| Hotline: 0983.970.780

Nghề nuôi hổ gia công và vỗ hổ con từ 5 kg thành hơn 200 kg

Thứ Ba 10/08/2021 , 12:57 (GMT+7)

Bác sĩ thú y X (xin giấu tên) kể lại với Báo Nông nghiệp Việt Nam về một nghề nuôi hổ gia công để nấu cao trong đó có cả những người nhận “nuôi rẽ”

Liều mới nhiều tiền

Về vấn đề thuần dưỡng, nuôi hổ nhiều người dân hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa vốn rất bản lĩnh vì “liều mới nhiều tiền” nên họ tìm mối nhập tiểu ngạch hổ con khoảng 5-7kg mua ở Lào, Myanmar, Malaysia về. Họ lập trại nuôi cho chúng lớn với mục đích chính là nấu cao phục vụ sức khỏe cho các đại gia. Có chủ hổ thì phân chia hổ con cho các gia đình trong xã “nuôi rẽ” nghĩa là chủ hổ bán chịu con hổ đó cho người nuôi với giá khoảng 300 triệu.

Người nuôi chăm sóc trong vòng gần 2 năm khi hổ đã lớn thì chủ hổ sẽ mua lại với giá 700-800 triệu. Như vậy mỗi con hổ nông dân sẽ kiếm được khoảng 400 triệu, trừ chi phí thức ăn thì được công 200 triệu (hơn nhiều so với nuôi gia súc, gia cầm).

Họ cho hổ ăn chủ yếu là đầu gà, cổ cánh gà, chân gà từ các lò mổ, giá mua rất rẻ thậm chí là các miếng thịt, cá thừa lấy trong các thùng nước gạo của các nhà hàng, đem về luộc lên nữa. Khi hổ ốm mới có thịt bò, trứng để ăn. Kỹ thuật chăn nuôi thì chủ hổ hướng dẫn cho nông dân, nếu bị bệnh thì chủ hổ sẽ kêu bác sĩ thú đến điều trị.

Một con hổ  bị đánh thuốc mê. Ảnh: NVCC.

Một con hổ  bị đánh thuốc mê. Ảnh: NVCC.

Chuyện chữa bệnh cho hổ của tôi bắt đầu từ một đêm cách đây đã hơn 10 năm, khi đang ngồi ăn cơm với vợ con ở nhà tại Hà Nội thì bỗng nghe tiếng gõ cửa. Tôi ra mở cửa, thấy hai khách nam lạ mặt, một trung tuổi, một trẻ bước vào. Hỏi tên, họ không nói mà cứ nài nỉ: “Chúng em có hai con hổ con bị tiêu chảy, liệt không thể đi được, bác giúp em, tiền công không thành vấn đề”.

Bỏ dở bát cơm trên tay, tôi lấy túi đồ nghề rồi đi. Khi lên chiếc ô tô đỗ ở đầu ngõ, cửa vừa đóng lại, một chiếc băng đen đã bịt lên mắt tôi. Họ trấn an: “Đây là chuyện tế nhị, nếu chẳng may có bị bắt, bác ngoại phạm vì không phải chủ động, không biết một tí gì”. Nhưng tôi nghĩ họ bịt mắt mình để không thể nhớ được đường đi, lối lại đề phòng hậu họa. 

Xe chạy chừng gần hai tiếng thì đến một trang trại bí ẩn ở giữa vùng rừng núi, hơn nữa trời đã về khuya nên tôi không biết trại có rộng không, có nuôi loại thú hoang nào khác ngoài hổ nữa không. Dưới ánh đèn, hai con hổ con ốm gầy như một nhúm rẻ rách.

Hổ con nuôi thường bị bệnh viêm dây thần kinh do thiếu chất nên bị liệt. Sau khi truyền mấy chai nước biển, vi ta min, kháng sinh vào mạch cho chúng, tôi còn cẩn thận tiêm chống viêm rồi hướng dẫn cho chủ trại cách tự chữa những ngày tiếp theo, nếu có tình huống gì đặc biệt thì gọi điện để được tư vấn.

Bộ phận sinh dục của hổ đực. Ảnh: NVCC.

Bộ phận sinh dục của hổ đực. Ảnh: NVCC.

Thường hổ con bị bệnh tiêu chảy và hô hấp dẫn đến bỏ ăn thì chủ hổ tự cho uống kháng sinh là khỏi còn trường hợp bị liệt do viêm dây thần kinh vận động thì phải gọi bác sĩ thú y, nếu không sau 10 ngày hổ sẽ chết.

Một lần khác, tôi được mời đến huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An để chữa cho 6 con hổ con, được trả công 50 triệu. Với hổ con, khi chữa không cần phải gây mê, còn với hổ to, khi chữa hay lúc chuyển chuồng thì phải gây mê, cho vào rọ sắt, dùng đòn gánh, mấy người khiêng một lúc là hết cả đàn. Nhớ lại hồi đó các chủ hổ đón chúng tôi rất nồng nhiệt. Một lần ông chủ hổ sau khi đãi chúng tôi rất thịnh soạn liền tiện thể “buột miệng” nói rằng trước anh còn có bác sĩ ở trại hổ DC đến chữa.

Ông ấy nói chỉ cần một mũi thuốc ngoại là khỏi nhưng phải giá rất đắt, em không mặc cả, đồng ý luôn, nhưng khi tiêm xong, uống hết ly cafe thì quay lại hổ đã chết. Ông ấy đặt 100 triệu nhờ em lo hậu sự nhưng em không đồng ý mà nói luôn: “Anh trả em 300 triệu và mang xác con hổ này về thì coi như là xong”…

Tôi hiểu ngay là nếu mình chữa chết là cũng sẽ như ông kia vì thế dặn bác sĩ thú y đi cùng: “Nhất cử nhất động cậu phải làm đúng lời anh, chết hổ là đền ốm đó!”.

Nếu như chữa bệnh cho dã thú tại Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Hà Nội trên Sóc Sơn cẩn thận một thì ở đây phải cẩn thận mười.

May nhờ "cô thương, cậu đỡ" chúng tôi chữa khỏi cả 6 con hổ con bị liệt và nhận được tiền công theo hợp đồng mang về. Trên đường về tôi bảo với cậu đệ tử là về sau không bao giờ nhận đi chữa hổ kiểu như thế này nữa, nguy hiểm, căng thẳng lắm.

Nuôi hổ để lấy con F1, F2?

Thực ra theo ý kiến cá nhân tôi thì nhà nước nên cấm tuyệt đối săn bắt hổ rừng tự nhiên… nhưng có thể nghiên cứu, học nước ngoài cấp giấy phép cho dân nuôi hổ con F1, F2 (mua từ các trang trại hổ thuần dưỡng bên nước ngoài về) trên cơ sở bắt chủ hổ phải đầu tư chuồng trại đúng tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn và không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an sinh xã hội; Như vậy Nhà nước vừa thu được tiền lại vừa quản lý được người dân chăn nuôi hổ theo quy định lại tạo ra nguồn thuốc đông y chuẩn dùng điều trị cho sức khỏe con người.

Có lần tôi đến Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Hà Nội thấy một đàn hổ con rất đẹp, hỏi ở đâu chuyển về, người ta trả lời do hổ ở đây tự đẻ.

Hổ đẻ rất dễ, cứ nhốt chung đực, cái là đẻ, mỗi lứa ít cũng 2 con còn không 4 con thậm chí hơn nữa. Tôi bảo, thế thì cứ đẻ ra, mỗi con mới sinh bán ngay đã 100 triệu còn nuôi hơn 1 tháng được 200-300 triệu, lãi lớn.

Người này bảo không được, hổ của Nhà nước, không thể bán. Giờ chúng em còn không dám nhốt chung hổ đực với hổ cái bởi nếu không chúng sẽ đẻ tiếp. Mà đẻ tiếp thì tiền ngân sách không đủ để nuôi. Mỗi con hổ ở đây đều có “lương” cố định với tiêu chuẩn mỗi ngày mấy kg thịt. Tiếc thế!

Khám răng cho hổ. Ảnh: NVCC.

Khám răng cho hổ. Ảnh: NVCC.

Ai cũng hiểu rằng chủ hổ nuôi là để nấu cao và các sản phẩm quý hiếm của hổ để thương mại kiếm tiền chứ không phải mục đích làm du lịch. Nếu đã cấm thì phải cấm hết.

Người nuôi hổ tại miền Trung rất nhiều và họ có phải làm “luật” với cơ quan chức năng hay không thì không rõ nhưng tôi ước tính số đầu hổ dân đang nuôi tại đây phải đến ba con số. Thường chủ hổ "biết điều" thì được nuôi, chủ hổ "không biết điều" thì bị bắt, mà bị bắt một lúc nhiều con coi như là phá sản. Tại sao cùng là con hổ mà chỉ có một số ít "đại gia" được nuôi còn người dân thường nuôi lại là phạm pháp? Pháp luật phải áp dụng chung cho mọi người, không có vùng cấm. Đã cấm mà không triệt để thì càng khó quản lý và dễ nảy sinh các tiêu cực.

Nồi cao và số phận những con hổ chết trong vườn thú

Sách đông y của các cụ ngày xưa viết phải đủ quân, thần, tá, sứ mới ra cao hổ và “phi sơn dương bất thành hổ cốt”. Để nấu cao người ta dùng hết hoàn toàn bộ xương hổ, không được thiếu xương bánh chè. Xương hổ được ngâm, làm sạch sẽ không còn tí thịt nào sau đó nếu như xương hổ 4 phần thì người ta cho thêm xương sơn dương 3 phần, còn lại là xương động vật (gấu, hươu nai, bò tót…) cộng với mai rùa và thuốc phiện.

Một bộ hàm của hổ. Ảnh: NVCC.

Một bộ hàm của hổ. Ảnh: NVCC.

Theo tôi, cao hổ trong rừng đương nhiên là tốt hơn cao hổ nuôi công nghiệp vì nguyên liệu đầu vào của hổ rừng là thú hoang dã tốt hơn nhiều so với đầu gà, sườn lợn công nghiệp nhưng hiện nay cao hổ nuôi nếu mua được cũng không phải là dễ.

Có một hôm tôi gặp một cán bộ vườn thú nọ báo có con hổ gần 100kg chết và một cặp vợ chồng bác sĩ thú y trong vườn thú xin mua với giá 15 triệu (giá vàng lúc đó chỉ 8 triệu/lượng), tiền đó sẽ được cho vào quỹ công đoàn. Tôi bảo: “Sao lại rẻ thế? Em đề nghị họ bán đấu giá để anh vào cho tăng số tiền góp công đoàn”.

Cô cán bộ thông tin ngày đấu giá hổ chết, tôi có mặt tại vườn thú đúng giờ. Trong bàn đấu giá có tám người, duy nhất có tôi là người ngoài.  Chủ tịch công đoàn phát cho mỗi người một phiếu trắng, đề nghị ghi số tiền mình đấu giá. Tôi ghi gấp đôi số tiền là 30 triệu nhưng đến khi thông báo thì người trúng không phải tôi mà là một cán bộ ghi 31 triệu. Lúc này tôi mới hiểu là mình làm giá cho người khác mua. Nhưng không sao vì lúc ra về vườn thú nọ vui vẻ đưa cho tôi cái phong bì 1 triệu gọi là nhờ tôi mà công đoàn có thêm 15 triệu.

Lần sau con hổ khác chết, cô cán bộ cũng lại gọi tôi, tôi gọi thợ nấu cao đến đấu giá và ông thợ này trả đến 70 triệu và thắng đấu giá vì các vị kia không thể chịu nổi giá đó... (Hết).

  • Tags:
Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Lễ hội quế lớn nhất nước giới thiệu hơn 50 sản phẩm từ quế

Yên Bái Ngày 5/1, huyện Văn Yên tổ chức Lễ hội quế lần thứ 5 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm quảng bá, giới thiệu vùng quế lớn nhất cả nước.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%, vé phổ thông chặng TP.HCM - Hà Nội khoảng 2,9 triệu đồng.