Chiều 25/6, Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN tổ chức lễ ký Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa hai đơn vị dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt. Tham gia lễ ký còn có các Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc hai Bộ, đại diện một số doanh nghiệp.
Đến nay, hai Bộ đã ký Chương trình phối hợp, xây dựng và trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN, các chương trình KH-CN đặc thù phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Với sự đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, khoa học và công nghệ của ngành đã đổi mới và đóng góp có hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nâng cao giá trị, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật đã góp phần nâng cao sản năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, làm tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.
Có thể nói, giá trị tạo ra từ ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Do đó, Chương trình phối hợp được ký kết hôm này sẽ thống nhất chủ trương, định hướng của hai Bộ là ưu tiên nguồn lực để tập trung nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nhận định về hợp tác giữa hai Bộ trong thời gian tới, Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt nói: "Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chuyển đổi số còn nhiều dư địa để phát triển và đóng góp nhiều hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Đây là nội dung 2 bộ có thể tiếp tục đồng hành cùng xây dựng các nội dung phối hợp triển khai hết sức cụ thể trong thời gian tới".
Về vấn đề xây dựng luật, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, 2 Bộ đã phối hợp tốt để xây dựng Luật sở hữu trí tuệ (sửa đổi) trong đó có các nội dung về bảo hộ khai thác giống cây trồng, vật nuôi. Hiện, luật này đã được báo cáo với Thường trực Chính phủ và sắp tới sẽ báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
"Bên cạnh nội dung này 2 bộ có thể phối hợp để đẩy mạnh đăng ký nhãn hiệu các loại hàng hóa nông, lâm, thủy sản chủ lực của Việt Nam trên các thị trường quốc tế", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt gợi ý.
Đối với lĩnh vực nghiên cứu, Bộ KH-CN cho rằng, 2 bên có thể phối hợp để xác định những định hướng nghiên cứu dài hạn phục vụ phát triển theo chuỗi sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành. Ví dụ như: giống cây trồng, vật nuôi, chế biến nông, lâm, thủy hải sản… thích nghi với biến đổi khí hậu nhằm tạo ra các sản phẩm được người dân, doanh nghiệp trong nước chấp nhận và xuất khẩu ra thị trưởng quốc tế.
Ngoài ra, Bộ KH-CN đã được Thủ tướng chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng, quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học, công nghệ công lập. Trong đó, có rất nhiều tổ chức trong lĩnh vực nông nghiệp và đây là nội dung 2 bộ có thể phối hợp để quy hoạch cũng như đầu tư phát triển cho các tổ chức khoa học, công nghệ trong thời gian tới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng việc hợp tác giữa 2 bộ sẽ đưa được công tác nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp lên một tầm cao mới. Cho rằng công nghệ đang phát triển từng giờ, từng ngày, người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có thêm những “làn gió mới”, ý tưởng mới trong đội ngũ nghiên cứu khoa học.
“Các cơ sở, tổ chức nghiên cứu khoa học của chúng ta đang bị manh mún nhỏ lẻ, chưa tạo ra được sự liên thông, chưa tạo ra hình ảnh của nền nghiên cứu khoa học nông nghiệp của một quốc gia có nông nghiệp là trụ đỡ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu vấn đề và kỳ vọng trong tương lai sẽ có những trung tâm nghiên cứu xứng tầm.
Không chỉ thay đổi ở góc độ các nhà khoa học, theo Bộ trưởng NN-PTNT, khi nền nghiên cứu nông nghiệp được phát triển sẽ thu hút thêm được sự quan tâm của giới trẻ, khiến các bạn học sinh quan tâm, lựa chọn những ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp. “Nông nghiệp bây giờ không phải là con trâu đi trước cái cày đi sau nữa”, ông nói.
Nhằm thúc đẩy quá trình nghiên cứu khoa học phát triển mạnh hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập đến vấn đề hợp tác công tư trong lĩnh vực này. “Khi các doanh nghiệp kết hợp với các đơn vị nghiên cứu, chúng ta có thể sớm đưa các thành quả khoa học ra thị trường. Khi kết hợp được “cái đầu của nhà khoa học” và “cái túi của doanh nghiệp” thì sẽ tạo ra sự cộng hưởng, tạo ra được những sản phẩm đi vào đời sống nhanh nhất”, người đứng đầu Bộ NN-PTNT phân tích thêm.
Tuy nhiên, để làm được điều này cần có thêm những chính sách, cơ chế phù hợp và cả sự thay đổi trong tư duy của người làm khoa học để thích ứng với những thay đổi của thực tiễn, ví dụ như doanh nghiệp thì cần giải pháp 24/7 chứ không phải chỉ trong giờ hành chính.
Hai Bộ thống nhất cao trong giai đoạn 2021-2030 cần ưu tiên thực hiện hiệu quả các Chương trình KH-CN cấp quốc gia, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, sản phẩm lợi thế của địa phương.
Hai Bộ sẽ phối hợp xây dựng một số cụm nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, một số Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ, tập trung cho một số ngành hàng, sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sâu, công nghệ bảo quản, đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo nên những đột phá về chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Việc ký kết và triển khai Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-20300 thể hiện ý chí chính trị và quyết tâm cao của Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt, tiếp tục khẳng định nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là khâu then chốt tạo sự đột phá, góp phần thực hiện thành công Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.