| Hotline: 0983.970.780

Gặp ông chủ 20 năm rời làng ra sống ngoài trang trại

Thứ Ba 22/08/2023 , 08:36 (GMT+7)

'Tôi vào kiểm tra xem có thòng lọng nào không'. Lời cán bộ nói khiến cho chủ trại đang buồn vì tiêu hủy hết lợn cũng phải bật cười: 'Tao còn lâu mới chết nhá'.

Bao lần vấp ngã đều kiên cường đứng dậy

Đó là lời trêu ghẹo để phá thế muộn phiền của anh Lê Đức Thiều - cán bộ quỹ Trạm Khuyến nông huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội - với chủ trại Đỗ Văn Thăng ở thôn Đoài, xã Phú Minh. Thời điểm năm 2017 ấy, dịch tả lợn châu Phi hoành hành dữ dội ở khắp nơi, gây ra những cuộc tiêu hủy vật nuôi trên diện rộng. Đi đâu cũng thấy trắng một màu vôi bột, nồng nặc chất sát trùng.

Trang trại của vợ chồng anh Thăng phải tiêu hủy 120 con nái, 1.400 con lợn thịt lớn nhỏ, tổng thiệt hại cỡ trên 6 tỉ đồng khiến cho hai vợ chồng chứng kiến cảnh đó cứ không cầm được nước mắt. 20 năm làm nghề nông, chưa bao giờ họ phải trải qua một thử thách lớn đến như vậy, không chỉ về kinh tế mà còn cả về tinh thần bởi những vật nuôi mình ngày đêm gắn bó, chăm từ lúc đỡ đẻ, bẻ nanh trở đi bỗng chốc bị giết sạch một cách đầy thảm thương…

Quay ngược lại thời điểm 20 năm về trước, sau khi đi bộ đội về, anh Thăng đã xin xã Phú Minh cho mình đấu thầu 1,3 ha đất hoang vốn toàn là những vùng trũng bị hút cát sâu, có chỗ tới 12 mét để làm trang trại theo kiểu VAC. Anh xây chuồng lợn, mua thêm đất màu về đắp bờ trồng nhãn, bưởi, xoài còn mấy cái ao trên mặt nước thả vịt, dưới thì nuôi cá.

Anh Đỗ Văn Thăng chèo thuyền đi kiểm tra một vòng quanh trang trại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đỗ Văn Thăng chèo thuyền đi kiểm tra một vòng quanh trang trại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc đầu, đàn lợn nhà anh chỉ có 15 con nái và được nuôi theo dạng chuồng hở nên thường bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy. Đang lúc thiếu vốn trầm trọng, tình cờ biết đến quỹ khuyến nông của thành phố Hà Nội, năm 2004 anh đã qua Trạm Khuyến nông huyện Sóc Sơn nhờ tư vấn, làm thủ tục vay được 30 triệu đồng. Hai năm sau, anh lại vay tiếp 50 triệu để mở rộng quy mô đàn lợn.

Rồi năm 2012 lại vay tiếp 250 triệu để làm hệ thống chuồng kín, tránh được những rủi ro về bệnh tật so với chuồng hở khi vừa ngăn ngừa chuột bọ vào, vừa thường xuyên khử trùng, giữ nhiệt độ bên trong ở mức thích hợp nhất với vật nuôi. Chuồng lợn còn mát hơn cả ở nhà nên mùa hè, công nhân trong trại trực mà toàn mắc võng, bắc ghế ra nằm nghỉ.

Sau này thấy anh làm ăn được bà con lại cho thuê thêm đám đất giáp ranh để mở rộng trang trại. Cao điểm anh có tới 120 con lợn nái, 1.400 con lợn thịt. Thị trường có lúc lên lúc xuống, có năm lãi hơn 1 tỉ đồng nhưng có năm cũng lỗ đến mức không đủ trả tiền cám cho đại lý. Tuy nhiên, anh vẫn kiên cường bám trụ.

Cho đến khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, trang trại phải tiêu hủy hết số lợn trị giá hơn 6 tỉ đồng trong lúc vẫn nợ ngân hàng 1,7 tỉ thì gần như là vợ chồng anh bị kiệt quệ. Có người biết gia đình lâm vào hoàn cảnh khốn cùng còn gạ gẫm mua trang trại nhưng với anh nông nghiệp không chỉ là nghề mà còn là sự sống, là đam mê cả đời nên nhất định từ chối. Sau dịch, dù được Nhà nước hỗ trợ 1,5 tỉ đồng tuy nhiên để có thể khôi phục lại sản xuất như ban đầu thì là một điều khó vì cần số vốn rất lớn…

Chăm sóc lợn mới sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chăm sóc lợn mới sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Lê Đức Thiều - cán bộ phụ trách quỹ khuyến nông của Trạm Khuyến nông huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội - nhớ lại lúc đó, đến trang trại thấy các dãy chuồng trống huơ trống hoác, vợ chồng anh Thăng đi lại như người mất hồn bởi cả tài sản chỉ còn sót có mấy con gà. Ngôi nhà trong làng từ năm 2003 họ đã để cho con ở, cả hai anh chị đều sống ngay tại ngôi nhà tạm ngoài bờ ao trang trại. Biết bao mồ hôi, tâm huyết đã dồn cả vào cho trang trại này nay bỗng chốc đàn lợn bị tiêu hủy hết tạo cho họ một cú sốc lớn. Khi anh Thăng nói tới việc tái đầu tư vào nuôi lợn thì anh Thiều khuyên mới dịch, hãy cứ đợi đã, đừng vội.

Bẵng đi một thời gian, lần sau anh Thiều đến thì đã thấy họ nuôi 40 nái cùng hàng trăm con lợn thịt rồi, nguồn vốn vay ở đâu không rõ. Họ tha thiết hỏi, quỹ khuyến nông có cho vay tiếp không chứ 2 năm Covid 19 xảy ra, cung cầu bị đứt gãy. Lợn thương phẩm nuôi to như con bò, nặng 1,6-1,7 tạ mà không thể bán nổi, họ phải nài nỉ mọi người “đụng” để giải cứu, gỡ gạc chút tiền mua cám, cạn lực lắm rồi. Thấy cả hai vợ chồng chủ trang trại đều quyết tâm như thế nên anh Thiều mới bày cho cách lập phương án sản xuất để vay quỹ khuyến nông lần thứ tư, 500 triệu đồng.

Trang trại tồn tại được một phần nhờ quỹ khuyến nông

Có được số vốn quỹ khuyến nông 500 triệu đồng ấy, vợ chồng anh Thăng đã đầu tư mua thêm 40 lợn nái nâng tổng đàn lên thành 80 lợn nái và 800 lợn thịt. Mấy tháng nay giá lợn 60-65.000đ/kg, mỗi con được lãi trên 1 triệu nên nụ cười trở lại trên mặt họ:

“Trang trại của chúng tôi tồn tại suốt 20 năm qua một phần là nhờ có cơ chế vay của quỹ khuyến nông thành phố. Hiệu quả của việc chăn nuôi có lúc nọ, lúc kia nhưng 4 lần vay quỹ tôi chưa bao giờ trả gốc, trả phí sai hạn cả. Ngoài vay vốn, tôi còn được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật, cử đi hội thảo, tham quan các mô hình để học thêm kinh nghiệm”, anh Thăng tâm sự.

Khu nuôi lợn thương phẩm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khu nuôi lợn thương phẩm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Gần 20 năm làm công tác khuyến nông, anh Lê Đức Thiều đã có tới 15 năm gắn bó với quỹ khuyến nông của thành phố Hà Nội. Thuở ban đầu, lúc nào trong sổ của anh cũng có danh sách 60-70 hộ vay. Lúc đó, rất thuận tiện là các trang trại đều có hợp đồng thuê đất giúp cho việc làm thủ tục vay rất đơn giản, phần lớn là vay để sản xuất. Nhờ có quỹ khuyến nông mà hiệu quả của các trang trại tăng thêm được khoảng 15-20% vì phí thấp, chỉ có 6%/năm trong khi ngân hàng 15%/năm; vì mặt bằng dân trí thấp, sau khi được cán bộ kỹ thuật tập huấn, cho vay vốn để đầu tư sản xuất nên chuyển biến có thể thấy rõ nét ngay được.

Bây giờ, khu công nghiệp ngày càng mở rộng, thu hẹp đất sản xuất nông nghiệp lại. Không chỉ vậy chuyện thủ tục đất đai cũng rất nan giải. Hầu hết các trang trại ở huyện Sóc Sơn đều đã quá hạn hợp đồng thuê đất mà không được gia hạn. Trong khi đó, UBND xã không được ký tiếp hợp đồng nên các chủ trang trại không thể chứng minh được điều kiện cơ sở vật chất để vay vốn mở rộng sản xuất. Tình trạng đất nông nghiệp đã thế, còn thêm tình trạng đất thổ cư của nhiều hộ ở huyện Sóc Sơn bị vượt hạn mức khiến cho họ không thể thế chấp sổ đỏ để vay vốn được…

Hiện danh sách vay quỹ khuyến nông của Trạm Khuyến nông Sóc Sơn chỉ còn 46 hộ trong đó 4 hộ vay sản xuất, còn lại là vay cơ giới hóa bởi không cần chứng minh cơ sở vật chất chuồng trại, ao hồ, đất trồng trọt như vay sản xuất.

Về vấn đề vướng mắc thủ tục đất đai, anh Thăng kiến nghị Nhà nước cần xem xét lại quỹ đất công vốn đang sử dụng làm trang trại ở các địa phương. Những người như anh đã đổ bao mồ hôi công sức và tiền của ra cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho chăn nuôi hay trồng trọt, mang lại lợi ích cho gia đình, cho xã hội. Bởi thế, khi nghe nói về chủ trương sắp tới của Hà Nội là sẽ thu hồi, san lấp hết mặt bằng để cho đấu thầu lại anh cảm thấy rất bất an và lo lắng. Làm như vậy chẳng khác nào là cắt mất nguồn sống của các chủ trang trại hiện tại.

Trong 4 hộ đang vay quỹ khuyến nông cho mục đích phát triển sản xuất của huyện Sóc Sơn còn có hộ anh Dương Văn Định ở xã Tân Dân vay 450 triệu đồng để trồng 5.000m2 nho Hạ Đen. Hiện với giá bán 120.000đ/kg, gia đình anh có mức lãi hàng trăm triệu mỗi năm và khá ổn định khi nhu cầu về nho Hạ Đen là rất lớn.  

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.