Ngày 20/8, theo ghi nhận của PV NNVN tại khu vực nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn) tiếp tục có rất nhiều xác cá chim, cá bớp, cá mú,… chết nổi lềnh bềnh trôi khắp mặt sông.
Cá trôi theo từng vệt, dạt vào ven bờ và quanh các khu vực lồng bè nuôi, mùi hôi nồng nặc bốc lên khắp nơi. Lực lượng chức năng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) đang tiếp tục khảo sát nguồn nước và thống kê tình hình thực tế thiệt hại của các hộ nuôi.
Vừa vớt cá chết nổi tại khu vực nuôi của gia đình, ông Đỗ Văn Uyên, lồng bè thuộc tiểu khu 3, khu 4 rầu rĩ cho biết: Mấy ngày qua, mỗi ngày ông phải vớt từ 5 - 7 tạ cá chết, thậm chí có ngày cả tấn cá chết đóng bao đem vào bờ bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, nhưng cũng chỉ được giá 3.000 đồng/kg.
Chỉ tính riêng tiền thức ăn cho cá ông đã tốn từ 170 – 200 triệu đồng/tháng và thực tế ông đã chi phí hết khoảng 1,5 tỉ đồng, hầu hết số tiền này phải vay ngân hàng.
“Nếu bình thường bán cá tươi khỏe cho mối lái thu mua sẽ được giá 130 ngàn/kg, với 25 tấn cá sẽ cho tôi thu phải trên 2,5 tỉ đồng đợt này. Ấy vậy mà đến hôm nay tôi bán hết số cá chết này cũng chỉ thu được khoảng 50 triệu đồng”, ông Uyên buồn bã nói.
Cũng theo ghi nhận của PV, trong ngày 20/8, hầu hết các lồng bè ở đây đều buộc phải tranh thủ vớt nhanh số cá còn sống đem bán tống bán tháo cho thương lái với giá rẻ từ 20 - 30 ngàn đồng/kg.
May mắn nhất là anh Mai Anh Tuấn, tiểu khu 3 (khu nuôi trồng thủy sản Cầu Chà Và) đợt này thả nuôi 50.000 con cá chim, đến nay đã phát triển được khoảng 0,4-0,5 kg/con. Mặc dù mấy bữa nay cá mới chỉ có hiện tượng kém ăn nhưng anh đang phải tích cực cho sục khí Oxy, đồng thời lên kết hoạch thuê ghe kéo lồng bè cá đi nơi khác “chạy họa”.
Dẫn chúng tôi xuống bè cá tham quan, anh Tuấn tâm sự: “Những ngày qua, tôi phải theo dõi cá suốt ngày đêm chỉ sợ cá bỏ ăn thì phải xử lý ngay. Mấy ngày nay thấy nhiều bà con xung quanh vội kéo cá sống lên bán gấp để “chạy họa” khiến tôi cũng chẳng yên. Sáng nay có mấy mối điện thoại hỏi, chắc tôi sẽ phải bán cá non”.
Theo UBND xã Long Sơn, hiện địa phương đang phối hợp chặt chẽ cùng Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) thống kê thiệt hại, động viên, chia sẻ rủi ro với bà con nông dân. Đồng thời, ngành chức năng cũng đang trực tiếp ra các vùng nuôi nắm bắt tình hình, khảo sát, thống kê số hộ bị thiệt hại, lấy mẫu cá chết để xét nghiệm phân tích.
Đến nay, do số cá tại các lồng bè vẫn tiếp tục chết nên cơ quan chức năng vẫn chưa có số liệu thống kê đầy đủ để đánh giá mức độ thiệt hại của người dân.
“Chi cục Thú y Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT khuyến cáo bà con nông dân thực hiện một số giải pháp cấp bách như: Tiến hành thu hoạch sớm những loại cá đạt kích cỡ thương phẩm để giảm thiệt hại; giãn thưa lồng, giảm mật độ cá trong lồng; vệ sinh lưới lồng sạch sẽ để tăng cường sự trao đổi nước, giúp lồng thông thoáng hơn, hạn chế vi sinh vật bám; bổ sung vitamin C và khoáng chất trộn lẫn vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá…”