| Hotline: 0983.970.780

Chủ động thích ứng thiên tai

Người dân hiến đất xây công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai

Thứ Bảy 02/12/2023 , 07:42 (GMT+7)

Đồng Nai Năm 2023, thời tiết diễn biến thất thường. Mùa khô vừa qua nhiều sông suối, hồ chứa bị cạn nước tới đáy, còn mùa mưa thì lại bị ngập lũ lớn gây thiệt hại.

Kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch 

Thời gian gần đây, nhiều trận mưa lớn kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn các huyện Tân Phú, Định Quán và Nhơn Trạch (Đồng Nai). Đặc biệt, trận mưa mới đây đã khiến gần 200 ha lúa, mì và cây lâu năm bị ngập, làm trôi và hư hại hơn 300 lồng bè nuôi cá trên sông của các hộ dân huyện Định Quán. 

Thời gian gần đây, nhiều trận mưa lớn kéo dài và xả lũ gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân. Ảnh: Minh Sáng.

Thời gian gần đây, nhiều trận mưa lớn kéo dài và xả lũ gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết: “Thiệt hại do mưa lũ, sạt lở rất lớn, chính quyền đã tuyên truyền cho người dân chủ động phòng ngừa, di dời bè cá vào nơi an toàn; gia cố, chằng chống công trình nhà ở ven sông, trên sông và thường xuyên theo dõi mực nước khi mưa lớn, triều cường... Bên cạnh đó, địa phương cũng tích cực kiểm tra, chấn chỉnh những vi phạm làm ảnh hưởng đến công tác an toàn phòng, chống thiên tai và triển khai cứu hộ nhanh nhất khi xảy ra sự cố trên địa bàn”.

Theo ông Tài, nguyên nhân lũ lụt gây sạt lở bờ sông, suối do tình trạng khai thác cát quá mức và lấn chiếm dòng chảy tác động. Do đó, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc cấp phép khai thác cát, sỏi trên sông, suối; xử lý nghiêm những công trình lấn chiếm dòng chảy, xây dựng không phép hoặc sai phép ven sông; ngăn chặn khai thác cát lậu trên các tuyến sông.

UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ mạnh; kiên quyết di dời, sơ tán dân khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở; xây dựng phương án chủ động chống sạt lở khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng cho người dân; hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời đến nơi ở mới...

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra, về lâu dài cần kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng nhà cửa, công trình ven sông. Ảnh: Minh Sáng.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra, về lâu dài cần kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng nhà cửa, công trình ven sông. Ảnh: Minh Sáng.

Theo các chuyên gia, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra, về lâu dài tỉnh Đồng Nai cần kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối, triền đồi và các vùng nuôi, cần có biện pháp hợp lý đối với việc nuôi cá lồng bè trên sông; chỉ đạo gia cố chỗ trũng ven sông, suối, những nơi có nguy cơ sạt lở cao, thậm chí có thể sử dụng bờ kè và chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn... Bên cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở và tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho chính gia đình mình và cộng đồng dân cư.

Hồ chứa về mực nước… chết

Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, do mùa khô vừa qua kéo dài, có thời điểm mực nước của hồ Trị An giảm sâu về mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua, đã tiệm cận mực nước chết. Tình trạng này cũng xảy ra với nhiều hồ chứa khác trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, hồ chứa nước Gia Măng (huyện Xuân Lộc) có thời điểm xảy ra hiện tượng mực nước hồ chạm đáy, hầu như không thể cung cấp nước phục vụ tưới tiêu. Các hồ chứa nước khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như Gia Ui, Núi Le (huyện Xuân Lộc), Suối Vọng (huyện Cẩm Mỹ)… cũng có thời điểm xuống thấp hơn mọi năm, khiến việc cung cấp nước cho các vùng sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Mùa khô vừa qua kéo dài khiến mực nước của hồ Trị An có thời điểm giảm sâu về mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Ảnh: Minh Sáng.

Mùa khô vừa qua kéo dài khiến mực nước của hồ Trị An có thời điểm giảm sâu về mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Ảnh: Minh Sáng.

Hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh đã bước vào cuối mùa mưa năm 2023, nhưng đến thời điểm này, đa số các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có dung tích trữ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm. Ông Lê Xuân Toàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai cho hay, đa số các hồ chứa thủy lợi do doanh nghiệp quản lý hiện đang trong tình trạng “khát nước”.

Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai và các địa phương cần phải chủ động xây dựng nhiều phương án, nhất là cải tạo, gia cố các hồ chứa để vừa phòng, chống bão lũ trong mùa mưa, vừa tích nước cho mùa khô vì theo dự báo mùa khô 2023-2024 sẽ đến sớm và kéo dài.

Ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi tỉnh Đồng Nai cho biết: “Mới đây đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tiến hành rà soát lại các hệ thống quy hoạch, kế hoạch phòng, chống thiên tai của tỉnh Đồng Nai. Qua đó, Đoàn đánh giá cao công tác chuẩn bị của địa phương, nhất là việc xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai đến năm 2025 và các năm tiếp theo”. Theo ông Việt, hiện ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã đưa nhiều dự án thủy lợi và phòng chống thiên tai vào trong phương án của tỉnh đến năm 2030.

Công tác nạo vét, gia cố hồ chứa, công trình thủy lợi được tỉnh Đồng Nai chú trọng triển khai trong năm nay. Ảnh: Minh Sáng.

Công tác nạo vét, gia cố hồ chứa, công trình thủy lợi được tỉnh Đồng Nai chú trọng triển khai trong năm nay. Ảnh: Minh Sáng.

Cẩm Mỹ là một trong những địa phương sớm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng, chống thiên tai, thủy lợi và kịp thời gia cố, sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo đảm an toàn cho các công trình, các khu vực xung yếu, trọng điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, tràn bờ. Triển khai nạo vét, khai thông dòng chảy, đồng thời vận động nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, lòng sông, suối, kênh, rạch, tránh làm ách tắc dòng chảy, hạn chế đến việc tiêu thoát nước.

Ông Lê Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết: “Chúng tôi vận động người dân hiến đất để xây dựng các công trình thủy lợi, tiêu thoát lũ theo phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đồng thời cắm mốc cảnh báo các khu vực ngập lụt tại những khu vực xung yếu trên địa bàn các xã. Hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân các biện pháp chằng chống nhà cửa an toàn nhằm phòng tránh tốc mái, sụp đổ khi xảy ra dông, gió, lốc xoáy”.

Các địa phương tiến hành nạo vét, khai thông dòng chảy, đồng thời vận động nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, lòng sông, suối, kênh, rạch, tránh làm ách tắc dòng chảy, hạn chế đến việc tiêu thoát nước. Ảnh: Minh Sáng.

Các địa phương tiến hành nạo vét, khai thông dòng chảy, đồng thời vận động nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, lòng sông, suối, kênh, rạch, tránh làm ách tắc dòng chảy, hạn chế đến việc tiêu thoát nước. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Tưởng, hiện các hồ chứa trên địa bàn huyện có mực nước thấp hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả với tình trạng  thiếu nước, xâm nhập mặn nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn không bị thiệt hại. Trong năm 2023, huyện đã đầu tư xây dựng và duy tu, sửa chữa 6 công trình thủy lợi bằng nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi với tổng kinh phí thực hiện là 6,5 tỷ đồng.

Trao đổi với NNVN, ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Qua kiểm tra thực tế tại một số hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, các địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa đã chủ động trong công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên, kiểm tra, phát dọn cỏ cây khu vực công trình; đồng thời lập hồ sơ kiểm định an toàn các hồ, đập...”.

Trong những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn Đồng Nai được cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Nhiều biện pháp hiệu quả trong phòng chống thiên tai đã được triển khai, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản…

"Để đảm bảo an toàn cho hồ, đập trong mùa mưa lũ, yêu cầu các địa phương phải thực hiện khẩn trương kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành; thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập; lập và thực hiện phương án ứng phó thiên tai cũng như các tình huống khẩn cấp…", ông Trần Đình Minh nhấn mạnh.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.