| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 09/07/2019 , 08:37 (GMT+7)

08:37 - 09/07/2019

Nghịch lý doanh thu BOT

Với kết quả của Kiểm toán Nhà nước, thì các dự án BOT trên cả nước đang được hưởng quá nhiều thuận lợi. Vậy mà, kỳ lạ thay, rất nhiều doanh nghiệp đang sở hữu các trạm thu phí lại thường xuyên kêu lỗ, và đòi trả lại dự án BOT.

Ảnh minh họa.

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước - Đào Xuân Tiên cho biết: Kết quả kiểm toán 8 dự án BOT trong năm 2018 cho thấy hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công, phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu chính phủ không đúng nội dung được sử dụng, chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình giao thông, xảy ra nhiều hạnh mục nghiệm thu và thanh toán sai… Đồng thời Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu.

Mới đây nhất, Công ty cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 đã có công văn số 78 gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị được hỗ trợ công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, nếu không sẽ trả lại dự án BOT nối Cần Thơ và An Giang.

Dự án BOT quốc lộ 91 gồm hai trạm thu phí đặt cách nhau chưa tới 40 km, trạm T1 đặt tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, Cần Thơ và trạm T2 đặt tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, Cần Thơ. Theo hợp đồng ban đầu, thời gian thu phí hoàn vốn cho toàn dự án hơn 15 năm 9 tháng.

Tuy nhiên, sau khi giảm giá vé cho hơn 11.700 xe của các tỉnh trong khu vực lân cận trạm, thì thời gian thu phí được nâng lên hơn 34 năm 4 tháng. Doanh số thu phí từ năm 2016 đến năm 2018 đều tăng hàng trăm tỷ đồng so với kế hoạch. Sau khi thông xe cầu Vàm Cống, trạm T2 bị phản ứng vì thu phí phi lý, nên phải xả trạm từ ngày 25-5-2019 đến nay.

Thay vì tìm giải pháp dời trạm T2 hoặc đưa ra mức phí phù hợp, thì Công ty cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 lại dùng chiêu “lời thì ăn, lỗ thì trả”, khiến ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở GTVT An Giang phải bức xúc lên tiếng: "Đây chẳng qua là cách chủ đầu tư muốn làm áp lực với Bộ GTVT. Lúc đặt trạm T2, tỉnh An Giang không hề được hỏi ý kiến, các bên liên quan chỉ hỏi ý kiến Cần Thơ. Theo tôi biết, hợp đồng BOT không đơn giản muốn ngưng là ngưng, tức là phải có báo cáo tài chính và rất nhiều thủ tục chứ không thể nào dựa vào vài văn bản đơn thuần mà dừng thực hiện được".

BOT vẫn đang là câu chuyện nóng bỏng trong đời sống xã hội. Doanh nghiệp đầu tư dự án BOT vẫn đang được hưởng rất nhiều ưu đãi từ chính sách cho đến lãi vay. Tuy nhiên, cách vận hành của các trạm BOT lại có không ít khuất tất. Một khi Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều số liệu chính xác, thì Bộ GTVT cần phối hợp với Bộ Công an đấu tranh phát hiện và xử lý những tiêu cực trong quản lý, hạch toán doanh thu của các dự án BOT, để chấm dứt nghịch lý “lời thì ăn, lỗ thì trả”.