| Hotline: 0983.970.780

An toàn hồ đập và hạ du là nhiệm vụ hàng đầu

Thứ Hai 20/11/2023 , 06:22 (GMT+7)

Công tác vận hành điều tiết nước vừa đảm bảo an toàn hồ đập, vừa an toàn cho người dân vùng hạ du được Công ty Thủy lợi Ninh Thuận đặt lên hàng đầu.

Hồ Sông Cái có dung tích 219 triệu m3 được Công ty Thủy lợi Ninh Thuận xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó với mưa lũ. Ảnh: MP.

Hồ Sông Cái có dung tích 219 triệu m3 được Công ty Thủy lợi Ninh Thuận xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó với mưa lũ. Ảnh: MP.

Đảm bảo an toàn hồ đập

Ông Phùng Đình Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận (Công ty Thủy lợi Ninh Thuận) cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 22 hồ chứa thủy lợi, tổng dung tích thiết kế đạt 414 triệu m3. Tính đến ngày 15/11, lượng nước trong các hồ chứa đạt 325 triệu m3, trong đó hồ Sông Cái có dung tích 219,8 triệu m3, hiện đạt 196 triệu m3.

Là địa phương thường xuyên xuất hiện khô hạn, mùa mưa chỉ kéo dài khoảng 3 tháng nhưng nhiệm vụ phòng, chống thiên tai luôn được Công ty Thủy lợi Ninh Thuận đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo an toàn cho hồ đập, đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du trong tình huống khẩn cấp phải điều tiết nước từ các hồ chứa. Theo đó, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó khẩn cấp đối với 22 hồ chứa hàng năm đều được xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện.

“Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường nhất là mưa lớn trong thời gian ngắn, lượng nước đổ về lớn và nhanh, nếu không có kịch bản ứng phó sẽ không kịp trở tay”, ông Phùng Đình Thanh nói và cho biết, từ tháng 7 Công ty đã tổ chức các cuộc họp với các địa phương và đơn vị liên quan để thống nhất quy chế phối hợp về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.

Hệ thống đo mưa tự động được Công ty Thủy lợi Ninh Thuận lắp đặt tại hồ chứa Sông Sắt nhằm ứng phó với thiên tai. Ảnh: Mai Phương.

Hệ thống đo mưa tự động được Công ty Thủy lợi Ninh Thuận lắp đặt tại hồ chứa Sông Sắt nhằm ứng phó với thiên tai. Ảnh: Mai Phương.

Để đảm bảo an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ, Công ty Thủy lợi Ninh Thuận đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo dõi từng địa bàn cụ thể. Khi có mưa lớn Công ty phân công lãnh đạo các Trạm thủy nông túc trực 24/24 giờ để chỉ đạo công nhân viên tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các hồ chứa.

Bên cạnh đó, Công ty chủ động phối hợp với Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy lợi và các địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ. Chủ trì phối hợp với các địa phương họp thống nhất quy chế phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương vùng hạ du chịu ảnh hưởng khi các hồ vận hành điều tiết xả nước để đúc rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đồng thời thống nhất kế hoạch phối hợp hành động khi có thiên tai xảy ra.

Đối với các hồ chứa vận hành điều tiết xả lũ bằng cửa van, Công ty thường xuyên thực hiện công tác bảo dưỡng và vận hành thử tất cả các thiết bị xả lũ. Kiểm tra và tu sửa kịp thời các thiết bị cơ khí của tràn xả lũ bị hư hỏng. Trang bị đầy đủ máy phát điện, bình ắc quy để phục vụ công tác dự phòng trong trường hợp mất điện. Chuẩn bị tại kho và các hồ, đập các loại vật tư, vật liệu dự phòng, dụng cụ, trang thiết bị và nhu yếu phẩm cần thiết đủ cho sinh hoạt từ 15-20 ngày khi có sự cố bị chia cắt trong mùa mưa lũ.

“Chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra an toàn đập, hồ chứa nước để phát hiện hư hỏng, kịp thời tu sửa nhằm đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Xây dựng các phương án bảo vệ đập, hồ chứa, ứng phó thiên tai và các tình huống khẩn cấp theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước để kịp thời chủ động khi có mưa lũ xảy ra”, ông Phùng Đình Thanh nói và cho biết, Công ty đẩy mạnh lắp đặt thiết bị cảnh báo thông tin khi hạ mực nước trong hồ chứa. Chủ động khai thác, vận hành hiệu quả các thiết bị quan trắc lượng mưa, mực nước tự động ở các hồ chứa và các đập dâng; ứng dụng phần mềm cảnh báo sớm Sông Dinh phục vụ công tác điều tiết, vận hành xả lũ các hồ chứa.

Thông báo trước 6 tiếng khi điều tiết nước

Xã Phước Hải, huyện Ninh Phước là địa phương ở cuối vùng hạ du nên mỗi khi xuất hiện mưa lũ hay hồ chứa tăng cường xả nước để hạ mực nước trong hồ thường bị ngập lụt. Tuy nhiên nhờ phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, đặc biệt là với Công ty Thủy lợi Ninh Thuận nên đã giảm thiệt hại tối đa tài sản của người dân.

Ông Nguyễn An Hòa, Chủ tịch UBND xã Phước Hải cho biết, trước khi xả nước, Công ty Thủy lợi Ninh Thuận đều có thông báo đến các Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương vùng hạ du chịu ảnh hưởng trực tiếp trước 6 giờ để chuẩn bị nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản, thực hiện đúng, đủ nội dung trong quy chế phối hợp đã đề ra tại các hồ chứa.

Xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước cũng nằm ở vùng cuối nguồn, mỗi khi có mưa lớn hay hồ chứa hạ mực nước thường bị ngập đồng ruộng. Ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu cho biết, địa phương nằm trên hệ thống sông Lu, sông này nằm trong vùng xả nước của hồ chứa Tân Giang và một số hồ chứa khác, mỗi khi mưa lớn hay xả nước thường gây ngập.

“Để triển khai kịp thời các chỉ đạo, các bản tin cảnh báo thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ninh Phước đã lập nhóm trên Zalo có sự tham gia của lãnh đạo, phòng ban của huyện, lãnh đạo các xã, Công ty Thủy lợi Ninh Thuận. Do đó, mỗi khi có văn bản, thông báo đều được đưa lên nhóm, giúp chúng tôi nắm bắt kịp thời để triển khai công tác ứng phó tại địa phương”, ông Đặng Ngọc Bình nói và cho biết, trên cơ sở các thông tin về thiên tai, địa phương nhanh chóng ra thông báo gửi các thôn và phát trên hệ thống truyền thanh của xã để người dân nắm được thông tin. Từ đó chủ động bảo vệ tài sản của mình, giảm thiểu tối đa thiệt hại cây trồng, vật nuôi, nhất là không có thiệt hại về người.

Ông Lê Phạm Hòa Bình, Phó Giám đốc Phụ trách Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận cho biết, trong mùa mưa lũ, công tác vận hành điều tiết hạ mực nước các hồ chứa do Công ty quản lý vừa đảm bảo an toàn đập, vừa đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du được Công ty đặc biệt quan tâm.

Hồ Tân Giang khi điều tiết nước được Công ty Thủy lợi Ninh Thuận thông báo cho chính quyền địa phương trước 6 tiếng. Ảnh: Mai Phương.

Hồ Tân Giang khi điều tiết nước được Công ty Thủy lợi Ninh Thuận thông báo cho chính quyền địa phương trước 6 tiếng. Ảnh: Mai Phương.

Theo đó, căn cứ vào các bản tin dự báo mưa lũ của Đài Khí tượng thủy văn, các thông tin quan trắc tại đầu mối hồ chứa và kinh nghiệm vận hành nhiều năm. Đối với một số hồ chứa thường có lưu lượng lũ về lớn như: hồ Tân Giang, hồ Trà Co, hồ Sông Cái được Công ty ra quyết định vận hành hạ mực nước sớm để đón lũ, từ đó giảm lượng nước xả về hạ du trong trường hợp hạ du có mưa lớn, phát huy hiệu quả cắt giảm lũ của các hồ chứa, đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du.

Cùng với đó, Công ty tập trung xả nước vào ban ngày, hạn chế lưu lượng xả lớn vào ban đêm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn, chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra.

“Chúng tôi tận dụng tối đa dung tích phòng lũ thiết kế của hồ chứa để điều tiết lũ, giảm lưu lượng xả về hạ du khi hạ du có mưa lớn, ngập lụt. Vào mỗi đợt vận hành tăng, giảm độ mở các cửa xả tràn, Công ty đều thông tin kịp thời cho các địa phương trực tiếp qua điện thoại, email… Sau khi kết thúc mỗi đợt xả, Công ty sẽ có thông báo cho địa phương để người dân hoạt động sản xuất trở lại bình thường”, ông Lê Phạm Hòa Bình, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận, cho biết.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.