Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2011. Đây là đạo luật đầu tiên về khám bệnh, chữa bệnh, là hành lang pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.
Sáng 12/7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết sau 9 năm thi hành luật, nêu ra được nhiều thành quả, trong đó đặc biệt là chỉ số hài lòng của người bệnh với chất lượng khám chữa bệnh ngày càng tăng dựa trên Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ảnh: Tùng Đinh. |
Đến nay hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện được hình thành với 55,4% bệnh viện trên toàn quốc thành lập phòng hoặc tổ quản lý chất lượng.
Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2016, 2017 cho thấy sự hài lòng của người dân về chất lượng bệnh viện tuyến huyện tăng đáng kể so với 2015. Kết quả đo lường sự hài lòng tại 33 bệnh viện công lập (23 bệnh viện TW, 10 bệnh viện tỉnh) do Viện Chiến lược và Chính sách y tế thực hiện cho thấy 81,8% số người bệnh hài lòng với các dịch vụ y tế. Có sự gia tăng đáng kể tỷ lệ hài lòng về thái độ ứng xử của nhân viên y tế, đặc biệt là với các bệnh viện tuyến TW (năm 2015 là 85,9%, năm 2017 là 92,1%).
Trong khi đó, báo cáo chỉ số hài lòng người bệnh do Cục Quản lý khám chữa bệnh và Sáng kiến Việt Nam, Oxfam thực hiện sau khi phỏng vấn người bệnh nội trú xuất viện từ tháng 9/2016-11/2017 ở 29 bệnh viện tỉnh, huyện cho thấy chỉ số hài lòng trung bình đạt 3,98/5 (tương ứng 79,6%). Khảo sát trực tuyến sự hài lòng của người bệnh trên toàn quốc từ 12/2016-12/2017 có trên 1 triệu phiếu khảo sát, tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú đạt 75,6%, người bệnh ngoại trú đạt 66,3%.
Mức chất lượng trung bình toàn quốc năm 2017 đạt 2.81/5, trong đó nhóm các tiêu chí hướng đến người bệnh cao nhất đạt mức 3,18/5. Trung bình các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đạt mức 3,49/5 và kết quả đánh giá năm 2018 cho thấy, một số bệnh viện có bước tiến vượt bậc đạt mức 4/5.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế. Ảnh: Tùng Đinh. |
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế, trong tương lai, chỉ số hài lòng của người bệnh với dịch vụ của bệnh viện có thể là cơ sở để quy định giá dịch vụ. Theo đó, dựa trên giá dịch vụ cơ bản, những bệnh viện có chỉ số hài lòng càng cao sẽ có hệ số tăng càng lớn.
Ông Quang cho rằng, điều này vừa kích thích các bệnh viện nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ vừa giúp người bệnh dễ dàng lựa chọn nơi có chất lượng tốt khi chỉ cần xem giá khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, ngành y tế vẫn còn một số hạn chế như tổ chức và cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế vẫn chưa bảo đảm cung cấp dịch vụ toàn diện, liên tục, có chất lượng, lấy bệnh nhân làm trung tâm.
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối chưa được cải thiện triệt để do chất lượng dịch vụ y tế ở các cơ sở y tế tuyến dưới chưa được cải thiện căn bản, chưa lấy lại được niềm tin của người dân.
Hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ được xây dựng và hình thành nhưng vẫn chưa đồng bộ, chưa có đủ các cơ chế, quy định, hướng dẫn hỗ trợ và khuyến khích cung ứng dịch vụ có chất lượng một cách toàn diện.