Ở huyện Bắc Quang, có những cây chè Shan cổ thụ cả trăm năm tuổi. Đó là những vùng chè cổ ở các xã Tân Lập, Tân Thành, Đức Xuân và Tiên Kiều. Nơi đây, cây chè được xác định là một trong 5 loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế.
Hiện nay, tổng diện tích chè trên địa bàn huyện Bắc Quang là 5.735ha, trong đó diện tích thu hoạch đạt 5.454ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 26.000 tấn. Diện tích chè Shan tuyết có 1.485ha chiếm 25,9% tổng diện tích chè.
Xã Tân Lập là địa phương có diện tích chè Shan lớn bậc nhất của huyện Bắc Quang, với tổng diện tích 453ha chè Shan tuyết, trong đó 395ha đang cho thu hoạch, giúp nhiều hộ tăng thu nhập từ 15 đến trên 20 triệu đồng/ha/vụ,... Cây chè nơi đây tập trung nhiều nhất tại các thôn Khá Thượng, Khá Trung 107ha, thôn Chu Thượng 80ha…
Ông Triệu Chàn Phú, người dân tộc Dao, thôn Chu Thượng, xã Tân Lập, huyện Bắc Quang cho biết, toàn thôn hiện có gần 100 hộ gia đình dân tộc Dao sinh sống, diện tích chè Shan Tuyết đang cho thu hái trên 80/80ha. Trong đó có hàng nghìn cây chè vài chục đến cả trăm năm tuổi. Những cây chè cổ thụ này thường có giá bán chè búp tươi luôn cao gấp nhiều lần so với giá chè búp tươi ở vùng khác.
Ông Phú cũng cho biết, hiện giá bán chè búp loại 1 tôm, 2 lá là 20.000 - 25.000 đồng/kg, loại búp bán để chế biến Bạch trà có đầu búp phủ đầy tuyết đang được thu mua từ 250.000 - 270.000 đồng/kg. Còn lại, giá bán xô để các cơ sở chế biến thu mua làm chè cấp thấp cũng đang dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Cây chè ở Chu Thượng đang mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho người dân.
Xã Hùng An không sở hữu nhiều diện tích chè Shan tuyết cổ thụ như địa phương khác của huyện Bắc Quang. Ở đây chủ yếu các giống cây chè hạt, chè cành. Thế nhưng, cây chè cũng có vai trò rất lớn trong đời sống kinh tế của bà con. Đây cũng là địa phương có số lượng HTX, doanh nghiệp đầu tư vào chề biến chè nhiều nhất huyện Bắc Quang.
Công ty Cổ phần chè Hùng An hằng năm thường xuyên duy trì sản xuất, chế biến, tiêu thụ trên 1.800 tấn chè thành phẩm, tạo công ăn, việc làm ổn định cho 70 lao động. Công ty hiện có hơn 20 loại sản phẩm chè sau chế biến, gồm: chè xanh phục vụ nội tiêu truyền thống, chè đen xuất khẩu sang thị trường Âu, Mỹ, chè Matcha sang Nhật làm thực phẩm, mỹ phẩm…
Ông Hoàng Giang, Chủ tịch UBND xã Hùng An, huyện Bắc Quang cho biết, hiện nay toàn xã có 803ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 12.000 tấn/năm. Xã cũng đã xây dựng và duy trì được hơn 500ha chè đạt chuẩn VietGAP. Những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều hơn các mô hình chè theo chuẩn hữu cơ, VietGAP năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thay đổi tập quán canh tác sản xuất nhỏ lẻ, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, phục vụ nhu cầu, tín hiệu của thị trường.
Sản xuất chè theo quy trình VietGAP, hữu cơ được người dân ở huyện Bắc Quang ngày càng quan tâm thực hiện tốt, nhờ đó năng suất và giá trị sản phẩm chè được tăng lên. Hiện tại, Bắc Quang có trên 2.400ha chè được cấp chứng nhận VietGAP và 595ha được cấp chứng nhận hữu cơ.
Bà Mai Thị Giang, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Bắc Quang, Hà Giang cho biết, dù đã có nhiều khởi sắc về giá trị và thương hiệu, song để nâng tầm sản phẩm chè ở Bắc Quang sự liên kết sản xuất giữa nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý luôn được huyện trăn trở. Đó cũng là một trong những hướng đi mà chính quyền địa phương đang tập trung hướng tới.