| Hotline: 0983.970.780

Nghị định mới ngành thủy sản khó thành công nếu không biết ngư dân cần gì

Thứ Hai 21/03/2022 , 20:11 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, phát triển kinh tế, xã hội cần lấy người dân, đối tượng thụ hưởng là trung tâm để thiết kế, xây dựng chính sách.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra 3 cái bẫy mà ngành nông nghiệp, trong đó có ngành ngư nghiệp, đang mắc phải đó là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra 3 cái bẫy mà ngành nông nghiệp, trong đó có ngành ngư nghiệp, đang mắc phải đó là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mục tiêu của chính sách không phải là giải ngân

Ngày 21/3, Bộ NN-PTNT tổ chức họp bàn xây dựng Nghị định mới của ngành thủy sản nhằm cụ thể hóa những Nghị quyết của Trung ương, cụ thể là các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ với mục tiêu hướng đến phát triển kinh tế biển bền vững, trong đó có lĩnh vực khai thác thủy, hải sản.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những vấn đề của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về phát triển thủy sản đã thể hiện những vướng mắc trong xây dựng cơ chế, chính sách. Những vướng mắc đó là bài học kinh nghiệm quý giá để xây dựng Nghị định mới cho ngành thủy sản.

“Có một điều chúng ta hay quên, đó là trong phát triển kinh tế, xã hội cần lấy người dân, lấy đối tượng thụ hưởng là trung tâm để thiết kế, xây dựng chính sách. Mọi chiến lược sẽ khó thành công nếu chúng ta không biết nông dân đang nghĩ gì, đang thiếu gì và đang cần gì. Mục tiêu của chúng ta không phải là giải ngân, mục tiêu phải làm sao để đồng vốn phát huy được hiệu quả. Do đó, Nghị định mới của ngành thủy sản, đánh bắt cũng phải dựa trên tư tưởng xuyên suốt này", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Nghị định mới ngành thủy sản cần phải quan tâm hơn đến công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người nông dân. Bởi từ trước đến nay chúng ta mới chỉ đào tạo khâu kỹ thuật như sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi… cho người dân mà không dạy những vấn đề quan trọng khác như cách tư duy, cách tìm hiểu thị trường…

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, cần phải đào tạo cho đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp tại các địa phương. Bởi từ trước đến nay, họ mở Nghị định ra để làm chứ chưa hiểu hết ý nghĩa, chức năng, vai trò, thậm chí là những rủi ro khi đội ngũ đó chính là xương sống của ngành nông nghiệp ở cơ sở. Họ là những người hàng ngày, hàng giờ sâu sát với thực tế, với đối tượng thụ hưởng chính sách nên phải là người am hiểu nhất.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra 3 cái bẫy mà ngành nông nghiệp, trong đó có ngành ngư nghiệp, đang mắc phải đó là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Trên thực tế, người ngư dân lênh đênh trên biển cả tháng trời nhưng vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào lực lượng đầu nậu.

“Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, hay công cuộc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có ngư nghiệp suy cho cùng là việc tổ chức lại sản xuất chứ không phải là những vấn đề về vốn, khoa học công nghệ… Nếu không vượt qua được vướng mắc trong tổ chức sản xuất chúng ta sẽ mắc phải hết bẫy này đến bẫy khác, bộ phận đầu nậu sẽ chèo kéo, ép giá ngư dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.

Vì vậy, Bộ trưởng một lần nữa yêu cầu Nghị định mới của ngành thủy sản cần dành một phần dung lượng cho việc tổ chức lại sản xuất.

Tàu đánh cá được đóng theo Nghị định 67. Ảnh: Việt Khánh.

Tàu đánh cá được đóng theo Nghị định 67. Ảnh: Việt Khánh.

Xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 67

Để phát triển khai thác thủy hải sản xa bờ và thực hiện Nghị quyết số 09NQ/TW ngày 9/2/2007 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 4 (khoá X) của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Chính phủ đã giao Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản.

Sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67 và các chính sách phát triển thủy sản đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng. Tai nạn tàu cá giảm đáng kể, góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 67, đa số các khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ và các Bộ, ngành tích cực tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các chính sách cũng như khi đưa tàu vào hoạt động sản xuất.

Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, hạn chế tổn thất, rủi ro cho người dân và các ngân hàng cho vay, đảm bảo hiệu quả các chính sách ban hành, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu Bộ NN-PTNT có báo cáo Chính phủ và phối hợp các Bộ, Ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 67.

Theo đó, Nghị định mới cần tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, cần sửa đổi chính sách chuyển đổi chủ tàu, tháo gỡ khoản vay nợ xấu.

Cho phép chuyển đổi chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới, nâng cấp nhưng không còn đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản. Chủ tàu mới cần tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ khi nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.

Nghị định mới cũng cần quy định các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng để thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động, sản xuất, trả nợ vốn vay.

Cùng với đó, nâng mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên. Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên làm việc trên tàu cá và 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu từ 15m trở lên.

Thực hiện hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép thay cho việc thanh toán trước đây với nhiều thủ tục. Bổ sung đối tượng, nội dung chính sách đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ tiên tiến trên tàu cá.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.