| Hotline: 0983.970.780

Nghị định 20 'treo lơ lửng' trên cồn Thanh Long

Thứ Tư 09/10/2024 , 10:11 (GMT+7)

Vĩnh Long Gần ba năm sau khi sạt lở mất đất và nhà, người dân ở Cồn Thanh Long, tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa nhận được đồng hỗ trợ nào từ địa phương.

Một ngôi nhà của người dân trên cồn Thanh Long bị bỏ hoang do sạt lở. Ảnh: Hồ Thảo.

Một ngôi nhà của người dân trên cồn Thanh Long bị bỏ hoang do sạt lở. Ảnh: Hồ Thảo.

Cồn Thanh Long, một cù lao nhỏ nằm giữa sông Tiền, thuộc (ấp Phước Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) là nơi sinh sống của 6 hộ dân và khoảng 25 hộ khác canh tác trên hơn 17ha cây ăn trái. Nhưng trong vài năm trở lại đây, do tác động của biến đổi khí hậu và việc khai thác cát quá mức nên mỗi năm khu vực này ghi nhận khoảng 10 vụ sạt lở lớn nhỏ, khiến người dân thấp thỏm.

Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phải công bố tình huống khẩn cấp, bởi mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của các hộ dân trên cồn.

Nghị định treo lơ lửng trên cồn

Theo Nghị định 20/2021 của Chính phủ, người dân bị thiệt hại do thiên tai phải được hỗ trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, dù nhà cửa và đất đai đã bị sạt lở cuốn trôi, người dân Cồn Thanh Long vẫn chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào từ địa phương.

Ông Điều Công Khanh (người dân sinh sống trên cồn) kể lại vụ sạt lở kinh hoàng trong đêm của tháng 11/2021 đã cuốn phăng ngôi nhà rộng 70m² và hơn 1,5 công (1 công = 1.000m2) đất của ông xuống sông chỉ trong vài phút. 

Sự cố sạt lở không chỉ làm mất nhà, mất đất mà còn làm vỡ đê bao, nước ngập tràn vào vườn làm chết cây, khiến gia đình ông Khanh kiệt quệ về kinh tế. Ông phải vay mượn tiền nhiều nơi để xây nhà tạm cho các con ông có chỗ trú mưa, trú nắng. Trước đó, chính quyền có đến khảo sát, vận động và lập hồ sơ hỗ trợ di dời và cho ông ký tên vào. Thế nhưng, gần 3 năm nay, ông Khanh vẫn chưa nhận được đồng nào hỗ trợ.

"Tôi hỏi xã thì họ bảo đợi Phòng NN-PTNT. Hỏi Phòng NN-PTNT thì lại đẩy sang Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Tôi chạy lòng vòng hỏi mãi mà không được gì", ông Khanh bức xúc nói.

Ông Lập chỉ về ngôi nhà cũ của ông đã bị con nước nuốt chửng hồi năm ngoái. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Lập chỉ về ngôi nhà cũ của ông đã bị con nước nuốt chửng hồi năm ngoái. Ảnh: Hồ Thảo.

Cách đó không xa, căn nhà và 2 công đất của ông Nguyễn Chí Lập cũng bị dòng nước lũ cuốn trôi vào tháng 11 năm ngoái. Ông Lập chỉ tay về phía chân đê bao tạm bợ, do chính quyền địa phương thi công để ngăn nước, nơi trước đây từng là ngôi nhà của ông, giờ chỉ còn lại vài khối bê tông nứt vỡ và nền nhà phủ cát.

Ông Lập cho biết, sau sự việc, chính quyền đã đến thăm, hỗ trợ dọn dẹp hiện trường, gia cố đê bao và cung cấp một số nhu yếu phẩm như mì gói, dầu ăn, chả lụa. Họ báo hỗ trợ 10 triệu đồng để giúp di dời, tuy nhiên đến nay dù đã xây xong nhà tạm nhưng vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ nào.

“Họ hứa sẽ hỗ trợ, ghi vào văn bản và kêu tôi ký, nhưng giờ vẫn chưa thấy tiền đâu. Chỉ mong sớm nhận được hỗ trợ để thanh toán tiền thuê xe cuốc gia cố đê bao hồi Tết”, ông Lập nói.

Chính quyền đùn đẩy trách nhiệm?

Khi được hỏi về lý do chậm trễ trong việc hỗ trợ người dân, bà Đoàn Thị Thanh Tâm - Cán bộ Địa chính và Nông nghiệp xã Quới Thiện cho biết, ngay sau khi xảy ra sạt lở xã đã khảo sát thực tế và lập hồ sơ gửi về huyện để tiến hành hỗ trợ theo quy định. Xã đã hoàn tất nhiệm vụ của mình, việc chậm trễ thuộc về huyện.

Ông Bùi Tấn Đảm, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm cũng xác nhận đã thăm hỏi, động viên người dân và thực hiện hỗ trợ theo quy định. Tuy nhiên, ông Đảm giải thích, trong 3 hộ bị thiệt hại có 1 hộ chưa đồng ý nhận hỗ trợ do cho rằng số tiền chưa thỏa đáng. 

Khi được hỏi về 2 trường hợp còn lại thì ông Đảm cho biết do hồ sơ đợi tỉnh duyệt. “Chúng tôi sẽ trực tiếp xuống địa phương để trao hỗ trợ cho các hộ dân khi hoàn thành thủ tục”, ông Đảm nói.

Ông Lưu Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long thông tin, các hồ sơ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai và sạt lở đều đã được giải quyết theo quy định.

"Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long không còn treo hồ sơ nào của người dân, do huyện chưa gửi hồ sơ xảy ra trường hợp chưa nhận được hỗ trợ", ông Nhuận khẳng định.

Đây là đoạn đê tạm để bảo vệ khoảng 17ha vườn cây ăn trái của người dân nhưng đang bị sạt. Ảnh: Hồ Thảo.

Đây là đoạn đê tạm để bảo vệ khoảng 17ha vườn cây ăn trái của người dân nhưng đang bị sạt. Ảnh: Hồ Thảo.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, việc chậm trễ hỗ trợ người dân trong trường hợp sạt lở là điều vô lý. "Khi xảy ra sạt lở gây mất nhà, mất đất, việc hỗ trợ cần được thực hiện ngay lập tức, không thể chờ đợi làm hồ sơ. Chúng tôi sẽ rà soát lại và xử lý ngay các trường hợp người dân chưa nhận được hỗ trợ", ông Liệt nói.

Ông Liệt thông tin thêm, về giải pháp lâu dài cho tình trạng sạt lở tại Cồn Thanh Long, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận, nhưng do nguồn kinh phí lớn, việc triển khai vẫn chưa thể thực hiện. Tỉnh đang đề xuất phương án thu hồi đất và kêu gọi đầu tư để di dời các hộ dân sống trên cồn.

Tin từ người dân, chiều cùng ngày 13/9, sau khi báo chí lên tiếng phản ánh lên tỉnh, cán bộ UBND xã Quới Thiện đã gọi điện người dân đến cơ quan với lý do ký lại thủ tục hỗ trợ gửi về huyện, vì hồ sơ trước đó đã không còn hiệu lực. 

Xem thêm
Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu bài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu năm mới 2025, cùng mong muốn đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Xuất khẩu gạo lập kỳ tích vượt 9 triệu tấn và 5 tỷ USD

Xuất khẩu gạo gây ấn tượng mạnh mẽ cả về lượng và kim ngạch trong năm 2024 khi thiết lập những cột mốc lịch sử cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nữ sinh viên Lào Cai hiến tạng của mẹ để cứu sống nhiều người bệnh

Sau khi mẹ ngã giàn giáo và chết não, nữ sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai đã quyết định hiến toàn bộ tạng của mẹ để cứu sống các bệnh nhân khác.