| Hotline: 0983.970.780

Dựa vào cộng đồng để hàn gắn 'vết thương' do thiên tai

Thứ Sáu 17/11/2023 , 10:06 (GMT+7)

KIÊN GIANG Các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đã giúp giảm thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang cho biết, từ năm 2021, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” đến năm 2030 trên địa bàn. 

Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đã kịp thời, khẩn trương hỗ trợ đưa người bị thương đến bệnh viện điều trị, dựng lại nhà ở và dọn dẹp nhà sập, tốc mái, cây cối, đường điện đổ ngã. Ảnh: Trung Chánh.

Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đã kịp thời, khẩn trương hỗ trợ đưa người bị thương đến bệnh viện điều trị, dựng lại nhà ở và dọn dẹp nhà sập, tốc mái, cây cối, đường điện đổ ngã. Ảnh: Trung Chánh.

Theo đó, hàng năm địa phương đã mở nhiều lớp tập huấn cho người dân về kỹ năng phòng chống thiên tai, tổ chức các cuộc diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, mưa bão.

Cụ thể, trong năm 2022 đã triển khai 7 lớp tập huấn “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” tại huyện đảo Kiên Hải và huyện biên giới Giang Thành. Đồng thời, triển khai 2 cuộc diễn tập công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quy mô cấp xã tại xã Bình Trị (huyện Kiên Lương) và xã Mỹ Thái (huyện Hòn Đất). Năm 2023 đã triển khai 5 lớp tập huấn cũng tại huyện Kiên Hải và Giang Thành. Triển khai 1 cuộc diễn tập tại xã Hòa Điền (huyện Kiên Lương).

Mục tiêu của Đề án là nhằm nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Qua đó, góp phần xây dựng cộng đồng cấp huyện, cấp xã an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đa số người dân nhằm góp phần thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường do thiên tai gây ra.

Thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, hàng năm UBND tỉnh Kiên Giang ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch, phương án chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả các loại hình thiên tai. Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, huy động lực lượng, vật tư, xác định các vị trí xung yếu để có phương án bảo vệ công trình trọng điểm.

Hàng năm, các cấp, ngành tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm đánh giá kết quả thực hiện và rút ra những bài học kinh nghiệm, xây dựng triển khai kế hoạch năm tiếp theo. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Chủ động ứng phó với thiên tai

Trước mùa mưa bão hàng năm, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ động phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, tổ chức huy động lực lượng, vật tư, xác định các vị trí xung yếu để có phương án bảo vệ công trình trọng điểm.

Đồng thời, yêu cầu các ngành, các địa phương chủ động phòng, chống và ứng phó sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ, cũng như tập trung khắc phục hậu quả thiên tai và chủ động ứng phó với mưa lớn trên địa bàn. Tích cực tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc công tác chuẩn bị, phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ông Lâm Minh Thành (thứ 3 từ phải qua), Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trực tiếp chỉ huy khắc phục hậu quả giông lốc xảy ra tại xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, gặp gỡ động viên thân nhân những người bị nạn và hỗ trợ điều trị những người bị thương tích. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lâm Minh Thành (thứ 3 từ phải qua), Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trực tiếp chỉ huy khắc phục hậu quả giông lốc xảy ra tại xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, gặp gỡ động viên thân nhân những người bị nạn và hỗ trợ điều trị những người bị thương tích. Ảnh: Trung Chánh.

Từ đầu năm 2023 đến nay, đã có nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Mặc dù tỉnh Kiên Giang không bị ảnh hưởng trực tiếp từ những cơn bão này nhưng chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão gây giông gió mạnh, mưa lớn trên diện rộng, lốc xoáy xảy ra ở nhiều nơi, biển động mạnh.

Các hình thái thời tiết cực đoan nêu trên đã gây thiệt hại khá lớn về người, tài sản, sản xuất và đời sống nhân dân. Do khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nông thôn còn ở mức thấp, nhất là nhà ở của dân còn nhiều nhà bán kiên cố, không kiên cố… nên các thiệt hại do ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy là không thể tránh khỏi.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng của bão đã làm sập 142 căn ở các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng và TP Rạch Giá. Tốc mái, hư hỏng 317 căn ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Ngoài ra, do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, sóng to, gió lớn đã làm chìm 12 phương tiện trên biển, chủ yếu là tàu đánh cá của ngư dân. Mưa bão cũng đã làm cho tình hình sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, như lúa hè thu 2023 bị ngập tạm thời, đổ ngã trên 15.500 ha. Lúa thu đông 2023 bị ngập tạm thời, đổ ngã khoảng 17.570 ha, gây khó khăn cho công tác thu hoạch, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa sau thu hoạch.

Khi thiên tai xảy ra, tỉnh đã huy động nhiều lực lượng tham gia giúp người dân khắc phục hậu quả. Cụ thể, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã điều động 79 lượt cán bộ, chiến sĩ, 1 lượt tàu tham gia cứu hộ, cứu nạn 12 trường hợp gặp nạn trên biển. Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân huy động 1 lượt tàu, 20 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia ứng cứu 1 ngư dân bị trôi dạt và 2 tàu cá của người dân bị tai nạn trên biển.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh điều động 51 lượt cán bộ, chiến sỹ, 879 dân quân tự vệ tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh. Các địa phương thường xuyên chuẩn bị, sẵn sàng các lực lượng tại chỗ như công an, quân sự, thanh niên, dân quân tự vệ, công chức,…, đặc biệt là lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, luôn sẵn sàng khi có tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn.

Tập trung đầu tư công trình cấp bách

Làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh đã kiến nghị Chính phủ xem xét, bố trí vốn cho dự án đầu tư kè chống sạt lở giai đoạn 2023-2024 đối với các địa bàn, tuyến dân cư ven biển. Các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cứu hộ phục vụ phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Kiên Giang đã mở nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, nhờ đó đã giúp giảm thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Ảnh: Trung Chánh.

Kiên Giang đã mở nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, nhờ đó đã giúp giảm thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Ảnh: Trung Chánh.

Cụ thể, theo Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, trong đó có danh mục dự án đầu tư kè chống sạt lở kênh xáng Chắc Băng (huyện Vĩnh Thuận), phân loại sạt lở là đặc biệt nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh chưa được Trung ương bố trí kinh phí để thực hiện. Do đó, đề nghị Trung ương quan tâm xem xét, bố trí vốn ngân sách cho dự án đầu tư kè chống sạt lở nêu trên để thực hiện triển khai trong giai đoạn 2023-2024, với kinh phí là 277 tỷ đồng.

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình thiên tai các tháng cuối năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện nhiều và có thể ảnh hưởng đến vùng phía Nam Biển Đông trong các tháng cuối năm. Hiện tượng El Nino ảnh hưởng mạnh từ mùa khô 2023 - 2024 nên tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ xảy ra ở cấp độ cao, trên phạm vi rộng, kéo dài từ mùa khô năm 2023 - 2024 đến năm 2025.

Điển hình như ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 1, số 2, số 3 vừa qua, đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đã kịp thời, khẩn trương hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà sập, tốc mái, cây cối, đường điện đổ ngã. Hỗ trợ đưa người bị thương đến bệnh viện điều trị, dựng lại nhà ở và nhiều hoạt động khác được UBND tỉnh, Ban Chỉ huy các cấp đánh giá rất hiệu quả, thiết thực.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.