| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 12/11/2019 , 09:42 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 09:42 - 12/11/2019

Người nước ngoài thâu tóm đất đai tại Việt Nam

Nhiều năm qua, đề tài người nước ngoài mượn người trong nước đứng tên để sở hữu đất đai tại Việt Nam, vẫn được bàn tán xôn xao.

Mới đây, câu chuyện nóng bỏng này được chính thức nhắc đến trực tiếp trên diễn đàn Quốc hội.

Ảnh mang tính minh họa.

Cụ thể, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Phạm Bình Minh cho biết: “Cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm doanh nghiệp do người Việt đứng tên cho cá nhân nước ngoài đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực bất động sản, du lịch… tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh".

Bằng cách nào nhiều người nước ngoài đã thâu tóm đất đai tại Việt Nam? Có vài chiêu thức cơ bản đã được áp dụng hiệu quả.

Chẳng hạn, thông qua cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc dùng các pháp nhân nước khác để đầu tư tại các lô đất, vị trí liên quan đến quốc phòng, an ninh có thời hạn sử dụng đất lâu dài để lách Luật Đầu tư và Luật Đất đai, sau đó mua lại phần góp vốn của phía Việt Nam.

Hoặc, thông qua việc cho cá nhân người Việt Nam vay tiền để thành lập doanh nghiệp nhưng mọi quyết định đều phải thông qua bên cho vay. Hoặc, thông qua việc kết hôn với người Việt, lập doanh nghiệp do vợ hoặc chồng người Việt đứng tên nhưng mọi hoạt động điều hành đều do người nước ngoài đảm nhiệm.

Theo Luật Đất đai 2013, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được tiếp cận đất đai trực tiếp thông qua việc nhận quyền sử dụng đất, thuê đất trực tiếp của hộ gia đình, cá nhân; trong trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư thì phải có ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan… Thế nhưng, trên thực tế lại có những biến tướng khó lường khiến nhiều người nước ngoài thản nhiên làm chủ sở hữu đất đai tại Việt Nam.

Ví dụ, tại Đà Nẵng, cử tri từng thắc mắc về 21 trường hợp người nước ngoài đứng tên quyền sử dụng đất tại khu đô thị Nước Mặn - quận Ngũ Hành Sơn, thì Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng - Tô Văn Hùng giải thích khá hồn nhiên: “Trước đây 21 trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này được cơ quan chức năng Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận cho người Việt Nam. Quá trình khai thác sử dụng thì người ta sử dụng hình thức mua cổ phần và góp vốn.

Vì vậy hiện nay 21 trường hợp này quyền sử dụng đất đã chuyển sang người Trung Quốc. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hoàn toàn đúng pháp luật, còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không, là thuộc về cơ quan điều tra”.

Nếu chỉ vì một chút lợi ích trước mắt, mà người Việt thờ ơ hoặc tạo điều kiện cho người nước ngoài thao túng đất đai ở Việt Nam, thì hệ lụy không thể nào lường trước được. Đã đến lúc phải siết chặt cơ chế “nghiêm cấm người Việt đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đấy cho người nước ngoài” nhằm giữ vững an ninh quốc gia và trật tự xã hội.