Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận: Trong giai đoạn 2015 - 2020, Trung tâm đã phổ biến, hướng dẫn cho vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhằm nâng cao hiệu sản xuất, ổn định cuộc sống cho bà con dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc K'ho, Chăm, Raglai.
Tuy nhiên, do trình độ bà con có những hạn chế nhất định nên khi triển khai và thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đều tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho bà con với phương thức “cầm tay chỉ việc” hay áp dụng phương pháp tập huấn FFS (FFS là phương pháp khuyến nông theo nhóm với nguyên tắc lấy người học làm trung tâm).
Ông Nguyễn Tám, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, cho biết, các mô hình đã được Trung tâm chuyển giao cho bà con vùng đồng bào Chăm, K'ho, Raglai như trồng cây điều giống mới AB29 và AB0508 cho năng suất cao tại xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc); xã La Ngâu (Tánh Linh). Mỗi xã được triển khai với diện tích 10 ha.
Hay mô hình trồng cây đậu bắp với diện tích 15 ha tại xã Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc) và trồng cây đậu xanh với diện tích 5 ha tại Hàm Cần (Hàm Thuận Nam). Bên cạnh đó Trung tâm còn triển khai các mô hình như trồng cỏ chăn nuôi, cây bắp lai tại xã Phan Sơn (Bắc Bình) và thâm canh cây lúa nước tại xã Phan Dũng...đã đem lại hiệu quả khả quan cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Đối với mô hình trồng thâm canh cây điều giống mới tại xã La Ngâu, chúng tôi triển khai theo liên kết chuỗi mang lại hiệu quả khá tích cực. Hiện cây điều trong giai đoan năm thứ 3, sinh trưởng phát triển tốt và bắt đầu cho trái bói. Theo đó, dù thời tiết không thuận lợi, lúc trổ bông gặp mưa và sương muối nhưng dự kiến cho năng suất trên 3,5 tạ/ha. Tuy nhiên nếu gặp điều kiện thuận lợi thì 2 giống điều mới AB29 và AB0508 trồng theo phương thức hỗn giao cho năng suất trái bói trên 5 tạ/ha. Và, khi bước vào năm thứ 4, thứ 5…năng suất điều có thể đạt từ 25-30 tạ/ha.
Còn mô hình trồng cây đậu bắp trên đất kém hiệu quả ở vụ ĐX 2020-2021 tại xã Đông Tiến, chúng tôi cũng triển khai theo liên kết chuỗi kết nối với Công ty TNHH nông sản Hoàng Gia tại huyện Tánh Linh để thu mua đậu bắp cho bà con. Nhờ bà con tích cực chăm sóc theo hướng dẫn nên năng suất bình quân 7,5 tấn/ha. Với gia thu mua của Cty ổn định 8.000 đ/kg cho doanh thu 60 triệu/ha, trừ chi phí bà con lợi nhuận khoảng 26 triệu đ/ha, rất phấn khởi.
Đáng chú ý là mô hình thâm canh cỏ cao sản VA06 phục vụ chăn nuôi tại xã Phan Sơn, với tổng diện tích hơn 5 ha sinh trưởng và phát triển tốt. Cây cao trên 2m, thân to, mềm, giàu dinh dưỡng và là nguồn thức ăn rất tốt cho gia súc. Cỏ gần như không có sâu bệnh hại, hạn chế can thiệp thuốc BVTV, đảm bảo “thức ăn sạch” cho đàn gia súc. Năng suất bình quân đạt 320 tấn/ha/năm (8 lứa cắt); với giá khoảng 700.000 đ/tấn, bà con thu lợi nhuận trên 93 triệu đồng/ha/năm”, ông Tám chia sẻ.
Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận: Năm 2021, Trung tâm sẽ hỗ trợ cho xã Phan Sơn (Bắc Bình) 4 ha mô hình canh tác lúa theo phương pháp SRI; đồng thời thực hiện liên kết chuỗi với mong muốn giúp bà con canh tác theo hướng tiên tiến, vừa giảm giống chỉ còn gieo 120 kg/ha, giảm phân, giảm thuốc BVTV. Đặc biệt là tiết kiệm nước tưới trong vụ nắng (vụ đông xuân) nhưng năng suất cao hơn hoặc bằng so với sản xuất đại trà từ 200-250 kg/ha.
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, để mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến với bà con dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao hơn, quy mô rộng khắp hơn, Trung tâm đề xuất UBND tỉnh và Sở NN-PTNT cần xây dựng nguồn kinh phí đủ lớn khoảng 200 triệu/năm. Bởi hiện do kinh phí hỗ trợ cho bà con vùng dân tộc còn eo hẹp, hằng năm từ 50-60 triệu đồng nên tính quy mô mô hình hay quy mô địa bàn thực hiện mô hình rất hạn chế. Trong khi thực hiện mô hình đều hỗ trợ cho bà con 100 % giống và vật tư.
Đặng Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã La Ngâu (Tánh Linh) cho biết, địa phương chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Vì vậy việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho người dân rất quan trọng. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai nhiều mô hình như trồng điều giống mới, trồng đậu bắp, trồng khổ qua, bí đỏ lấy hạt giống kết hợp với liên kết chuỗi đã giúp bà con ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập. Do đó, trong thời gian tới, địa phương kiến nghị Trung tâm tiếp tục hỗ trợ địa phương triển khai mô hình chăn nuôi bò lai vỗ béo, nhằm giúp bà con bỏ phong tục chăn nuôi thả rông chuyển sang nuôi nhốt. Từ đó, giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe của người dân cũng như tăng thu nhập, đảm bảo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho địa phương.