Cuộc bạo loạn hôm 25/6 bắt đầu sau khi Quốc hội Kenya thông qua Dự luật Tài chính năm 2024 của chính phủ với 195 phiếu thuận và 106 phiếu chống, trong đó thu thêm 2,7 tỷ USD tiền thuế các loại theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tổng thống William Ruto lên án các cuộc biểu tình là "phản quốc" và thề sẽ trấn áp "tội phạm" đã biến các cuộc biểu tình thành "bạo lực và vô pháp".
Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy văn phòng thống đốc ở Nairobi bị phóng hỏa, cũng như một nhóm người biểu tình đập phá đồ đạc bên trong tòa nhà quốc hội và cố gắng phá cửa phòng Thượng viện.
Theo hãng tin BBC, hàng trăm nhà lập pháp đã bị mắc kẹt bên trong tòa nhà và trú ẩn dưới tầng hầm. Theo truyền thông địa phương, ít nhất 10 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát, trong khi 40 người khác đã được đưa vào bệnh viện địa phương để điều trị.
Bộ trưởng Quốc phòng Aden Duale tuyên bố rằng lực lượng vũ trang đã được huy động để hỗ trợ cảnh sát do "tình trạng khẩn cấp về an ninh bắt nguồn từ các cuộc biểu tình bạo lực đang diễn ra ở nhiều vùng khác nhau" của đất nước, "dẫn đến phá hoại và xâm phạm các cơ sở hạ tầng quan trọng".
Chính phủ Kenya tuần trước đã đồng ý hủy bỏ một số khoản tăng thuế, song họ vẫn có ý định tăng một số khoản thuế khác, giải thích rằng điều này là rất cần để lấp đầy kho bạc quốc gia và giảm tình trạng phụ thuộc của đất nước vào nợ nước ngoài.
Kenya có một núi nợ khổng lồ với chi phí thanh toán tăng vọt do giá trị đồng nội tệ giảm trong hai năm qua, khiến việc trả lãi cho các khoản vay bằng ngoại tệ trở nên đắt đỏ hơn. Sau khi chính phủ đồng ý bãi bỏ thuế đối với việc mua bánh mì, sở hữu ô tô, dịch vụ tài chính và di động, Bộ Tài chính đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt ngân sách 1,56 tỷ USD.
Chính phủ hiện nhắm mục tiêu tăng giá nhiên liệu và thuế xuất khẩu để lấp đầy khoảng trống ngân sách, động thái mà các nhà phê bình cho rằng sẽ khiến cuộc sống trở nên đắt đỏ hơn ở một quốc gia vốn đã phải gánh chịu lạm phát cao.
Kenya là một trong những nền kinh tế năng động nhất Đông Phi nhưng 1/3 trong 52 triệu dân nước này hiện sống trong nghèo đói.