Năm 2022, bóng đá trẻ Việt Nam dự 4 giải đấu lớn là U23 Đông Nam Á, SEA Games 31 trên sân nhà, Asiad 2022 và vòng chung kết U23 châu Á. Khoảng thời gian thi đấu của 4 giải cũng khá sát nhau, và rất khó để một mình đội U23 có thể cáng đáng được hết công việc.
Nếu như việc cử đội U21 dự U23 Đông Nam Á tại Campuchia từ ngày 14 đến 26/2 không làm nhiều người ngạc nhiên, thì đề xuất cho đội này kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ tại Asiad, diễn ra vào tháng 9/2022 lại là một bất ngờ. Tại giải đấu này 4 năm trước, thầy trò Park Hang-seo đã vào tới bán kết và suýt giành huy chương.
Nhiệm vụ bảo vệ chiếc HCV SEA Games trong tháng 5/2022 và dự U23 châu Á vào tháng 6 được dành cho đội U23, vốn được đánh giá thiện chiến hơn. Điểm lợi trong lựa chọn này, đó là đội U23 sẽ được tập huấn và trui rèn liên tục. Việc tính toán điểm rơi phong độ, cũng như phân phối thể lực cho học trò sẽ trở nên dễ dàng hơn với ông Park.
Trong suốt năm 2020 và 2021, bóng đá trẻ Việt Nam không có cơ hội tham dự giải đấu lớn nhiều vì lý do dịch bệnh. Nhiều tài năng trẻ không để lỡ nhịp "ra biển lớn" và VFF không muốn điều ấy tái diễn với thế hệ 2001-2002, tức đội U21.
Nhìn chung, Asiad và vòng chung kết U23 châu Á đều là những giải đấu mà các đội tuyển Việt Nam đã làm nên kỳ tích. Việc xem xét cử đội U21 tham dự Asiad đồng nghĩa với chuyện VFF không đặt nặng vấn đề thành tích mà chú trọng đến tương lai của bóng đá Việt Nam. Đây là cơ hội để các cầu thủ trẻ được thử sức đồng đều ở những giải đấu lớn, tránh việc thi đấu quá tải.
Lứa các cầu thủ sinh năm 2001-2002 cũng là nòng cốt dự SEA Games 32 và vòng chung kết U23 châu Á 2024, giải đấu vòng loại cho Olympic Paris. Như đã chứng kiến ở vòng loại Olympic Tokyo vừa qua, cuộc cạnh tranh giành tấm vé rất khốc liệt. Chính bởi vậy, VFF đã lựa chọn một tầm nhìn dài hơi hơn cho bóng đá nước nhà, giống như cái cách Nhật Bản cử đội U21 dự U23 châu Á 2018, để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020.
Quyết định của VFF dưới thời ông Tuấn có thể xem "dũng cảm", nhưng hợp lý sau khi cơn khát thành tích ở giải trẻ đã đi qua. Người hâm mộ bóng đá nước nhà cũng dần có cái nhìn khác về các giải trẻ. Mục tiêu quan trọng nhất ở đây vẫn là sự phát triển của các cầu thủ trẻ, thay vì quá chú trọng tới câu chuyện thành tích.
Còn nhớ năm 2017, Việt Nam chứng kiến mùa giải kéo dài bậc nhất lịch sử bởi những quãng nghỉ liên tục. Hồi giữa năm, V-League tạm nghỉ hơn 2 tháng đề nhường chỗ cho U20 Việt Nam chuẩn bị cho U20 World Cup. Tiếp đó, các đội thi đấu đúng 3 vòng và lại nghỉ để U23 Việt Nam hội quân cho vòng loại U23 Châu Á và SEA Games 29. Chất lượng của V.League không những bị ảnh hưởng, mà phong độ của các đàn anh cũng bị đi xuống.
Vấn đề cũ càng trở nên đáng bàn khi dịch Covid-19 xảy ra, buộc V-League huỷ khi chưa đi hết nửa chặng đường. Nhiều cầu thủ tập chay cả năm trời, còn ông Park đau đầu vì không có nhân tố mới.