| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Mong muốn các nhà báo đồng hành, cùng kiến tạo

Thứ Năm 02/01/2025 , 14:24 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mong muốn các nhà báo đồng hành cùng ngành nông nghiệp, cùng kiến tạo, cùng vươn mình vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi gặp mặt báo chí của Bộ NN-PTNT đầu năm 2025. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi gặp mặt báo chí của Bộ NN-PTNT đầu năm 2025. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 2/1, Bộ NN-PTNT tổ chức buổi gặp mặt, trao đổi cùng các phóng viên, nhà báo về định hướng phát triển, hoạt động truyền thông của ngành trong năm 2025. Chủ trì buổi gặp mặt có Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và hơn 100 nhà báo.

Sau phần thông tin, trả lời các câu hỏi từ các nhà báo của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có cuộc trò chuyện, chia sẻ suy nghĩ của ông về vai trò của báo chí đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Cùng kiến tạo, cùng vươn mình

Mở đầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn trong mỗi cuộc họp báo, trao đổi giữa Bộ với báo chí, các nhà báo có thể không hỏi mà đưa ra ý tưởng, đưa ra các vấn đề mình còn đau đáu, còn tâm tư. “Từ đó, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi, hướng đến mục tiêu những nhà báo kiến tạo cho ra đời những tin tức kiến tạo”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nói.

Theo ông, đất nước mình quá rộng lớn, ngành nông nghiệp rất rộng lớn nên các lãnh đạo Bộ không thể nắm hết được tất cả các vấn đề. Trong khi đó, các nhà báo là những người có cơ hội đi nhiều, trải nghiệm nhiều nên có thể chia sẻ với Bộ những kiến thức, hiểu biết và tâm tư của mình.

Lấy ví dụ Thiên hoàng Minh Trị kêu gọi giới nghệ sỹ, nhà báo đưa ra ý kiến, khơi gợi sự thay đổi cho nước Nhật trong quá trình canh tân và thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các nhà báo sẽ cùng vươn mình, cùng kiến tạo với ngành nông nghiệp.

“Thông điệp đầu năm mà tôi muốn chia sẻ là các nhà báo sẽ trở thành người đồng hành với ngành nông nghiệp, cùng nhau kiến tạo. Chúng ta sẽ phát triển rực rỡ hơn, cùng vươn mình, giúp ngành nông nghiệp cũng như giúp các lãnh đạo Bộ NN-PTNT”, người đứng đầu ngành nông nghiệp nói với giới truyền thông.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn các nhà báo cùng đồng hành với ngành nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn các nhà báo cùng đồng hành với ngành nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Chia sẻ về chuyến đi đến làng nghề giò chả Ước Lễ dịp Tết dương lịch vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói cảm thấy tiếc nuối về sự mai một của một làng nghề: “Ra đời từ thời nhà Mạc cách đây 500 năm nhưng bây giờ cả làng chỉ còn 3 nhà làm giò chả”.

Qua đó, ông mong muốn các nhà báo, phóng viên vào cuộc để làm thế nào mỗi làng quê đều trở thành nơi đáng sống, đáng quay về, làm sao để người dân nông thôn bớt bỏ ra thành phố. Ông nói: “Điều này các nhà báo có thể làm được, chung tay chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết được “lời nguyền” manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của ngành nông nghiệp”.

Bộ trưởng tin tưởng các nhà báo có thể viết, có thể tôn vinh những con người bình dị, những nông dân bình dị ở làng quê để họ có thể liên kết lại với nhau, để nâng tầm nông sản, nông thôn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, Bộ và các cơ quan báo chí sẽ cùng nhau tìm ra được những điều mới mẻ trong nông nghiệp chứ không đứng ở 2 cực của 1 vấn đề.

Trở lại nước Nhật, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đưa ra ví dụ về nhóm nhà báo đã giúp những người già cô độc ở nông thôn nước này biết làm homestay, biết truyền dạy những nghề truyền thống, để nông thôn có sức sống hơn, hấp dẫn hơn.

“Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng của nhiều biến động trên thế giới nên đòi hỏi nhiều trí tuệ để có thể vượt qua. Trong đó, không thể không kể đến những bộ óc, những trí tuệ của các nhà báo”, Bộ trưởng chia sẻ. Ông cho rằng, mặc dù có nhiều vấn đề nhưng cùng với đó luôn tồn tại các giải pháp. Điều quan trọng hiện nay là cần đến sự kiến tạo, đề xuất, tham gia của các nhà báo để cơ quan quản lý có thể giải quyết những vấn đề này.

Kết lại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, dư địa cho báo chí trong ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều, các nhà báo hoàn toàn có thể giúp ngành phát triển thêm. Về chuyên môn, ông cũng gửi gắm mong muốn các nhà báo xem mỗi bài viết như một tác phẩm báo chí, từ đó chăm chút, đầu tư cho tác phẩm của mình.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định vẫn còn dư địa cho báo chí phát triển cùng ngành nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định vẫn còn dư địa cho báo chí phát triển cùng ngành nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

6 giải pháp để tăng tốc bứt phá

Tại buổi gặp mặt sáng 2/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã chia sẻ những thành tựu vượt bậc của ngành nông nghiệp trong năm 2024, bất chấp những khó khăn không lường trước của thiên tai, cụ thể là cơn bão số 3.

Khẳng định năm 2025 sẽ là năm tăng tốc, bứt phá về đích cho mục tiêu Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021 - 2025, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu ra một số mục tiêu cụ thể. Đầu tiên là tăng trưởng toàn ngành đạt từ 3,3 -  3,4%, tương đương tổng kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 64 - 65 tỷ USD.

Về nông thôn mới, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ xã đạt chuẩn trên 80%, có 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, tỷ lệ che phủ rừng được đề ra là 42,02% và tỷ lệ hộ ở nông thôn được sử dụng nước sạch là 60%.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao đổi với báo chí về định hướng phát triển ngành nông nghiệp trong năm 2025. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao đổi với báo chí về định hướng phát triển ngành nông nghiệp trong năm 2025. Ảnh: Tùng Đinh.

Để đạt được những mục tiêu này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đến giải pháp kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới của ngành. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.

Song song đó là phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

Ông cũng đề cập đến việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chụp ảnh lưu niệm sau khi Bộ trưởng tặng sách cho các nhà báo, phóng viên. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chụp ảnh lưu niệm sau khi Bộ trưởng tặng sách cho các nhà báo, phóng viên. Ảnh: Tùng Đinh.

Một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường.

Cùng với đó, phát triển nông thôn, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Giải pháp thứ 6 là phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai.

Xem thêm
Đoàn Thanh niên là hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ngành nông nghiệp

Đó là khẳng định đầy tự hào của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về vai trò tiên phong của thanh niên ngành NN-PTNT trong các phong trào tình nguyện, xung kích, sáng tạo.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 533 triệu USD

Chiều 3/1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sơn La hỗ trợ hơn 1.500 hộ nghèo, cận nghèo có nơi ở mới

Công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong các năm vừa qua tại tỉnh Sơn La từng bước tháo gỡ khó khăn trong đời sống của nhân dân...