, bình quân đạt 5,7 tấn/ha. Gần đây là chất lượng của gạo Việt Nam cũng tăng lên rõ rệt, hiện là một trong những nơi có loại gạo ngon nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề mà Việt Nam cần phải làm, đó là tiếp tục nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và giảm thiểu tác động môi trường do sản xuất lúa gạo gây ra. Cần ưu tiên giải quyết các vấn đề từ nay đến năm 2030, cụ thể:

Tổ chức lại sản xuất cho nông dân, đào tạo nâng cao năng lực các hợp tác xã (HTX). Thông qua việc ứng dụng các các kỹ thuật sản xuất canh tác bền vững, tiết kiệm đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Quy hoạch đồng bộ các vùng chuyên canh lúa chất lượng, phát thải thấp, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhất là thủy lợi nội đồng. Qua đó có thể áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ giới hóa đồng bộ, chế biến sâu, và dịch vụ logistics để tăng giá trị gia tăng và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp cho vùng ĐBSCL và cả nước, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường lúa chất lượng cao phát thải thấp.

Tiếp cận các nguồn tài chính và hỗ trợ quốc tế để xây dựng hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định (MRV) làm cơ sở cấp tín chỉ các bon cho các diện tích lúa đã áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa phát thải thấp. Xây dựng và tổ chức đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đo đếm, thẩm định cấp tín chỉ các bon.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, chế biến và tái sử dụng sản phẩm rơm rạ, trấu, cám.

Hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích đầu tư sản xuất lúa gạo chất lượng cao phát thải thấp. Đồng thời, xây dựng chương trình tín dụng hỗ trợ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao phát thải thấp giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế chi trả tín chỉ các bon, có chính sách hỗ trợ thương hiệu gạo chất lượng cao, phát thải thấp.

Ít nhất 1 triệu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL được hưởng lợi trực tiếp từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Ảnh: Kim Anh.

Ít nhất 1 triệu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL được hưởng lợi trực tiếp từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Ảnh: Kim Anh.

Tiềm năng giảm phát thải trong sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSCL

Nếu giải quyết tốt những thách thức như ông vừa đề cập, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính của vùng ĐBSCL như thế nào, thưa ông?

Từ các nghiên cứu của WB và các kết quả của Dự án Cạnh tranh ngành nông nghiệp (ACP) và Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) do Bộ NN-PTNT thực hiện ở các tỉnh ĐBSCL từ năm 2012 - 2022, có thể thấy tiềm năng giảm khí phát thải trong chuỗi lúa gạo ở vùng ĐBSCL khá lớn.

Có thể đạt được qua các cách tiếp cận như sau:

Áp dụng quy trình canh tác lúa bền vững “1 phải 5 giảm” cho Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao phát thải thấp mà Bộ NN-PTNT sắp trình Thủ tướng có thể giúp giảm khí phát thải khoảng 4 - 6 triệu tấn CO2e mỗi năm.   

Chế biến và tái sử dụng nguồn rơm rạ để trồng nấm và làm phân bón. Ước tính mỗi năm ĐBSCL cho ra khoảng 30 triệu tấn rơm, nếu làm tốt công việc này có thể giảm từ 1 - 2 triệu tấn CO2e/năm.

Giảm thất thoát sau thu hoạch và chế biến lúa gạo từ mức 12 - 13% xuống 7 - 8% có thể giúp giảm khí phát thải từ 0,5 - 1 triệu tấn CO2e/năm.

Chuyển đổi một phần diện tích lúa kém hiệu quả (khoảng 500.000ha) sang cây trồng các loại cây khác giá trị cao, phát thải thấp (như cây lâm nghiệp, cây ăn trái lâu năm), có thể giảm khí phát thải khoảng 2,5 - 3,5 triệu tấn CO2e/năm.  

Như vậy, nếu áp dụng tốt, đồng thời các biện pháp trên có thể giúp ĐBSCL giảm 8 - 12 triệu tấn CO2e mỗi năm (trung bình 10 triệu tấn CO2e) chỉ riêng từ chuỗi ngành hàng lúa gạo.

Sẽ có hơn 1,4 triệu hộ trồng lúa ở ĐBSCL trực tiếp hưởng lợi và giảm ô nhiễm môi trường do thâm canh lúa gây ra. Nếu lượng giảm khí phát thải được kiểm điểm và cấp tín chỉ các bon, nông dân sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể để tái đầu tư sản xuất, nâng cấp cơ sở hạ tầng tăng thêm hiệu quả sản xuất.

Kỳ vọng Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên sản xuất, xuất khẩu gạo giảm phát thải

Sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Nếu đề án được thông qua, có thể nói Việt Nam là quốc gia hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải. Ông kỳ vọng gì vào đề án này?

Nếu Đề án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đầu tư, triển khai thực hiện, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên sản xuất và xuất khẩu gạo chất lượng cao phát thải thấp trên thế giới. Điều này đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở các thị trường cao cấp đòi hỏi các sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

Nếu áp dụng tốt, đồng thời các biện pháp kỹ thuật có thể giúp ngành hàng lúa gạo ĐBSCL giảm 8 - 12 triệu tấn CO2e mỗi năm. Ảnh: Kim Anh.

Nếu áp dụng tốt, đồng thời các biện pháp kỹ thuật có thể giúp ngành hàng lúa gạo ĐBSCL giảm 8 - 12 triệu tấn CO2e mỗi năm. Ảnh: Kim Anh.

Việt Nam cũng sẽ là một trong những nước đầu tiên cấp tín chỉ các bon cho nông dân trồng lúa, được chi trả tín chỉ các bon để nông dân có thêm thu nhập.

Sẽ có ít nhất 1 triệu hộ nông dân ở ĐBSCL được hưởng lợi trực tiếp từ Đề án, khắc phục phần nào tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang lên thành thị tìm việc.

Nhìn xa hơn, Việt Nam có thể duy trì ổn định và hiệu quả đất trồng lúa lâu dài, đảm bảo được mục tiêu an ninh lương quốc gia, nâng cao tính bền vững và cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo trong nhiều thập kỷ tới.

Để hỗ trợ Việt Nam canh tác lúa giảm phát thải, WB có những cam kết như thế nào về mặt công nghệ cũng như tài chính?

Từ giữa năm 2022 đến nay, WB đã hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ NN-PTNT trong quá trình xây dựng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL.

Bên cạnh đó, WB cũng hỗ trợ Bộ NN-PTNT tiếp cận Quỹ Tài chính các bon (TCAF) do WB quản lý. Dự kiến, Quỹ TCAF sẽ phê duyệt 40 triệu USD để hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL từ năm 2024 - 2027. Trước mắt, ưu tiên thực hiện ở các vùng đã có cơ sở hạ tầng tưới tiêu tương đối tốt.

Hiện, WB cũng sẽ tìm kiếm các nguồn tài trợ không hoàn lại khác, ủy thác qua WB để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hướng tới một nền nông nghiệp xanh và phát thải thấp.

Với kinh nghiệm từ việc triển khai thành công dự án VnSAT, WB và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cũng sẵn sàng cam kết thêm các khoản vay ODA dài hạn để ĐBSCL đầu tư cho những vùng thiếu cơ sở hạ tầng và chưa áp dụng được kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ.

Các khoản vay này cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa, đồng bộ hạ tầng chế biến, logistics của chuỗi cung ứng lúa gạo, tiếp cận và mở rộng thị trường cho các sản phẩm lúa gạo phát thải thấp của Việt Nam.

Từ kết quả chuyển đổi thành công của chuỗi lúa gạo, WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nhân rộng sang các ngành hàng chủ lực khác như chăn nuôi, thủy sản, cây ăn trái… để hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu lương thực chính và có trách nhiệm cho toàn thế giới.

Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.