| Hotline: 0983.970.780

Người thành công với loại gia cầm nuôi nhanh đẻ số một

Thứ Năm 12/10/2023 , 06:23 (GMT+7)

Nhìn ngôi nhà mái Thái khang trang rộng 200m2, trị giá hơn 1 tỉ ít ai ngờ anh Đông đã phải trải qua những tháng ngày thất nghiệp khi chưa vào cái nghề này.

Ngôi nhà mái Thái mới xây của anh Đông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngôi nhà mái Thái mới xây của anh Đông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Trương Văn Đông, chủ trang trại nuôi chim cút có tiếng ở xã Văn Khê, huyện Mê Linh, TP Hà Nội dẫn chúng tôi vào khu chuồng đẻ khép kín với hệ thống quạt hút và giàn lạnh. Hàng vạn cặp mỏ kêu lao xao hòa cùng tiếng mổ cám trong máng nghe lục tục. Anh đẩy cái lồng nhựa đi giữa các dãy chuồng cao nghễu nghện quá đầu người để thu trứng từ những chiếc khay. Khác với gà thường đẻ vào buổi trưa, chim cút lại đẻ vào buổi tối, quãng 9 - 10 giờ, nếu trời rét thì có thể còn sớm hơn.

Tiếp đến chúng tôi vào khu lò ấp, nơi có người đang ngồi nhặt trứng lộn cho vào những cái túi theo số lượng 100 quả/túi để sẵn sàng giao cho khách đặt. Cuối cùng vào khu nuôi úm chim cút mới nở, được vây kín bằng bạt, sưởi ấm bằng bóng đèn, nơi những con non lông vẫn còn ướt rượt, dính bết vào nhau đang bắt đầu tập mổ ăn. Hiện anh đang có 2 cơ sở gồm trong làng nuôi 3 vạn chim, ngoài bãi nuôi 9 vạn chim như thế.

Sau khi đi một vòng, anh trải chiếu ngay trên thềm nhà, pha trà rồi vồn vã kể chuyện. Cái duyên đến với nghề nuôi chim cút này cũng thật tình cờ bởi trước đây anh vốn chạy công nông nhưng kể từ khi bị Nhà nước cấm thành ra thất nghiệp. Rảnh rỗi anh mới bỏ thời gian tìm hiểu thì thấy thích thú với nghề nuôi chim cút bởi đặc điểm nhanh thu hồi vốn. Chim cút từ lúc nở đến lúc bắt đầu đẻ bói chỉ mất có 40 ngày và 60 ngày là đẻ đã ổn định. Nuôi 7-8 tháng riêng bán thải loại thôi đã thu hồi được vốn, còn số trứng nó sinh ra là lãi.

Anh Đông đang kiểm tra trứng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đông đang kiểm tra trứng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chim cút có tỷ lệ đẻ rất sai, đạt 90%, đẻ không ngừng nghỉ tới 150 - 160 trứng. Nếu nuôi để ấp thì cứ 4 mái ghép với 1 trống. Trong 1 năm phải để trống chuồng 1 - 1,5 tháng, không nuôi để rắc vôi, phun khử trùng, tiêu độc rồi mới vào tiếp lứa mới. Lần đầu tiên anh tiếp xúc với quỹ khuyến nông của TP Hà Nội là 8 năm về trước. Lúc đó, ngân hàng chỉ vay được có 20 triệu đồng, thiếu vốn trầm trọng để phát triển sản xuất quá nên khi nghe nói đến quỹ khuyến nông anh liền tìm đến Trạm Khuyến nông Mê Linh, lập phương án vay 200 triệu đồng.

Có được số vốn quý giá này, anh đầu tư thêm chuồng trại, mở rộng quy mô từ nuôi 1 vạn lên nuôi 3 vạn con chim cút. Suốt 6 năm nuôi chim cút sau đó, diễn biến thị trường thuận lợi, dịch bệnh ít gặp nên thu nhập của anh rất cao, mỗi tháng lãi 35 - 40 triệu đồng. Nhờ đó mà năm 2019 anh đã xây được ngôi nhà mái Thái rộng 200m2 trị giá 1,2 tỉ đồng và mua được xe ô tô tải để chở hàng đi giao các đầu mối, trị giá vài trăm triệu đồng.

Vừa rồi, thấy phát triển chăn nuôi trong khu dân cư gây mùi khó chịu cho hàng xóm, anh đã làm thêm trang trại thứ hai ngoài bãi với diện tích 1.200m2 để nuôi 9 vạn chim. Tổng đầu tư hết 1,5 tỉ đồng trong đó anh đã làm phương án vay được 500 triệu của quỹ khuyến nông. Hiện tại, cả hai cơ sở có 4 lao động gồm vợ chồng anh và 2 công nhân với lương trả mỗi tháng 7 triệu/người.

Trứng chuẩn bị xuất đi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trứng chuẩn bị xuất đi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đông tâm sự, chưa năm nào chăn nuôi chim cút gặp khó khăn như hiện nay vì giá trứng hạ, giá thức ăn tăng, thêm vào đó là dịch bệnh. Trong đầu năm nay trên con chim cút xuất hiện bệnh lạ là trứng trắng. Khác với bình thường quả trứng chim cút có hoa văn thì khi chim bị bệnh vỏ trứng bỗng chuyển sang màu trắng, giá bán rất rẻ chỉ 100 đồng/quả khiến cho đợt đó anh Đông bị lỗ tới 150 triệu. Rồi sau đó là dịch cúm gia cầm lại bắt đầu rình rập. Nếu không có quỹ khuyến nông cho vay với mức phí thấp mà phải vay lãi ngân hàng thương mại hay “vay nóng” ở bên ngoài thì chẳng biết hậu quả sẽ còn như thế nào với trang trại của anh Đông.

Chị Nguyễn Thị Hằng - cán bộ quỹ khuyến nông ở huyện Mê Linh cho biết, vay quỹ khuyến nông nếu phát triển sản xuất thì 0,5% tháng, trả 6 tháng/lần trong 2 năm, còn nếu mua máy móc cơ giới hóa thì không mất phí, thời gian được 3 năm. Thứ hai là được cán bộ khuyến nông hỗ trợ về kỹ thuật cũng như kết nối thị trường.  

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Bao bì, nhãn mác sản phẩm OCOP chưa bắt kịp xu thế người tiêu dùng

ĐBSCL Giữa chủ thể OCOP và các đơn vị thương mại, siêu thị đã có buổi trao đổi về năng lực cung cầu, kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL.