Trăn trở về những lần chặt trụi đồi cây để đốt nương làm rẫy hồi trước, sau khi rời quân ngũ, người lính trẻ dần trở thành cựu chiến binh nhưng vẫn không nguôi mơ ước về những cánh rừng sẽ hiện lên. Rồi ông quyết tâm thực hiện mơ ước cháy bỏng của mình là đi trồng rừng. Nhưng việc làm rất táo bạo của người cựu binh này là thay vì trồng cây keo, cây tràm kiếm kế sinh nhai, ông quyết tâm trồng rừng pơmu.
Đó là cựu binh Vừ Vả Chống, 52 tuổi, người Mông, trú tại bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ, huyện biên giới rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An).
Nỗi trăn trở
Dưới mái lán giữa cánh rừng pơmu thấp thoáng trong sương mù, ông Vừ Vả Chống xoè bàn tay chắc khoẻ, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về tháng ngày “trồng cây gây rừng” của ông.
Bắt đầu bằng những lí giải của ông về các câu hỏi, vì sao ông lại trồng rừng? Vì sao ông trồng thành công những vùng rừng pơmu đang hiện lên sừng sững giữa đại ngàn biên giới?...
Ông kể: “Đời tôi thiếu bố, mồ côi bố từ nhỏ. Năm 1984 đi bộ đôi lúc 17 tuổi. Ba năm sau ra quân rồi cưới vợ năm 24 tuổi. Về bản quê lấy vợ vẫn sống trong cảnh “khó xoay trở” đến mức vợ chồng son không có cái xe máy cũ để đi ra thị trấn Mường Xén của huyện".
Trước kia, vợ chồng ông sinh sống bằng nghề đốt nương, làm rẫy, trỉa ngô, gieo lúa. Quanh năm quần quật cũng khó tìm đủ cái ăn giữa bản nghèo nằm cheo leo bên con đường rừng ngược lên “cổng trời” Mường Lống.
"Chẳng lẽ bây giờ vẫn cam cảnh khó khăn, túng thiếu như ngày ấy”. Ông lại xoè bàn tay nâu sạm, tiếp tục kể. Đôi mắt ông mở to như chợt lung linh khi nhắc về một kí ức được ví như “cái chìa khoá” mở toang cánh cửa bí hiểm, sự hiểu biết về núi rừng để nghĩ việc trồng pơmu: “Hồi ở lính huyện đội, tôi từng đi công tác qua những cánh rừng pơmu bạt ngàn. Một lần, tôi hỏi người bạn lính lớn tuổi về rừng cây này. Anh bạn lính giải thích cho tôi biết rằng, đây là rừng cây có từ rất lâu đời, là tài sản rất quý giá của thiên nhiên còn sót lại. Lâu đời là do chính quyền địa phương và nghành lâm nghiệp, kiểm lâm còn giữ gìn được trước sự tàn phá rừng tán khốc của lâm tặc. Quý giá ở là bởi nó là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Quý nữa là do giá trị kinh tế của loại gỗ quý hiếm. Mỗi cây pơmu lớn, nhiều năm tuổi có giá không dưới 50 triệu đồng”.
Lúc đó, người lính trẻ Vừ Vả Chống hiểu rằng, cánh rừng pơmu là tài sản vô giá có từ đất rừng. Biết thế, anh càng trăn trở về cảnh chặt cây, đốt rừng làm rẫy. Anh lại nghĩ “vì sao bà con dân bản của mình lại để những vùng đồi trơ trọi với vô vàn cây cối hoang dại mà không trồng thành rừng pơmu”. Ý nghĩ mới dồn đầy thêm nỗi trăn trở mới trong tâm trạng của người lính trẻ cho đến lúc anh rời quân ngũ.
Khát vọng táo bạo
Năm 2003, đứng trước những vùng đồi trọc, hoang dại dưới chân núi Au Tiên, cựu binh Vừ Vả Chống quả quyết bây giờ chính là lúc mình trồng pơmu, thực hiện khát vọng để đời và trả được nỗi ân hận thời trẻ cho rừng.
Nhưng ngay sau ý nghĩ đó, ông vấp phải hàng loạt những lực cản hóc búa. Ví như: Mình nghèo, không có tiền dư dật thì lấy gì để mua cây giống. Đi tìm mua cây giống ở đâu. Mình chưa hề có một kinh nghiệm, kĩ thuật gì về trồng, chăm sóc loại cây “khủng” này, liệu có thành công không. Không biết khí hậu ở Huồi Tụ có cho phép cây pơmu sống khoẻ và sinh trưởng tốt không…
Những câu hỏi vây ráp tâm trí người cựu binh suốt ngày đêm. Nhiều đêm, ông nằm không yên, cứ bước lẩn thẩn hàng giờ ra vùng núi trọc rồi quay về. Thấy vậy, vợ ông là bà Lỳ Y Sỳ hỏi gắt: “Mắc mớ chi mà ông cứ lẩn thẩn mãi thế. Nếu ông muốn trồng pơmu bằng được thì tui ủng hộ thôi. Vợ chồng sống chết, đồng cam cộng khổ với nhau chứ”.
Nghe vợ nói thế, ông Chống tươi tỉnh hẳn lên. Ông động viên lại vợ: “Ừ, ta trồng thí điểm nhé. Có thể cây sống, có thể cây chết nhưng không trồng thì không biết được có thành công hay không”.
Ông Chống nhớ lại, cuối năm 2003 ông bắt đầu hành trình đi tìm hiểu giống cây. Ông gói cơm, muối cất công đi 35 km đến bản Huồi Giảng, xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) - nơi có rừng pơmu để hỏi chuyện các già làng, trưởng bản.
Sau khi nghe ông thổ lộ khát vọng đau đáu của mình, cụ Vừ Pà Rê (70 tuổi) mở cánh cửa gầm tủ lấy can rượu, rót hai li, lộ vẻ cảm phục.
Chạm ông Chống chén thứ nhất, cụ Rê nói chân tình: “Con ạ, loại cây này là “vàng xanh” của rừng núi ta đấy, rất nên trồng”. Chạm chén thứ hai, cụ Rê nói tiếp: “Nếu con quyết thì ta sẽ cho giống cây về trồng thí điểm. Có hiệu quả tốt ta sẽ cho nhiều”.
Hôm ấy, cụ Rê “tặng” ông 200 bầu cây pơmu kèm theo kĩ thuật đào hố, trồng và chăm sóc cây giống nhưng ông vẫn mua thêm 300 bầu cây nữa.
Đêm ấy về lại bản, ông Chống thủ thỉ ngay với vợ: “Loài cây pơmu chỉ quen sống trên núi cao, có sương mù bao phủ. Muốn trồng được nó phải đào hố rộng 40 cm, sâu 40 cm nhưng không bón phân nhé".
Bón phân là cây chết. Khi cây lớn lên phải làm sạch cỏ. Lấy xác cỏ tấp và gốc cây. Làm thế mới tạo thêm độ mùn cho cây. Nếu cây không sống là do khí hậu không phù hợp.
"Nếu cây thích hợp với khí hậu thì tầm 20 năm trở lên là bán được rồi. Riêng đối với samu thì trên 50 năm. Nhưng ta không bán đâu nhé. Ta trồng thành rừng nhé”.
Nghe chồng hào hứng suốt đêm, bà vợ bảo: “Cứ trồng đi. Sau 20 năm, 50 năm thành già làng, trưởng bản rồi hãy hay”.
Hôm sau, hai vợ chồng ông Chống lên núi Au Tiên khảo sát thực địa. Tại đây, gia đình ông đang sử dụng đất thuê của Nhà nước để trồng chè. Bởi chưa dám vào cuộc với tâm thế “được ăn cả, ngã về không” nên vợ chồng ông Chống vừa trồng pơmu vừa trồng chè để lấy “đồi chè nuôi rừng pơmu”.
Từng bước thao tác, ông Chống làm y chang lời cụ Rê căn dặn, không thuê người trồng “bởi thuê thì sợ họ làm sai kỹ thuật, gây chết cây”.
Sau 5 năm (2008), vợ chồng ông Chống buồn thiu vì lứa cây đầu tiên bị chết khá nhiều. Ông Chống đứng bên những cây chết, nói với vợ: “Sợ khó thành công đấy bà ơi”.
Bà vợ an ủi: “Chưa nguy cấp lắm đâu. Ông sang Tây Sơn hỏi lại kinh nghiệm của cụ Rê đi”. Hai vợ chống quyết định bán một con bò để trang trải mọi chi phí đường dài và mua thêm cây giống để bù vào số cây đã chết. Ông Chống lại gói cơm, muối sang gặp cụ Rê.
Khi nghe ông Chống tường thuật lại chuyện trồng cây xong rồi, lấy đất tấp thêm xung quanh cho vững gốc cây. Cụ Rê gạt phắt bàn tay, nhắc: “Trồng pơmu chứ không phải trồng chuối nhé. Càng đắp đất lên gốc như đắp gốc chuối thì pơmu càng chết. Chỉ cần tấp xác cỏ để tạo mùn cho đất và để đất thoáng thì không bao giờ pơmu chết nếu thích hợp với khí hậu”.
Ông Chống ngồi nghe như nuốt lấy từng lời. Đoạn ông đề cập mối lo thứ hai khiến cây chết. Đó là sâu gây bệnh, sâu đục thân và sâu ăn rễ tàn phá.
Ông Rê hướng dẫn: “Gặp con sâu đục thân thì kiên trì tìm giết nó đi. Nếu sâu đục thân làm thân gãy thì sau khi giết sâu phải làm cái nạng chống lên để đỡ thân cây không bị gãy. Sau đó, cây sẽ tự hồi phục. Riêng sâu ăn rễ thì con sâu đó chính là con mối đấy. Người thợ trồng cây phải kiểm tra thường xuyên, dọn sạch gốc cây để trừ sạch mối, không còn môi trường cho con mối phát triển trong lòng đất”.
Ông Chống về trồng, tuân thủ kỹ thuật truyền dạy của cụ Rê. Ông mừng rơn khi thấy cây phát triển đều, đẹp. Năm 2010, ông sang lại bản Huồi Giảng mua thêm 3.000 cây. Lần này ông bảo, đã nếm trải thất bại rồi, đã tin kỹ thuật truyền đời của “thầy” Rê rồi nên không sợ sệt gì nữa.
“Quả nhiên, 3.000 cây mới không chết một cây nào. Cây nào cũng mọc lên thẳng tăm tắp. Rất đẹp”, ông Chống tự hào.
Sau thành công này, thay vì mua cây giống, ông Chống đi tìm hạt giống về ươm. Lần này ông có thêm bà vợ cùng đi.
Hai vợ chồng vẫn một gói cơm, muối săn lùng khắp các ngả rừng pơmu, samu mênh mông ở bản Huồi Giảng. Gặp hạt thì gom hạt. Gặp cây nhỏ cỡ 5-10 cm thì đóng bầu mang về.
Ngày nào may mắn thì tìm được mươi hạt với vài chục bầu cây con (cây con này tiếp tục được chăm sóc trong bầu, khoảng 50 cm là trồng được).
Ngày đi tìm mải miết, tối về bản xin ngủ nhờ. Mỗi đợt đi vài ngày. Có đợt đi 3-4 ngày, hết “mê mệt” mới về. Cứ thế, hai vợ chồng một và gói cơm muối đi về như thoi đưa.
Ông Chống tự trào: “Mình đổ giọt mồ hôi xuống đất thì đất lại thương mình làm cho cây pơmu mọc lên tươi tốt để phủ xanh đồi núi trọc. Tìm được một hạt pơmu bé như quả phi lao màu nâu sẫm khó lắm (trong hạt mẹ có khoảng 10 hạt con nhỏ xíu như hạt quả chanh leo, màu tím biếc). Tìm được một cây con cỡ 5-10 cm còn khó hơn nhiều. Thế mới thấm được nỗi khát khao để trả nợ nỗi trăn trở với rừng của đời mình”.
Đến năm 2012 thì ông Chống không phải đi tìm hạt, cây giống nữa bởi lứa cây đầu tiên (2003) của ông bấy giờ đã cho hạt hoặc hạt rụng xuống, mọc lên cây con quý giá.
Đi trong rừng pơmu
Ông Chống đang say kể nhiều chuyện thì một số dân bản đến hỏi mua giống cây pơmu. Như sực nhớ lại “sự đổi đời” của rừng pơmu trên dãy núi Au Tiên, ông Chống không giấu diếm: “Năm 2012, do bí bách việc học của bốn đứa con gái nên một người dưới xuôi lên hỏi mua gỗ pơmu, tôi đành lòng bán đi một cây mới chín năm tuổi, giá hơn 3 triệu đồng. Nhìn họ hạ cây pơmu để lại một khoảng trời trống rỗng trên đầu, tôi tiếc và đau đứt ruột. Sau đó, một hội thợ gỗ khác đến hỏi mua, tôi kiên quyết không bán nữa. Lí do đơn giản là nếu bán cho tư thương thì chỉ trong chốc lát họ sẽ hạ mất hết rừng cây, “chặt” hết khát vọng để đời của tôi. Trong lúc đó, mơ ước về rừng cây pơmu phủ xanh đất trống, đồi trọc của tôi đang trở thành hiện thực”.
Ông Chống cho hay, đến thời điểm hiện tại, vợ chồng ông đã có hơn 7.000 cây pơmu dọc dài dông núi và một số đỉnh núi trên dãy núi Au Tiên. Cây lớn nhất có đường kính 40 cm, cao 15-20m. Hiện hàng năm, vợ chồng ông tiếp tục trồng.
Riêng về chuyện bán cây giống, ông liệt kê: “Hiện tôi đã bán được 6.000 cây giống cho dân bản. Việc này tôi cũng học theo sự truyền dạy của “thầy” Rê. Nghĩa là thấy bà con thích trồng pơmu “đi tầm” cây giống thì tôi “tặng” để họ trồng thí điểm đã. Cùng với “tặng”, tôi bàn giao tỉ mỉ kỹ thuật đào hố, trồng và chăm sóc cây. Giờ bà con hỏi mua liên tục nhưng tôi không đủ cây giống để bán nữa. Thấy bà con tha thiết quá nên tôi kể lại chuyện đi tìm cây giống của mình, chuyện “thầy” Rê bày cho rồi hướng dẫn họ sang bản Huồi Giảng, xã Tây Sơn vừa tìm hạt vừa mua cây giống như tôi hồi trước”.
Nghe ông Chống kể chuyện, ông Hạ Bá Lì (Phó chủ tịch xã Huồi Tụ) góp thêm chi tiết bất ngờ. Đó là, thấy ông Chống phủ xanh được đồi núi trọc bằng cây gỗ quý pơmu thì dân bản đến xem và làm theo.
Một bản tính của người Mông là có thấy hiệu quả mới làm theo. Hiện đã có 30 hộ dân trong xã Huồi Tụ trồng 26.000 cây pơmu, samu thành rừng trên hai dãy núi Au Tiên và Hồi Pụ (bình độ 1.050 m so với mặt nước biển).
Nói xong, ông Chống dẫn chúng tôi gồm các ông Hạ Bá Lì; Vừ Bá Đà (cán bộ lâm nghiệp xã); Lô Văn Tiến (Kiểm lâm địa bàn, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn) đi “ngắm” các ngả rừng pơmu.
Trong mù sương, chúng tôi lội xuống lũng núi, trèo lên dông rừng giữa bốn bề cây pơmu cao thẳng tắp mà không biết mệt. Tâm trạng tôi bỗng dưng thư thái, thoả thích hoà lẫn với màu xanh mái lá pơmu và khí trời se lạnh sương mù. Đối diện dông rừng pơmu sừng sững gần 20 năm tuổi là những đồi cây pơmu 8-10 năm tuổi như đang “đội” những vầng lá tựa những búp thông xanh khổng lồ, mọc thẳng lên trong trời chiều.
Dừng lại bên cây pơmu lớn nhất dải rừng, ông Chống vòng hai cánh tay ôm lấy thân cây xù xì, vẻ mặt đầy phấn khích. Ông bảo, cây này cho hạt và cây giống nhiều nhất dãy rừng này. Rời cây pơmu, ông Chống bất chợt cúi xuống bên gốc cây rồi oà reo khi nhìn thấy một cây giống hiếm hoi mới cao chừng 6 cm, thân tựa như sợi cước màu xanh.
Ông Chống không nỡ nhổ cây giống lên mà gọi chúng tôi nhìn xuống. Ông đưa bàn tay vạm vỡ ve vuốt thân cây mỏng mảnh và mấy chiếc lá bé tẹo như li ti dấu chấm.
Nhìn cử chỉ trìu mến với cây giống ấy rồi ngước nhìn cây pơmu sừng sững bên cạnh mới thấm được sự phấn khích không giấu được trên gương mặt cương nghị, sạm nắng của người cựu binh.
Rời cây giống bé tẹo, ông Chống chỉ tay về phía đỉnh núi Au Tiên, bảo: “Đến đây mà chưa lên đỉnh Au Tiên là chưa thấy hết toàn cảnh rừng pơmu".
Chúng tôi lại băng qua dông núi, hăm hở trèo lên đỉnh. Hoá ra, ông Chống đang đưa chúng tôi “lạc” vào rừng pơmu trẻ mới 5-6 tuổi của ông.
Trên đỉnh núi còn một ô đất được rào xung quanh, ở giữa là những bầu cây xanh non. Ông Chống nói: “Cây giống trồng chưa hết nên cất vào đây đề phòng trâu bò dẫm nát, phí lắm. Rừng cây bản địa đấy. “Vàng xanh” cả đấy”.
Theo ông Bạch Quốc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, việc ông Chống và 30 hộ dân trồng thành công rừng pơmu là “cú hích” thực sự mạnh mẽ trong định hướng phát triển ngành lâm nghiệp của Đảng và Nhà nước.
Kết quả trồng rừng pơmu của ông Chống không dễ dàng có được. Ngoài ý nghĩa đáng trân trọng là khôi phục được giống cây bản địa quý hiếm, rừng pơmu của ông Chống và dân bản Huồi Tụ còn là mô hình là hết sức cần thiết cần được nhân rộng. Để nhân rộng được mô hình này cần có công tác truyền thông chuyên sâu, xây dựng chính sách thích hợp để hỗ trợ, giúp người dân trồng rừng pơmu thành công.
Với những nỗ lực của mình, năm 2019, ông Vừ Vả Chống được UBND huyện Kỳ Sơn cử đi dự Hội nghị Cựu chiến binh gương mẫu tỉnh Nghệ An lần thứ 6. Cùng năm 2019, ông Chống vinh dự có mặt tại Hội nghị Cựu chiến binh yêu nước tại Hà Nội. Trước đó, ông nhận nhiều Bằng khen về “thành tích hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” của Hội Nông dân tỉnh Nghệ An… Hiện ông Chống là Bí thư Chi bộ bản Trung tâm kiêm Phó công an xã Huồi Tụ.