Theo dự báo của rung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cơn bão Noru sẽ đi vào biển Đông vào đêm 25/9, rạng sáng ngày 26/9 và trở thành cơn bão số 4 trong năm 2022. Cường độ bão mạnh cấp 13, giật cấp 16 và tiếp tục duy trì cường độ trong ngày 27/9.
Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi được dự báo là vùng tâm bão sẽ đi qua. Trước nguy cơ này, hàng ngàn hộ dân ven biển, hải đảo ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tất bật các phương án ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.
Tại phường Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) trong sáng và chiều nay, nhiều người dân vẫn đang hối hả chằng chống nhà cửa, tháo dỡ các vật dụng, thiết bị điện, gia cố mái nhà ở, nhà hàng bằng những bao cát đề phòng bị bão thổi bay.
Bên cạnh đó, các nhân viên nhà hàng, resort tại khu vực này cũng đã bắt đầu thu dọn chòi tranh, bàn ghế phục vụ khách du lịch đưa vào khu vực an toàn nhằm tránh sự tàn phá của gió bão.
Ông Lê Hưng Thắng (trú khối phố Phước Tân, phường Cửa Đại) có nhà cách bờ biển Cửa Đại khoảng 100m cho biết, 2 ngày qua, nghe tin có bão lớn, ông và những hộ dân xung quanh liên tục theo dõi tin tức, đường đi của cơn bão.
“Ở đây hầu như năm nào cũng hứng chịu các cơn bão, nhận định cơn bão Noru sắp tới sẽ rất lớn nên ai cũng lo lắng. Đến sáng nay, gia đình tôi đã khẩn trương ra biển xúc cát, chuẩn bị dây chằng néo nhà cửa, đưa các vật dụng cất vào nơi kiên cố. Việc ứng phó này phải thực hiện sớm chứ lúc bão vào không thể nào xoay xở kịp”. ông Thắng nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, để ứng phó với cơn bão Noru, trong sáng nay, UBND TP Hội An đã tổ chức cuộc họp Ban chỉ huy phòng chống thiên tai để triển khai các nhiệm vụ cụ thể.
Theo đó, trong ngày hôm nay và ngày mai, địa phương này sẽ tập trung vào thông tin tuyên truyền về diễn biến cũng như mức độ của bão số 4. Hiện nay, toàn bộ tàu thuyền ở TP Hội An đã về bờ và đang sắp xếp neo đậu tại các khu tránh trú bão của thành phố.
“Bên cạnh đó, chúng tôi vận động, hướng dẫn nhân dân hỗ trợ đối với những hộ neo đơn khó khăn chằng chống nhà cửa, kê dọn bảo vệ tài sản, chặt tỉa cây xanh, tháo dỡ các pano quảng cáo lớn nhằm đảm bảo an toàn cho các trụ viễn thông. Đồng thời rà soát, kiểm tra lại các phương án sẵn sàng sơ tán dân theo cấp độ”, ông Hùng nói.
Còn tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Lý Sơn, hiện trên địa bàn có 725 phương tiện các loại như tàu cá, tàu vận tải, tàu khách, ca nô. Trong đó, tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 32 tàu với 414 lao động, tất cả đều đã được liên lạc và hướng dẫn di chuyển vào khu vực tránh trú.
Đối với lồng bè nuôi trồng thủy sản, huyện Lý Sơn hiện có 51 lồng bè neo ở khu nuôi trồng thủy sản, cách cửa vũng neo trú tàu thuyền An Hải lý Sơn 500m.
Xác định Lý Sơn là nơi chịu tác động đầu tiên khi cơn bão số 4 vào biển Đông, hiện nay người dân tại đây cũng đang rất chủ động trong công tác ứng phó. Ở những điểm nhà cửa xung yếu, người dân được sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng như bộ đội, dân quân tự vệ vận chuyển các bao cát lớn gia cố lại mái nhà, chặt các cành cây xanh có nguy cơ ngã đổ ảnh hưởng đến tài sản.
Trên khu vực vùng biển, tàu thuyền của ngư dân cũng đang sắp xếp lại nơi neo đậu, néo tàu thuyền chắc chắn tránh va đập làm hư hỏng. Ngoài ra, các hộ nuôi trồng thủy sản cũng khẩn trương thu dọn lồng bè để kéo vào nơi trú tránh trước trưa ngày mai.
Ông Huỳnh Ngọc Thảo (trú thôn Đông An Hải, Lý Sơn) có 2 bè nuôi cá bớp với 50 ao lồng cho biết, trước nguy cơ bão mạnh đang di chuyển vào biển Đông, ông và các hộ dân đang khẩn trương đưa các lồng bè nuôi thủy sản vào vũng neo đậu. “Chắc đến ngày mai mới có thể đưa hết các lồng bè vào nơi trú, đến cuối ngày hôm nay, cố gắng lắm chắc cũng mới di chuyển được 1 nửa số lồng nuôi thôi”, ông Thảo nói.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thông tin, đến trưa mai, huyện sẽ thực hiện xong hết công tác chuẩn bị ứng từ chằng chống nhà cửa, neo trú tàu thuyền, lồng bè, chặt tỉa cây xanh. Đối với địa phương hầu như không cần phải di dời dân mà chỉ thông báo với người dân có nhà không kiên cố sơ tán qua những nhà an toàn hoặc các trụ sở, cơ quan để tránh trú.
“Trong 32 tàu của huyện đang hoạt động thì có 2 tàu vừa vào bờ, 29 tàu còn lại đã liên hệ trực tiếp, hướng dẫn đường đi để họ vào nơi trú ẩn an toàn. Còn về lồng bè thì trong sáng mai sẽ vào hết vũng neo đậu. Quan điểm của huyện là nếu các tàu thuyền, lồng bè không chấp hành theo phương án ứng phó thì sẽ tiến hành cưỡng chế”, bà Hương nói.