| Hotline: 0983.970.780

Cởi trói cây dược liệu

Tiềm năng lớn về cây dược liệu, nhưng vẫn loay hoay

Thứ Năm 13/05/2021 , 13:55 (GMT+7)

Với điều kiện sẵn có, Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu trở thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

3 năm, trồng mới hơn 4.500 ha cây dược liệu

Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Hà Giang có hơn 17.120 ha cây dược liệu, trong đó diện tích cây dược liệu được ưu tiên phát triển là 193 ha, cây trồng thử nghiệm là 17 ha. Với tổng kinh phí đầu tư hơn 37.300 tỷ đồng.

Dù đã có những bước tiến, song việc trồng cây dược liệu ở Hà Giang vẫn chưa thực sự phát triển xứng với tiềm năng. Ảnh: Lê Hoàn.

Dù đã có những bước tiến, song việc trồng cây dược liệu ở Hà Giang vẫn chưa thực sự phát triển xứng với tiềm năng. Ảnh: Lê Hoàn.

Giai đoạn 2018 - 2020, vùng nguyên liệu cây dược liệu ở Hà Giang phát triển mạnh mẽ. Chỉ tính riêng trong 3 năm này, toàn tỉnh đã thực hiện trồng mới được 4.500 ha, đạt 112% kế hoạch đề ra. Tỉnh Hà Giang cũng đã triển khai chương trình trồng cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO được Cục quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) công nhận với 2 cây dược liệu là bạch chỉ và phòng phòng.

Cây dược liệu phát triển ở hầu khắp các địa phương của tỉnh Hà Giang, nhưng nhiều nhất phải kể đến các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Xín Mần, Đồng Văn. Đây cũng là vùng có điều kiện thổ nhưỡng lý tưởng cho những loài dược liệu quý như: Lan kim tuyến, ba kích tím, hà thủ ô đỏ, đương quy, thất diệp nhất chi mai… phát triển.

Năm 2020, tổng doanh thu từ dược liệu trên địa bàn huyện Quản Bạ đạt trên 100 tỷ đồng, trong đó, nguồn thu chủ yếu từ thảo quả khoảng 48 tỷ đồng, 50 tỷ đồng từ các loại cây giảo cổ lam, ấu tẩu, hương thảo, hà thủ ô và các thảo dược khác...

Với giá trị kinh tế cao và năng suất, sản lượng ổn định, trong năm 2019 - 2020, ngành nông nghiệp huyện Quản Bạ tiếp tục triển khai kế hoạch trồng mới 500 ha cây dược liệu, gồm: Atiso, đương quy, mã đề, ấu tẩu, thiên môn đông, bồ công anh... Đồng thời, chú trọng chăm sóc tốt 2.400 ha cây dược liệu hiện có, gồm thảo quả, hương thảo, actiso và các cây dược liệu khác.

Tại huyện Xín Mần, hiện nay cây dược liệu được huyện quy hoạch từng vùng cụ thể tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, với 2 cây dược liệu có diện tích trồng lớn là thảo quả và quế. Tổng diện tích cây thảo quả trên địa bàn toàn huyện có 3.500 ha, được trồng dưới tán rừng tự nhiên và dưới tán cây tống quán sủ, tập trung ở các xã Nấm Dẩn, Nàn Xỉn, Xín Mần, Thu Tà...

Một cơ sở sản xuất cây dược liệu giống tại Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Một cơ sở sản xuất cây dược liệu giống tại Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Trong đó, diện tích thảo quả cho thu hoạch của huyện Xín Mần là 1.525 ha, sản lượng quả tươi đạt 1.428 tấn, giá trị kinh tế ước đạt 20.920 triệu đồng. Còn đối với 3 xã phía nam của huyện gồm Khuôn Lùng, Nà Chì và Quảng Nguyên chủ yếu phát triển mạnh về cây quế với 850 ha, diện tích cho khai thác 207 ha.

Ngoài ra, huyện cũng phát triển thêm một số cây dược liệu có quy mô từ 50 – 300 ha, như: Gừng, nghệ, mướp đắng rừng, sa nhân, ý dĩ, đương quy… Đến nay, toàn huyện thành lập được 43 nhóm sở thích trồng cây dược liệu với 1.325 hộ tham gia.

Để tạo đầu ra cho các sản phẩm, huyện Xín Mần tăng cường liên kết với doanh nghiệp thu mua dược liệu cho bà con. Hiện, trên địa bàn huyện có 2 doanh nghiệp, HTX thu mua và chế biến cây dược liệu, gồm: Công ty TNHH Gia Long thu mua, chế biến gừng, sản phẩm có chất lượng tốt và HTX Nguyễn Huy Hồ Anh thu mua, sơ chế túi lọc và sấy khô sản phẩm từ mướp đắng rừng.

Thu hút nhiều chương trình, dự án

Hà Giang là tỉnh có điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi để nhiều loài dược liệu quý có thể sinh trưởng và phát triển như kim ngân, hà thủ ô đỏ, ba kích tím, ngũ da bì…

Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý, tỉnh Hà Giang đã triển khai chương trình bảo tồn 50 loài thuốc quý với diện tích 1.000 m2 tại Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng, huyện Đồng Văn. Qua các hoạt động này, nhằm bổ sung các chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong quá trình phát triển cây dược liệu; xúc tiến quá trình giao đất cho các dự án phát triển trồng cây dược liệu...

Tỉnh cũng đã triển khai sản xuất giống dược liệu giảo cổ lam với số lượng 50.000 cây; chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống giảo cổ lam 3 lá tại huyện Yên Minh và chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống cây sa nhân tím cho HTX Khuẩy My, xã Phương Độ (huyện Vị Xuyên); thực hiện trồng mới cây phòng phong với diện tích 3 ha; trồng 7 ha cây đương quy tại huyện Đồng Văn.

Việc nghiên cứu, bảo tồn nguồn dược liệu quý đang được các địa phương ở Hà Giang chú trọng. Ảnh: Đào Thanh.

Việc nghiên cứu, bảo tồn nguồn dược liệu quý đang được các địa phương ở Hà Giang chú trọng. Ảnh: Đào Thanh.

Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh đã triển khai 6 đề tài khoa học để nghiên cứu đặc tính sinh trưởng, khả năng phát triển và dược tính của một số cây dược liệu với tổng kinh phí 13 tỷ đồng. Các đề tài tập trung vào nghiên cứu tiềm năng phát triển của các giống như cây xạ đen, giảo cổ lam, ấu tẩu, tỏi đen.

Ngoài ra, giai đoạn này tỉnh còn triển khai 3 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi thuộc Bộ KH-CN với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào ngành dược liệu, tỉnh Hà Giang đã triển khai chuỗi dự án liên kết trồng, chế biến, thương mại hóa các sản phẩm giá trị cao từ dược liệu và nông sản của Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng. Công ty đã hoàn thiện nhà máy sản xuất các sản phẩm từ thuốc dược liệu và được Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận “Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc". 

Cùng với đó, còn có các dự án như: Dự án phát triển nông thôn bền vững vùng Phìn Hồ từ cây dược liệu và cây chè bản địa của Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam; dự án trồng và chế biến dược liệu công nghệ cao của Công ty TNHH Dược liệu Công nghệ cao Hà Giang; dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả theo quy trình VietGAP và dịch vụ thương mại nông nghiệp của Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển nông, lâm nghiệp Bình Minh… đã và đang được triển khai thực hiện. Các dự án này đang mở ra hi vọng khởi sắc của ngành dược liệu ở Hà Giang.

Mục tiêu không dễ dàng

Đến nay, tỉnh Hà Giang đã có 5 doanh nghiệp, HTX có sản phẩm từ dược liệu được xếp hạng OCOP với 15 sản phẩm. Điều này bước đầu ghi nhận bước đi mang tính chất chuyên nghiệp hóa của ngành dược liệu ở Hà Giang. Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng thì bước đi và kết quả này còn khá khiêm tốn.

Một cơ sở sản xuất cây dược liệu tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Lê Hoàn.

Một cơ sở sản xuất cây dược liệu tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Lê Hoàn.

Theo ngành chức năng của tỉnh Hà Giang, một trong những rào cán lớn nhất hiện nay trong việc khơi dậy tiềm năng và lợi thế của ngành dược liệu ở Hà Giang là tỉnh vẫn chưa ban hành quy chế quản lý giống dược liệu, các quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho từng loại dược liệu mang tính đặc thù của địa phương nên việc xây dựng kế hoạch cũng như việc triển khai các quy định liên quan gặp khó khăn.

Các cơ sở sản xuất giống dược liệu ở Hà Giang hiện nay phần lớn là gieo trồng từ hạt do người dân thu hái từ tự nhiên, chưa áp dụng được khoa học công nghệ vào sản xuất nên chất lượng và nguồn cung cấp giống chưa đảm bảo. Một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dược liệu năng lực còn hạn chế, nên nhiều dự án còn hoạt động cầm chừng, hiệu quả chưa cao; sức cạnh tranh của các sản phẩm làm ra thấp.

Ngay cả việc liên kết giữa nhà nước - nhà khoa học – nhà đầu tư và nhà nông chưa thực sự tốt. Do vậy, doanh nghiệp đủ năng lực sản xuất, bao tiêu sản phẩm nhưng người dân còn e ngại sợ sản phẩm làm ra không bán được nên chưa thực sự tâm huyến chăm sóc, mở rộng vùng nguyên liệu.

Tỉnh Hà Giang đặt ra mục tiêu sẽ phấn đấu trở thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu. Tuy nhiên với những nền tảng và kết quả hiện có thì mục tiêu này thực sự còn nhiều khó khăn và thách thức.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.