| Hotline: 0983.970.780

Gặp những 'thủ lĩnh cơ giới hóa' ở huyện Mê Linh

Thứ Hai 26/06/2023 , 09:06 (GMT+7)

Họ là những người đi tiên phong trong việc cơ giới hóa đồng bộ ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội khi nghĩ và làm những việc ít người dám.

Chị Hương bên chiếc máy gặt Kubota mới đi làm ở Bắc Ninh về. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Hương bên chiếc máy gặt Kubota mới đi làm ở Bắc Ninh về. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vác tiền xây nhà đi mua máy gặt

Thủ lĩnh thứ nhất là chị Nguyễn Thu Hương ở thôn Phú Nhi xã Thanh Lâm (Mê Linh, Hà Nội). Ấn tượng của tôi đó là một cô gái vóc người mảnh khảnh nhưng điều khiển thuần thục được cỗ máy gặt Kubota DC 70 to lớn của Nhật không thua kém gì cánh đàn ông. Chẳng thế mà cả huyện Mê Linh và các vùng phụ cận nhiều người khi nhắc về chị đều nắc nỏm ngợi khen.

Vốn là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX của xã nhà, năm 2016 chị chứng kiến cảnh bà con mòn mỏi chờ đợi máy gặt về, nhất là vụ tháng 5 trùng đồng, diện tích cấy lên đến mấy trăm mẫu, lúa chín rục, mưa gió cận kề mà gọi mãi chẳng thấy đâu. Nghĩ đến cảnh phải còng lưng gặt tay dưới ánh nắng như đổ lửa buổi trưa hè, rồi oằn vai gánh thóc về mà ái ngại.

Suy nghĩ trong 3 ngày, chị quyết định liên lạc với cán bộ khuyến nông TP Hà Nội để lên phương án vay vốn quỹ, mua máy gặt về làm dịch vụ cho bà con. Vì thời vụ gấp gáp quá, không đợi quỹ khuyến nông giải ngân, chị trao đổi với công ty Chính Đạt-đơn vị phân phối máy Kubota nhờ họ hoàn thiện hồ sơ và đem luôn số tiền 550 triệu đồng định xây nhà ra mua máy. Ban đầu, không có người làm, chị đành phải nhờ người cậu ở tỉnh Thái Bình đang lái máy cày lên “chi viện” một thời gian. Về sau, thấy nhu cầu gặt máy của dân trong và ngoài xã, một máy không đáp ứng được nên chị mua thêm một máy nữa.

Lần đầu, chị được “hỗ trợ một cục” 70 triệu đồng, sau đó 2 lần tiếp theo năm 2018, năm 2022 chị làm phương án vay quỹ khuyến nông năm đều được duyệt. Tất cả đều là máy Nhật Kubota và cũng đều ở công ty Chính Đạt. “Tôi đã vào là vào máy của Nhật và khi chúng xuống cấp một tí là thay ngay để không xảy ra chuyện đứt quãng, chờ đợi trên ruộng đồng”. Chị Hương cười.

Chính nhờ làm ở HTX được đi đây đi đó nhiều nên chị thường hỏi thăm thông tin, rồi liên kết xã này, huyện nọ, tỉnh kia để “xin việc” thêm cho máy, lắm lúc nhiều việc đến mức không có sức để làm. Cứ mỗi nơi như thế máy gặt sẽ hoạt động 5-7 ngày rồi lại phải đi chỗ khác, sang Vĩnh Phúc, lên Bắc Ninh, Thái nguyên, xuống Thái Bình.

Giờ máy gặt ở các nơi nhiều thì chị rút về huyện Mê Linh, Đông Anh và một vài địa phương ở Bắc Ninh. Trong khoảng 1 tháng thời vụ, máy làm thông tầm từ sáng đến chiều, thậm chí cả đêm. Hễ kíp thợ nghỉ ăn trưa hay có ai đó nghỉ ốm là chị lại cùng với người cậu nhảy lên, tự lái, tự đóng thóc chứ nhất định không để cho máy nghỉ.

Công việc của chị là đi thăm đồng, ký hợp đồng gặt. Ruộng nhỏ, địa hình phức tạp, lầy thụt chị tính giá 180-200.000đ/sào, còn ruộng rộng, địa hình bằng phẳng chị tính giá 150-160.000đ/sào: “Ở Mê Linh do nhiều nơi chưa đồn điền đổi thửa được nên ruộng nhỏ, cắt xong phải cõng thóc ra tận bờ to, chứ ở Bắc Ninh có những thửa ruộng rộng tới cả mẫu, cắt xong, trả thóc ngay trên bờ được vì đường nông thôn mới họ làm rất đẹp”.  Trừ chi phí thuê thợ, nhiên liệu, khấu hao, mỗi vụ, mỗi máy gặt đem lại cho chị khoản lãi 120-130 triệu.    

Ngoài cắt lúa thuê, chị Hương còn nhận tới 24 mẫu ruộng hoang giáp với các khu công nghiệp để cấy. Hàng chục năm nay chúng bị bỏ đó trong vụ mùa bởi người dân đã đi làm công nhân, họ chỉ cấy vụ xuân để lấy thóc ăn cả năm, khi được hỏi họ đều vui vẻ cho mượn ruộng. 3 vụ chị cấy như thế mà không có lãi, phần bởi giá thóc hạ, phần bởi vụ ngập úng, vụ mất mùa nhưng chị vẫn không từ bỏ do nếu máy gặt không có việc làm đủ là thợ đi mất, do không làm thế lấy ai giữ đồng, giữ ruộng. Chính vì quyết tâm ấy mà chị dự định sắp tới sẽ đầu tư mua máy cày để có thể cơ hóa đồng bộ từ khâu đầu đến khâu cuối.

Người có "đàn" máy trị giá 1,5 tỉ đồng

Thủ lĩnh thứ hai là anh Bùi Ngọc Chiển ở thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm. Lúc tôi đến có mấy người thợ miền Nam ăn ở ngay trong nhà, còn đàn máy nằm chật một góc sân mà vẫn còn chưa đủ, bởi có chiếc đang đi làm ngoài đồng.

Tổng cộng anh có 3 máy cày, 2 máy gặt, trị giá cỡ 1,5 tỉ đồng-một cơ ngơi khiến nhiều dân quê phải nể phục. Khởi nghiệp cách đây 10 năm, lúc đó anh Chiển mới chỉ có đủ tiền để mua một chiếc máy cày cũ của Nhật. Làm được vài năm anh mới liên hệ với cán bộ khuyến nông thành phố Hà Nội để vay quỹ rồi tìm đến công ty Chính Đạt để mua máy cày Kubota, máy gặt Kubota. Lần này thì anh chọn máy mới bởi biết chúng ít hỏng, ít nằm bờ mình sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.

Sau 3 lần được duyệt vay vốn khuyến nông mua được 2 máy cày, 1 máy gặt, anh nhận thấy ưu điểm của quỹ là không tính phí (vay cơ giới hóa không tính phí-PV) và gốc được trả dần theo từng năm. Cũng trong quá trình vay vốn, anh được tiếp xúc với 4 Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Mê Linh, thấy họ đều nhiệt tình với công việc nhưng đến lúc mời đi ăn chẳng ai chịu mà chỉ cười: “Chủ máy khỏe, gặt tốt là được rồi”.

Anh Chiển đang lái máy cày đi làm dịch vụ ở xã. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Chiển đang lái máy cày đi làm dịch vụ ở xã. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà anh lúc nào cũng có 3 lao động chạy máy cày, còn đến mùa gặt phải thuê thêm 8 người nữa để chạy 2 máy gặt.  Anh kể, máy gặt thì chỉ gặt được mỗi lúa nhưng máy cày lại rất đa nhiệm, từ làm đất lúa, đất màu đến đất hoa quanh năm suốt tháng, chỉ những ngày mưa, đất dính đành phải chịu nghỉ. Xưa bà con thuê máy cày nhỏ kiểu “ba chân”, phải tốn thêm 2 công lao động để cào, làm luống tổng cộng mất tới 700.000đ/sào thì đất mới đạt yêu cầu, thì nay thuê máy to của anh mất 200-300.000đ/sào là không cần phải mó tay vào nữa, rẻ được 2/3 mà thời gian lại nhanh hơn.

Với cày bừa cứ 15-20 phút là xong 1 sào, còn với gặt cứ 5-7 phút là xong 1 sào. Cơ giới hóa đồng bộ giúp cho cả đôi bên là chủ máy và nông dân cùng có lợi. Ngay cả người làm công như lái máy cũng được 1,2 triệu/ngày, hứng thóc cũng được 700.000đ/ngày, gấp đôi, gấp ba công thợ bình thường bởi điều kiện họ làm việc rất khắc nghiệt, trời mát không chạy máy được, phải nắng to, khô sương mới có thể bắt đầu gặt và đã làm là liên tục, hầu như không nghỉ.

Lúc tôi đến, nhiệt độ ngoài trời đang 39, 40 độ C, mồ hôi từ người thợ đến người chủ đều mướt mải như mưa ruộng cày. Nhưng hỏi có mệt không, anh Chiển chỉ cười: “Cứ có tiền là chúng tôi có thể vui và làm việc suốt ngày được”. Tính ra, sau khi đã trừ hết chi phí, mỗi năm anh thu được khoản lãi khoảng 1 tỉ đồng.  

So với vay vốn từ ngân hàng thương mại, vay quỹ khuyến nông Hà Nội có nhiều lợi thế. Thứ nhất là về mức phí, nếu vay phát triển sản xuất thì 0,5% tháng, trả 6 tháng/lần trong 2 năm, còn nếu vay mua máy móc cơ giới hóa đồng bộ thì không mất phí, thời gian trả trong 3 năm.

Thứ hai là luôn được cán bộ của Trung tâm Khuyến nông thành phố quan tâm, sát cánh, hỗ trợ trong suốt cả quá trình vay. Đó có thể là những tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi sao cho an toàn dịch bệnh, vật nuôi phát triển tốt, mua máy ở đâu cho đảm bảo chất lượng, giấy tờ đầy đủ. Đó cũng có thể là những tư vấn, hỗ trợ, kết nối về thị trường, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là trong giai đoạn Covid 19, khi hệ thống vận chuyển hàng bị đứt gãy, giữa người sản xuất và người mua hàng bị ngăn cách.

Chị Nguyễn Thị Hằng-cán bộ quỹ khuyến nông Hà Nội, phụ trách khu vực huyện Mê Linh cho biết trên địa bàn đang có 14 hộ vay vốn trong đó 12 hộ vay đầu tư mua máy móc theo chương trình cơ giới hóa đồng bộ, 2 hộ vay đầu tư vào sản xuất, tổng dư nợ là 3,7 tỉ đồng. Những hộ được duyệt cho vay đều có kinh nghiệm, tâm huyết, chăm chỉ và phải có phương án cũng như thế chấp sổ đỏ đất.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.