| Hotline: 0983.970.780

Nuôi hàu Thái Bình Dương giàu lên nhanh chóng

Thứ Tư 22/04/2020 , 09:20 (GMT+7)

Nuôi hàu Thái Bình Dương đã giúp nhiều hộ dân trên sông Chà Và giàu lên nhanh chóng…

Ông Nguyễn Văn Mãnh giới thiệu về kỹ thuật nuôi hàu sinh thái. Ảnh: HT.

Ông Nguyễn Văn Mãnh giới thiệu về kỹ thuật nuôi hàu sinh thái. Ảnh: HT.

Đó là khẳng định của ông Trương Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) khi nói về nghề nuôi hàu ở địa phương.

Tỷ lệ sống gần 100%

Để tìm hiểu về nghề nuôi hàu sinh thái, PV NNVN tìm đến “đại bản doanh nuôi hàu” của xã đảo Long Sơn.

Đứng trên đỉnh cầu Chà Và nhìn xuống, hàng trăm lồng bè nuôi hàu và các loại thủy sản khác nối tiếp nhau chẳng khác gì một quần thể “phố nổi” trên sông. Chúng tôi tiếp tục quá giang theo ghe của người dân địa phương chở ra giữa sông đến khu vực nuôi hàu.

Kiểm tra hàu giống thả nuôi trong lồng bè. Ảnh: HT.

Kiểm tra hàu giống thả nuôi trong lồng bè. Ảnh: HT.

Ông Nguyễn Văn Mãnh, một chủ lồng bè nuôi hàu (tiểu khu 8, xã Long Sơn) cho biết, trước đây, các hộ chỉ sử dụng con giống hàu tự nhiên, hay còn gọi là hàu bản địa. Đa số các hộ nuôi bằng cách để hàu giống tự nhiên bám vào các tấm fibro xi măng, lốp xe thả xuống nước.

Tuy nhiên, nuôi bằng cách này môi trường nước dễ bị ô nhiễm khiến mật độ hàu bám không cao, thậm chí không có hàu bám vào giá thể. Nhận thấy điều đó, một số cơ sở sản xuất giống thủy sản ở TP Vũng Tàu đã nghiên cứu giống nhân tạo và bắt đầu thử nghiệm sản xuất giống hàu sữa (hàu Thái Bình Dương) cho thả nuôi trên các bè cá.

Từ năm 2014, người dân nuôi trồng hải sản trên sông Chà Và bắt đầu bỏ dần mô hình nuôi hàu đá truyền thống để chuyển sang nuôi hàu Thái Bình Dương (sau khi loại hàu này được nhân giống thành công và nuôi theo quy trình sinh thái tại BR-VT). Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã đảo Long Sơn đầu tư nuôi hàu và làm giàu nhanh chóng.

Bắt đầu nuôi hàu Thái Bình Dương từ năm 2016, đến nay ông Mãnh đã có vài chục lồng bè. Mỗi tháng ông xuất bán từ 2,5 - 3 tấn hàu thương phẩm, với giá dao động từ 25 - 50 ngàn đồng/kg (tùy loại), sau khi trừ chi phí còn lời gần 100 triệu đồng.

Hàu được thả nuôi hoàn toàn bằng phương pháp tự nhiên, nuôi sinh thái cho chất lượng sạch. Ảnh: HT.

Hàu được thả nuôi hoàn toàn bằng phương pháp tự nhiên, nuôi sinh thái cho chất lượng sạch. Ảnh: HT.

Nhấc một dây đang thả dưới lồng bè lên, những con hàu Thái Bình Dương bám chặt vào giá thể bằng chính những vỏ hàu lá hoặc vỏ điệp gắn vào dây dài cả mét, con nào cũng to bằng vốc tay, đếm sơ cũng được khoảng vài chục con, ông Mãnh vui vẻ tâm sự: “Nuôi loại hàu này ban đầu chi phí đầu tư cao, trong quá trình chăm sóc cần nhiều lao động nhưng bù lại giống này nhanh thu hoạch, giá bán cũng khá ổn định”. 

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương, ông Nguyễn Công Biên, ở tiểu khu 3 cũng mới đầu tư cả trăm triệu đồng nâng cấp cả chục lồng bè nuôi cá chuyển sang thả hàu sinh thái. Sau một thời gian theo dõi, ông thấy hàu phát triển rất tốt, tỷ lệ con giống hao hụt không đáng kể.

“Giống hàu này nuôi hiệu quả kinh tế hơn hàu truyền thống, thời gian ngắn, sản lượng nhiều. Với hàu Thái Bình Dương nuôi không khó chỉ cần ghép vào giá thể thả xuống nước là tự nó lớn. Nếu làm đúng kỹ thuật thì tỷ lệ sống của con hàu có thể sẽ đạt gần 100%”, ông Biên cho hay.

Sạch môi trường

Ông Nguyễn Văn Mãnh từng là chuyên viên Phòng Kinh tế TP Vũng Tàu, đã tham gia nghiên cứu phát triển các giống thủy sản và là người tiên phong triển khai dự án ứng dụng xây dựng mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương và được Trung tâm Khuyến nông tỉnh BR-VT hỗ trợ kỹ thuật để nhân rộng.

“Lúc đầu chúng tôi đã triển khai thử trên trên quy mô 2.000 dây hàu giống. Sau 7 tháng nuôi tỷ lệ hàu sống đạt khoảng 90%, trọng lượng trung bình 20 con/kg, cho sản lượng 4.100 kg.

Kết thúc mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai nhân rộng cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã và các vùng lân cận ứng dụng nuôi giống hàu này”, ông Mãnh cho biết.

Tỉnh BR-VT đang nhân rộng mô hình nuôi sinh thái cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Long Sơn và các vùng lân cận ứng dụng nuôi giống hàu Thái Bình Dương. Ảnh: HT. 

Tỉnh BR-VT đang nhân rộng mô hình nuôi sinh thái cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Long Sơn và các vùng lân cận ứng dụng nuôi giống hàu Thái Bình Dương. Ảnh: HT. 

Đến nay, không chỉ riêng xã đảo Long Sơn, một số khu vực nuôi trồng thủy sản khác cũng đang chuyển dần sang nuôi hàu Thái Bình Dương.

Do vậy, trên địa bàn tỉnh BR-VT cũng mở ra nhiều cơ sở sản xuất hàu giống, mỗi năm cung cấp cho người nuôi hàu thương phẩm khoảng 10 triệu giá thể có “cấy” sẵn hàu giống bám. Nguồn bố mẹ cho hàu sinh sản hoàn toàn chủ động sản xuất tại địa phương và kết hợp thêm nguồn bố mẹ ở các địa phương khác nhằm tránh cận huyết.

Anh Trần Văn Hùng, người mới triển khai nuôi hàu Thái Bình Dương trên sông Chà Và cho biết, loại hàu này dễ nuôi và phát triển rất nhanh. Những năm qua, nước sông Chà Và ô nhiễm khiến hàu đá chết hàng loạt, gây thiệt hại tiền tỉ cho người nuôi trồng. Tuy nhiên, đối với hàu Thái Bình Dương thì mức độ ảnh hưởng không nhiều.

Cũng theo các hộ nuôi ở đây, hàu Thái Bình Dương có nguồn gốc từ Nhật Bản, có giá trị kinh tế cao và khả năng thích ứng tốt với môi trường nuôi tự nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn hàu bản địa, chỉ khoảng 5 - 6 tháng nuôi là cho thu hoạch. Trong khi đó hàu truyền thống (hàu bản địa) có thời gian nuôi khá dài, từ 15 - 18 tháng mới có thể thu hoạch.

Hơn nữa, với giống hàu Thái Bình Dương, người nuôi có thể chủ động được con giống, còn hàu truyền thống thì hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, có năm thì không bám, hoặc hàu bám quá nhiều cũng không tốt.

Thu hoạch hàu. Ảnh: HT.

Thu hoạch hàu. Ảnh: HT.

Trao đổi với NNVN, ông Trương Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: Thời gian gần đây, người dân trong xã bắt đầu chọn nuôi giống hàu Thái Bình Dương và được xem là giống hàu siêu sạch. Dù nuôi loại hàu này chi phí đầu tư cao nhưng do tỷ lệ sống của hàu cao, hình thức nuôi an toàn với môi trường và người sử dụng, giá bán ổn định nên nhiều người nuôi lồng bè tại xã Long Sơn đã chuyển sang nuôi loại hàu này.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh BR-VT, diện tích nuôi hàu Thái Bình Dương đang phát triển mạnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 120 hộ thả nuôi thương phẩm, trung bình khoảng 2.000 m2/hộ, sản lượng hàng năm đạt khoảng 2.000 tấn (loại 20-30 con/kg). Nuôi hàu Thái Bình Dương treo trên bè đơn hoặc treo kết hợp trên bè nuôi cá, vốn đầu tư không nhiều, không phải cung cấp thức ăn. Cũng như các loài nhuyễn thể khác, hàu Thái Bình Dương sử dụng thức ăn bằng phương pháp lọc góp phần làm sạch môi trường nước.

Ông Trương Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Long Sơn:

“Có thể thấy, con hàu Thái Bình Dương đang là hướng đi mới của bà con của bà con trong những năm gần đây. Do vậy, tỉnh BR-VT cần sớm có định hướng phát triển, quy hoạch lại vùng nuôi để giúp nghề nuôi hàu phát triển bài bản. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý kiểm soát tốt vùng nuôi, vấn đề dịch bệnh, bảo vệ môi trường...”.

Xem thêm
Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.