Thời điểm này, nghề đi cấy thuê được xem là “hot” với nhiều nông dân huyện Phúc Thọ (Hà Nội) vì một ngày có thể kiếm nửa triệu đồng.
Hễ cứ vào vụ cấy, khắp các vùng nông thôn huyện Phúc Thọ, người dân lại chia nhau từng nhóm, từng tốp 3 - 5 người đi cấy thuê. Được biết, giá thuê cấy thường dao động từ 400.000-500.000 đồng/ngày, nhiều khi được thưởng thêm, bao cơm trưa nếu hoàn thành công việc sớm.
Những ngày hè nắng như đổ lửa, từ sớm tinh mơ, trên các cánh đồng xã Liên Hiệp (Phúc Thọ) bà con nông dân, trong đó có những người đi cấy thuê đã tất bật ra đồng cấy lúa vụ mùa.
Theo bà Nguyễn Thị Gái, 60 tuổi, xã Liên Hiệp (Phúc Thọ) có thâm niên đi cấy thuê hơn 40 năm. Từ khi vào vụ đến nay bà đã đi cấy được hơn 10 ngày. Mỗi ngày, bà được chủ ruộng trả trung bình khoảng 500.000 đồng/sào. Nghề cấy thuê tuy công cao nhưng rất vất vả, phải dậy sớm từ 4h sáng đi nhổ mạ rồi cấy đến 11h trưa, nếu nắng nóng thì phải cấy từ 3 - 4h chiều đến tận đêm khuya, thậm chí phải thắp đèn cấy đêm.
Bà Gái vừa cầm bó mạ, vừa hào hứng cho biết: “Nếu tính từ nay đến hết vụ còn hơn tháng nữa, mỗi vụ như thế tôi kiếm được 15 - 20 triệu đồng. Mình không có học, lại quá tuổi để xin vào làm công nhân nên thời gian mùa vụ này chỉ biết đi cấy thuê. Nếu không đi cấy thì ở nhà đưa đón, trông cháu cho các con đi làm công nhân”.
Còn chị Đỗ Thị Nụ, 32 tuổi (xã Liên Hiệp) đi cấy từ năm 10 tuổi. Chị Nụ từng làm công nhân may gia công, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chị đành đi cấy thuê để kiếm thêm thu nhập.
Địa bàn mà nhóm chị cấy trải dài từ Phúc Thọ xuống các huyện Đan Phượng, Hoài Đức sang cả các huyện Thạch Thất, Quốc Oai.
Nhóm của chị Nụ có 5 người. Để cấy nhanh 1 sào ruộng, 2 người được phân công nhổ mạ, 3 người cấy. Mỗi ngày, nhóm của chị được trả công 400.000 đồng, còn nếu cấy khoán thì được 500.000 đồng. Tuy nhiên, các chủ ruộng ít khi thuê khoán.
Tương tự như ở xã Liên Hệp, trên các cánh đồng xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) người dân đang rộn rã bước vào vụ cấy.
Theo người dân, do chủ yếu là đồng cao hay thiếu nước nên khi nước về đến khu vực nào thì người dân phải tranh thủ cấy nhanh cho kịp thời vụ khiến nghề cấy thuê trở nên “hot”.
Bà Phạm Thị Đào, 60 tuổi (xã Thanh Đa) coi nghề đi cấy thuê như là nghề chính. Nhà bà có tất cả 11 người, nhưng chỉ được chia có 3 sào ruộng, gia đình phải đi xin thêm 3 sào nữa làm mới đủ ăn. Bà Đào đi cấy thuê kiếm thêm thu nhập và mua phân gio, giống má, còn thừa thì đong thêm ít gạo.
Vì vậy cho dù nắng hay mưa, hễ có người gọi là bà lại tay xách, nách mang nào chai nước, nào bó lạt cùng với chiếc xe đạp rong ruổi khắp các cánh đồng huyện Phúc Thọ.
Bà Đào chia sẻ: “Trước đây người trẻ đi cấy thuê khắp các huyện ngoại thành Hà Nội, nay tôi cũng nhiều tuổi nên chỉ đi loanh quanh trong huyện thôi. Một ngày kiếm từ 400.000 – 500.000 đồng là niềm ao ước những người nông dân như chúng tôi. Tôi đi cấy thuê, các con cũng thấy vất vả phản đối nhưng mình còn đủ sức lo cho cuộc sống, muốn chia sẻ bớt gánh nặng kinh tế với các con nên cứ đi”.
Đối với bà Doãn Thị Tín ở xã Phương Độ, dù đã 70 tuổi nhưng năm nào bà cũng miệt mài đi cấy thuê. Mỗi ngày bà được trả công 400.000 đồng, đủ để trang trải cho cuộc sống cả hai ông bà. Bà Tín cho rằng, đi cấy cũng không vất vả lắm. Tuy nhiên, đi cấy thuê cũng đòi hỏi kỹ thuật, ngoài cấy đều, cấy đẹp đã đành, nhưng còn phải đảm bảo thời gian, năng suất.
Chị Nguyễn Thị Phượng, xã Liên Hiệp cho hay: Người dân ở đây chủ yếu đi làm ở làng nghề, nên thuê cấy hết. Nhà tôi có 8 sào, chồng với các con đi làm nên một mình không thể làm nhanh được nên phải thuê người đi cấy cho kịp thời vụ. Mỗi ngày tôi thuê 400.000 đồng, nếu thấy họ vất vả quá thì cho thêm chai nước ngọt, thêm mấy chục nghìn, có khi cho họ ăn buổi trưa…