| Hotline: 0983.970.780

Nghị định 42 thiếu thống nhất với Luật Thủy sản

Thứ Tư 22/09/2021 , 06:00 (GMT+7)

Hơn 2 năm thực hiện Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, 8.810 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã được phát hiện và xử phạt với số tiền hơn 83,1 tỷ đồng.

Bộ NN-PTNT báo cáo kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Bộ NN-PTNT báo cáo kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Phát hiện hơn 8.800 trường hợp vi phạm

Bộ NN-PTNT đã có báo cáo kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) và lực lượng kiểm ngư Vùng thuộc Cục Kiểm ngư đã phát hiện và xử lý 627 trường hợp vi phạm hành chính với số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng.

Bộ Quốc phòng đã phát hiện và xử lý 2.198 trường hợp vi phạm với số tiền phạt hơn 54 tỷ đồng, bàn giao 15 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài cho UBND các tỉnh xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Tại các địa phương, qua hơn 2 năm thi hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, trên phạm vi cả nước đã có chuyển biến tích cực, công tác quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương đã dần đi vào nề nếp, phần lớn các vụ vi phạm về hành chính được phát hiện và xử phạt kịp thời đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm hành chính vẫn diễn ra hết sức phức tạp, tập trung một số hành vi như: khai thác thủy sản bất hợp pháp; sử dụng xung điện, kích điện để khai thác thủy sản; sản xuất, buôn bán hàng sản phẩm dùng trong nuôi trồng thủy sản không đạt chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ; không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản…

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này trên thực tế thường gặp nhiều khó khăn do sự phản ứng của đối tượng vi phạm, nhiều trường hợp chống đối hoặc chây ỳ, không chấp hành quyết định xử phạt, có nhiều trường hợp chỉ chấp hành quyết định xử phạt tiền mà không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả.

Qua hơn 2 năm thi hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản vẫn diễn ra hết sức phức tạp.

Qua hơn 2 năm thi hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản vẫn diễn ra hết sức phức tạp.

Trong hơn 2 năm qua, 8.810 trường hợp vi phạm đã được phát hiện và xử phạt với số tiền phạt 83,1 tỷ đồng. Cụ thể lĩnh vực khai thác thủy sản phát hiện và xử lý 7.095 trường hợp với số tiền phạt hơn 68,2 tỷ đồng.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát hiện và xử lý 209 trường hợp với số tiền phạt hơn 2,23 tỷ đồng. Về sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản, 1.056 trường hợp đã được phát hiện và xử lý với số tiền phạt hơn 12,6 tỷ đồng.

Nhiều bất cập

Theo Bộ NN-PTNT, việc tổ chức thực hiện xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản trong 2 năm qua đã gặp khó khăn, vướng mắc đến từ nhiều nguyên nhân.

Đó là nguồn kinh phí hàng năm cấp cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong thủy sản còn hạn chế, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu hoạt động.

Phương tiện thực hiện nhiệm vụ kiểm ngư còn thiếu, lạc hậu, cũ, không đáp ứng yêu cầu trên vùng biển quản lý rộng lớn, địa hình phức tạp trong khi đó lực lượng làm công tác thực thi pháp luật bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn thiếu, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nên còn hạn chế về kỹ năng xử lý, nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ.

Việc tổ chức thực hiện xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản trong 2 năm qua đã gặp khó khăn, vướng mắc.

Việc tổ chức thực hiện xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản trong 2 năm qua đã gặp khó khăn, vướng mắc.

Các điều kiện về cơ sở vật chất tại đơn vị như nơi tạm giữ phương tiện tàu cá, kho bảo quản tang vật vi phạm hành chính… chưa được bố trí, trang bị theo quy định nên rất khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết như tạm giữ phương tiện tàu cá, tang vật vi phạm để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật.

Do tác động của nền kinh tế thị trường, nguồn lợi thủy sản suy giảm, tình hình vi phạm hành chính diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn trên các lĩnh vực đời sống xã hội nên đã xuất hiện nhiều hành vi vi phạm mới chưa được quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP vẫn còn những bất cập, thiếu tính thống nhất với Luật Thủy sản và các luật khác có liên quan.

Một số chế tài thiếu tính khả thi, còn bỏ sót nhiều vi phạm trong thực tế chưa được luật hóa. Thẩm quyền xử phạt chưa bám sát chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và phạm vi hoạt động của từng lực lượng liên quan đến lĩnh vực thủy sản và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản đã được quy định tại các luật chuyên ngành.

Theo đó, Bộ NN-PTNT đã đưa ra kiến nghị, đề xuất bổ sung một số hành vi vi phạm vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.

Cụ thể là hành vi “Không mang bản chính hoặc bản sao chứng thực đối với Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; sổ đăng kiểm tàu cá; bảo hiểm thuyền viên tàu cá khi hoạt động trên biển”, để tạo thuận lợi và phù hợp với thực tiễn kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, đồng thời bảo đảm điều kiện hoạt động của tàu cá.

Hành vi “không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định” đối với tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vì theo quy định của Luật Thủy sản, đây là hành vi vi phạm về khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Hành vi “không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 m” và “không mang giấy phép khai thác thủy sản và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá” vào Điều 23 và Điều 33 dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.

Theo Bộ NN-PTNT, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP vẫn còn những bất cập, thiếu tính thống nhất với Luật Thủy sản và các luật khác có liên quan.

Theo Bộ NN-PTNT, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP vẫn còn những bất cập, thiếu tính thống nhất với Luật Thủy sản và các luật khác có liên quan.

Hành vi “Nhập khẩu giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”; “Cung cấp kẹp chì và kẹp chì đối với thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá không đúng quy định”; “không báo cáo về việc lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định” và “tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi hoạt động trên biển”.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng đề nghị chia mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản với phương tiện nghề cá nhỏ.

Bộ NN-PTNT nhận định lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vẫn chưa được quy định đầy đủ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm. Đặc biệt là hành vi vi phạm nghiêm trọng “khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác” và “Tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép”.

Qua đó dẫn đến khó khăn trong thực tiễn kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là những hành vi khai thác bất hợp pháp (IUU) đã ảnh hưởng đến quá trình gỡ thẻ “vàng” của Việt Nam.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.