| Hotline: 0983.970.780

Người đầu tiên ở Thạch Thất trồng nho sữa, làm du lịch

Thứ Ba 17/09/2024 , 06:46 (GMT+7)

3 năm trước, lúc phá vườn bưởi trồng nho sữa người làng bảo thằng Quang mang củi về cắm vào vườn, chẳng mấy ai tin anh sẽ thành công, kể cả là bố.

Ông Nguyễn Văn Đình tiếc công gần 10 năm trời bỏ ra xây dựng khu vườn tại thôn Ngoại Thôn, xã Phú Kim (Thạch Thất, Hà Nội) nên mới không cho phá hết bưởi ngay mà bớt lại 2 sào phòng bất trắc. Vườn bưởi ấy có hơn 100 gốc, giống thanh trà được ông mua từ Huế ra, là người đầu tiên trong vùng này trồng thử nghiệm. Bởi thế trong lúc các giống bưởi khác bị ế ông cũng không phải đi bán đâu xa mà có người đến xin mua ngay tại vườn, mỗi năm thu được khoảng 100 triệu đồng.

Trong khi đó, người con Nguyễn Ngọc Quang lại nghĩ khác: “Bưởi bây giờ rẻ nên tôi muốn phá bỏ đi để thử trồng nho. Nếu thất bại thì có bài học. Nếu thành công thì có con đường mới để đi. Bảo thành công hay chưa thì vẫn còn khó nói bởi với cây nho thì 5-7 năm cũng chỉ là đi học hỏi thêm về nó”.  

Năm 2021 anh bắt đầu trồng 110 gốc nho sữa Hàn Quốc (nho mẫu đơn) và hơn 40 gốc nho ngón tay đen Trung Quốc trong khu vườn đầu tiên có diện tích 1.500m2, tổng đầu tư hết 300 triệu đồng. Kỹ thuật thì anh tự tìm hiểu trên mạng cùng với đi tham quan các vườn nho khác, dù họ không trồng giống nho sữa Hàn Quốc như mình. 

Cùng chế độ chăm sóc, bón bằng phân chuồng và bột đậu tương như nhau nhưng nho sữa Hàn Quốc phát triển mạnh hơn hẳn, cho năng suất cao, còn nho ngón tay đen Trung Quốc thì năng suất lại rất thấp. Lao động chính của vườn có vợ chồng anh và bố, vào giai đoạn tỉa quả thì phải thuê thêm người.

Vườn nho đến ngày thu hoạch của anh Quang. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn nho đến ngày thu hoạch của anh Quang. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nho không giống như bưởi ra hoa đồng loạt mà có thể điều chỉnh theo từng tháng để lúc thu hoạch không bị dồn dập gây mất giá. Thuốc BVTV cũng rất ít phải sử dụng, chỉ khi chuẩn bị cắt cành thì phun phòng nấm, sau khi có hoa, quả con thì phun phòng một đợt nữa rồi cho vào túi bọc là dừng. Túi bọc giúp quả giữ mã, chống ruồi vàng, sâu, nấm.

Năm đầu tiên, trung bình mỗi gốc được 24 chùm. Anh giới thiệu sản phẩm trên facebook, không ngờ nhiều người tò mò đến, ăn thử thấy thích quá liền đặt hàng. Với tổng sản lượng 1,7-1,8 tấn, giá bán 350.000đ/kg tại vườn anh đã thu hồi được vốn và có chút lãi. Năm thứ hai, do lập xuân xong mà trời vẫn còn rét sâu làm cho hoa bị thui, sản lượng chỉ còn dưới 1 tấn nhưng dự kiến vẫn thu được trên 200 triệu đồng.

Trở lại chuyện ông bố kiên quyết không cho con phá hết vườn bưởi để trồng nho sữa nhưng đến khi nho cho thu khá quá thì lại bảo con chặt nốt bưởi đi mà làm. Anh Quang tính phá bưởi chỉ có thêm 2 sào đất mà phải thuê làm giàn, đặt mua giống nho về thì không bõ công. Bởi thế mà anh rủ thêm 3 người bạn để đầu tư trang trại thứ hai ở xã Đại Đồng, vốn chỉ là một bãi đất hoang, được thuê lại theo dạng hợp đồng 10 năm, riêng mình góp vốn hơn 700 triệu đồng.

“Năm đầu tiên với sản lượng ít thì đầu ra của nho còn dễ nhưng sau này thì tôi phải phấn đấu đạt các tiêu chuẩn để sản phẩm đi vào được siêu thị. Thêm nữa, tôi muốn trồng nho rồi mở dịch vụ du lịch sinh thái cho khách đến trải nghiệm. Ở khu vườn đầu tiên tại xã Phú Kim giao thông khó khăn, diện tích chật hẹp nên có ngày hơn 100 khách đến mà chỉ được đứng chứ không được ngồi.

Học sinh xếp hàng vào thăm vườn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Học sinh xếp hàng vào thăm vườn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ở khu vườn thứ hai ở xã Đại Đồng có diện tích 3,5 ha trong đó đã trồng 1,5ha các giống hạ đen, hoàng đế đen, mẫu đơn đầu năm nay. Giao thông thuận lợi, diện tích vườn lớn nhưng lại có cái khó là muốn dựng chỗ ngồi tránh nắng, uống nước, chỗ đi vệ sinh cho khách đến trải nghiệm nhưng xã không cho. Nhà nước nên có chính sách tạo điều kiện để cho những người như chúng tôi được làm du lịch nông nghiệp bằng việc cho phép làm những công trình tạm, quy mô nhỏ trên đất nông nghiệp. Thêm vào đó nên có chính sách hỗ trợ vốn vay để chúng tôi có thể đầu tư một cách bài bản”.

Trồng nho ở miền Bắc nếu không có mái che thì khó thành công bởi nếu gặp phải mưa, nắng trực tiếp thì cây rất dễ bị nhiễm bệnh.

Xem thêm
Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Hậu Giang 'phủ kín' cán bộ thú y 3 cấp từ tỉnh đến xã

Lực lượng thú y được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở theo 3 cấp, đảm bảo nhân lực phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi và tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm.

Đưa phân bón hữu cơ vi sinh vào ruộng lúa, lợi nhuận tăng 6,5 triệu đồng/ha

KIÊN GIANG Sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp vi sinh xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng giúp bổ sung dinh dưỡng cho đất, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất lúa.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất