| Hotline: 0983.970.780

Người dân Kon Plông bất an vì động đất liên tục

Thứ Sáu 22/04/2022 , 17:58 (GMT+7)

Sau khi kiểm tra thực tế, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai vẫn chưa có kết quả về nguyên nhân xảy ra động đất ở Kon Tum.

Đoàn công tác đi kiểm tra động đất tại khu vực Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh Đăng Lâm.

Đoàn công tác đi kiểm tra động đất tại khu vực Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh Đăng Lâm.

Người dân hoang mang, lo sợ

Trong 2 ngày 20 và 21/4, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai thành lập đoàn công tác do ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai kiêm Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai làm trưởng đoàn đã đến tìm hiểu thực tế tại Nhà máy và khu vực lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum ở địa bàn 2 xã Ngọc Tem và Đăk Tăng (huyện Kon Plông).

Ngoài ra, đoàn công tác cũng đã đến kiểm tra thực tế tại một số địa phương được xác định là vùng tâm chấn của các trận động đất diễn ra gần đây. Trong các buổi làm việc, đoàn công tác đã rất khẩn trương xác định nguyên nhân dẫn tới động đất, song phải thận trọng và trên cơ sở khoa học.

Theo báo cáo của UBND huyện Kon Plông, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 53 vụ động đất có cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 0 đến cấp 1, độ lớn chủ yếu dưới 4.0 độ richter. Riêng trận động đất xảy ra lúc 12 giờ 54 phút ngày 18/4 có độ lớn 4,5 độ richter là cao nhất.

Tính đến thời điểm hiện nay, các trận động đất chưa gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, trong nhân dân có sự lo lắng bất an nhất định. Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền kịp thời về mức độ rủi ro và biện pháp phòng tránh, để người dân an tâm, không dao động.

Động đất làm xuất hiện những vết nứt trong nhà người dân. Ảnh Đăng Lâm.

Động đất làm xuất hiện những vết nứt trong nhà người dân. Ảnh Đăng Lâm.

Những ngày qua người dân tại khu vực huyện Kon Plông luôn sống trong nỗi nơm nớp lo sợ trước khi tần suất động đất ngày một dày hơn. Đặc biệt, với gần 170 hộ dân thôn Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) sinh sống tại khu tái định cư Thuỷ điện Thượng Kon Tum trên triền núi cao thì nỗi sợ hãi còn tăng thêm gấp bội.

Vẫn chưa hết bàng hoàng với những vụ động đất, chị Y Thát (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) cho biết, cứ mỗi lần xảy ra các vụ động đất, gia đình chị rất sợ. Nhất là buổi đêm ngủ không biết chạy đi đâu, rồi sợ ngói rớt xuống.

Không chỉ riêng chị Y Thát, nhiều người dân nơi đây đều cảm thấy lo sợ khi thường xuyên xảy ra tình trạng rung lắc. Có những ngày diễn ra nhiều lần và có cường độ lớn, làm cho đồ đạc trong nhà rơi vãi xuống sàn, người dân lo sợ, bất an. Qua những trận động đất gần đây đã xuất hiện những vết nứt rạn kéo dài trên sàn nhà. Đặc biệt, nhiều ngôi nhà được xây dựng chênh vênh bên mép vực sâu nên rung chấn làm tăng nguy cơ sạt đổ.

Ông Nguyễn Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông), cho biết, khi xảy ra động đất, đã có không ít hộ tỏ ra lo lắng, bất an. Trước vấn đề đó, chính quyền cử cán bộ xuống trấn an người dân. Về lâu dài mong cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân để nhân dân an tâm.

Khu vực lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh Đăng Lâm.

Khu vực lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh Đăng Lâm.

Tăng cường cảnh báo để chủ động ứng phó

Với công suất thiết kế 220MW, dung tích hồ chứa trên 145 triệu m3 nước, Thủy điện Thượng Kon Tum đang được xem là một trong những yếu tố có thể liên quan đến việc gia tăng các trận động đất và rung chấn thời gian gần đây tại huyện Kon Plông.

Trả lời vấn đề này, ông Trần Công Đàm, Giám đốc Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum, thuộc Chi nhánh Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cho biết, Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã xác nhận, tâm chấn động đất nằm cách xa thủy điện Thượng Kon Tum trên 30 km. Tại hồ nước Thượng Kon Tum cũng đã tích nước 1 năm rồi mới phát hiện rung chấn động đất.

“Động đất là vấn đề tương đối mới, nên trong thời gian tới, công ty sẽ phối hợp với Viện Vật lý địa cầu và các đơn vị có kinh nghiệm ứng phó với động đất để nắm bắt thông tin, xây dựng phương án thực tiễn hơn”, ông Đảm cho biết.

Những căn nhà nằm bên vách núi nên rung chấn làm tăng nguy cơ sạt đổ. Ảnh Đăng Lâm.

Những căn nhà nằm bên vách núi nên rung chấn làm tăng nguy cơ sạt đổ. Ảnh Đăng Lâm.

Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai kiêm Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, thời gian gần đây, nhất là năm 2021 và đầu năm 2022 tình hình động đất ở khu vực huyện Kon Plông đã gia tăng về cường độ và tần suất.

Đặc biệt trong ngày 18/4 vừa qua, đã xảy ra trận động đất có cường độ 4,5 độ richter. Trận động đất này vẫn thấp hơn 1 chút so với trận động đất diễn ra cách đây 10 năm tại Thủy điện Sông Tranh 2. Qua kiểm tra thực tế, chưa có thiệt hại về người và ít thiệt hại về tài sản. Thế nhưng, với sự gia tăng về cường độ và tần suất của các vụ động đất, đã làm cho tâm lý của người dân có phần bất an, lo lắng.

Để xác định được nguyên nhân động đất cần phải xác định được nguyên nhân để có những đánh giá cụ thể. Đánh giá sơ bộ thấy rằng, việc huyện Kon Plông gia tăng xảy ra động đất trùng với thời điểm các nhà máy thủy điện tích nước tuy không lớn nhưng có thể xem là một trong những nguyên nhân khiến động đất ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tác động đến đâu và có phải do thủy điện gây ra hay không cần phải có nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn để có những kết quả chính xác nhất.

Theo ông Quang, khi xảy ra động đất, chính quyền địa phương cũng đã rất tích triển khai đến các xã để từ đó trang bị những kiến thức, kỹ năng sẵn sàng ứng phó với động đất.

Tuy nhiên, các địa phương và các nhà máy thủy điện cũng chưa có phương án ứng phó kịp thời về động đất. Chính vì vậy, trong thời gian tới, huyện Kon Plông cần chủ động hơn trong việc ứng phó với động đất thông qua các hướng dẫn ban hành và đặc biệt cần học tập kinh nghiệm của các địa phương đã từng xảy ra động đất như huyện Nam Trà Mi hay Thủy điện Sông Tranh (Quảng Nam).

“Trong thời gian tới, Viện Vật lý địa cầu khẩn trương tăng cường các trang thiết bị để cảnh báo, đưa ra nhưng thông tin nhận định sớm nhất về động đất để cho chính quyền địa phương chủ động ứng phó. Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan kiểm tra, rà soát lại các công trình xây dựng có thể tác động dẫn đến việc động đất để có phương án xử lý kịp thời”, ông Quang chia sẻ.

Ông Văn Tất Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kon Tum cho biết, qua công tác kiểm tra thực tế trong những ngày qua chúng tôi đề nghị đoàn công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cần đôn đốc các bộ, ngành liên quan xúc tiến ngay vào công tác nghiên cứu, đánh giá tình hình động đất trên địa bàn huyện Kon Plông. Từ đó, sớm đưa ra khái quát các nguyên nhân để cảnh báo cho chính quyền địa phương xây dựng các phương án ứng phó kịp thời.

Ngoài ra, cần phải rà soát lại các mạng lưới quan trắc để từ đó đưa ra được các mức độ khác nhau về khả năng xảy ra động đất để cảnh báo đến các đơn vị và người dân.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cầm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.