| Hotline: 0983.970.780

Người Trung Quốc 'mê' tổ yến Việt Nam: Chất lượng cao, giá thu mua còn thấp

Thứ Ba 13/12/2022 , 10:02 (GMT+7)

Tổ yến Việt Nam khi được đưa sang Trung Quốc tiêu thụ với giá khá cao, song giá thu mua tại Việt Nam chỉ ở mức trung bình khiến người nuôi yến bị thiệt thòi.

"Muốn xuất khẩu tổ yến phải nâng cao chất lượng"

Đó là chia sẻ của ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ông Khiêm cho biết, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc là cơ hội lớn để vào thị trường tiêu thụ yến lớn nhất trên thế giới.

Empty

Tổ yến của Việt Nam có chất lượng được xếp vào top hàng đầu thế giới. Ảnh: KS.

Theo ông Phạm Duy Khiêm, hiện mỗi năm thị trường Trung Quốc tiêu thụ tổ yến với khoảng 300 tấn, tức chiếm khoảng 80% sản lượng tổ yến đạt chất lượng xuất khẩu toàn cầu.

Người tiêu dùng trong nước và cộng đồng người Hoa trên thế giới, cũng như một số nước châu Á rất ưa chuộng tổ yến của Việt Nam vì có hàm lượng dinh dưỡng như protein tổng hợp, acid sialic... cao hơn tổ yến của một số nước khác. Do vậy, đây cũng là lợi thế để ngành yến sào Việt Nam nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu.

Theo số liệu sơ bộ hiện nay với 44 tỉnh, thành trên cả nước có hơn 20.000 nhà dẫn dụ chim yến, tập trung chủ yếu tại các tỉnh như Kiên Giang khoảng 3.000 nhà, Đồng Nai khoảng 2.500 nhà, An Giang khoảng 1.000 nhà và các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Tiền Giang… cũng tương tự khoảng 1.000 nhà. Tổng sản lượng tổ yến từ 120-150 tấn tổ yến thô mỗi năm; với tổng giá trị khoảng 500 triệu USD.

Để nâng tầm giá trị yến Việt sẵn sàng vươn thị trường lớn, hiện nay, các vùng nuôi yến trọng điểm trên cả nước đang thực hiện Văn bản số 8107 của Bộ NN-PTNT về triển khai nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, để chủ nhà yến tham gia chuỗi xuất khẩu tổ yến nên chủ động liên hệ với cơ quan thú y của tỉnh, thành để được hướng dẫn cụ thể.

Empty

Cận cảnh thu hoạch tổ yến của một nhà yến trên địa bàn khu vực Nam Trung bộ. Ảnh: DK.

"Các nhà yến phải nâng cao chất lượng tổ yến mới có cơ hội tham gia chuỗi xuất khẩu tổ yến. Do đó việc làm ngay bây giờ phải nâng cao chất lượng tổ yến để khi các cơ quan thú y rà soát và kiểm nghiệm cùng với các doanh nghiệp được phép xuất khẩu thì lúc đó các nhà yến đã có tổ yến chất lượng sẽ được cấp mã định danh. Đây là bước đầu tiên trong quy trình xuất khẩu bắt buộc chủ nhà yến muốn bán sản phẩm của mình vào chuỗi liên kết sản phẩm phải thực hiện chứ không có cách nào khác”, ông Khiêm chia sẻ và cho biết thêm, về sản lượng tổ yến được xuất khẩu sẽ tùy thuộc vào chất lượng tổ yến của những nhà yến đã được cấp mã định danh. Cơ quan quản lý sẽ giám sát chặt trong việc cung cấp nguyên liệu cho chuỗi liên kết xuất khẩu này tránh trường hợp trà trộn nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc.

Đầu tư chế biến sâu cho tổ yến

Mặc dù tổ yến của Việt Nam được đánh giá chất lượng vào top tốt nhất thế giới, tuy nhiên thời gian qua, đa phần sản lượng tổ yến tiêu thụ nội địa, còn lại một số tổ yến đẹp được các thương lái thu gom xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Tổ yến Việt Nam khi được đưa sang Trung Quốc tiêu thụ với giá khá cao, song giá thu mua tại Việt Nam chỉ ở mức trung bình như tiêu thụ nội địa khiến người nuôi yến bị thiệt thòi.

Empty

Một nhà yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên có rất nhiều chim yến về trú ngụ. Ảnh: KS.

Về nguyên tắc chung, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, các nhà yến không thể tự xuất khẩu mà phải thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu đã được cơ quan chức năng Việt Nam và GACC chấp thuận và có kiểm tra đúng theo quy định như nghị định thư đã kí.

Do đó, các chủ nhà yến cần nhanh chóng liên hệ với Hội Yến sào tại địa phương (nếu có) hoặc với Hiệp hội Yến sào Việt Nam để được hướng dẫn chi tiết, cách triển khai thực hiện những bước ban đầu về giám sát thú y, vệ sinh dịch bệnh, quy trình để đưa tổ yến từ nhà yến cá nhân vào chuỗi liên kết cung cấp nguyên liệu tổ yến thô phục vụ xuất khẩu. Việc này nếu làm càng sớm thì các chủ nhà yến càng được hưởng lợi sớm.

Trong suốt 3 năm qua đàm phán, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp, nhà yến chủ động triển khai mô hình nuôi chim yến và chế biến sâu theo tiêu chuẩn của Trung Quốc. Vì vậy, khả năng tổ yến Việt Nam sẽ sớm có những lô hàng chính thức đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường 1,4 tỷ dân.

Empty

Sơ chế tổ yến để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: KS.

Ghi nhận của chúng tôi một số nhà yến ở khu vực Nam Trung bộ, người nuôi đã và đang chuẩn bị kỹ càng cả về số lượng, chất lượng tổ yến để phục vụ xuất khẩu. Điển hình như Công ty Yến sào Khang Châu tại Phú Yên hiện có 8 nhà yến, với sản lượng thu hoạch từ 20-40 kg tổ yến thô/tháng. Không những thế, công ty này còn là vựa thu mua tổ yến cho toàn nhà yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Trước việc, tổ yến từ Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, bà Trần Bảo Châu, Phó Giám đốc Công ty Yến sào Khang Châu cho biết, rất phấn khởi và sẵn sàng đáp ứng sản phẩm chất lượng phục vụ xuất khẩu. Bởi thời gian qua, công ty luôn chú trọng về áp dụng công nghệ trong sơ chế và sản xuất yến sào theo phương pháp, quy trình tốt nhất có thể, cùng với đầu tư máy móc tiên tiến, áp dụng khoa học công nghệ trong nghề dẫn dụ chim yến cũng như sản xuất các sản phẩm gia tăng liên quan tới yến sào.

Empty

Hiện nay tổ yến của Công ty Yến sào Khang Châu đã đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP. Ảnh: DK.

"Từ năm 2013 đến nay, những nhà yến của công ty đều được cơ quan nhà nước cấp nhiều chứng nhận như: đề án bảo vệ môi trường, chất lượng an toàn thực phẩm: ISO, HACCP, OCOP 4 sao, FDA...”, đại diện Công ty Yến sào Khang Châu chia sẻ và cho biết thêm, sản phẩm tổ yến của công ty trước khi đưa ra thị trường sẽ được sơ chế theo quy trình khép kín. Theo đó, tổ yến thô sau khi thu hoạch sẽ được xử lý vệ sinh thô, sau đó đưa qua phòng sấy khô. Tiếp đến, yến sẽ đưa qua phòng nhặt lông rồi định hình tổ yến, đưa vào phòng sấy lạnh, khử khuẩn, trước khi đưa vào phòng đóng gói, dán tem, kiểm tra chất lượng sản phẩm mới xuất xưởng.

13

Để có tổ yến chất lượng phải qua nhiều công đoạn sơ chế, đến sấy khô và đóng gói. Ảnh: KS.

Với tổ yến của công ty được Viện Pasteur và các tổ chức có chức năng thuộc bộ nông nông nghiệp kiểm định có hơn 27 loại axit amin và hàm lượng protein tổng hợp hơn 65%, acid sialic hơn 6,5% thì tiêu chuẩn này đã đạt vượt qua ngưỡng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (protein 45%, Acid Sialic 5%...). Công ty rất phấn khởi với chất lượng tổ yến như thế này được cung cấp ra thị trường nội địa để người tiêu dùng thụ hưởng tốt nhất. Thời gian tới để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty sẽ nhập những máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại để tổ yến ngày càng gia tăng về giá trị.

Theo ông Phạm Duy Khiêm, để sớm xuất khẩu tổ yến vào thị trường Trung Quốc, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y cần nhanh chóng tiến hành rà soát lại những tiêu chuẩn quy định mà Nghị định thư đã ký kết. Cụ thể là tiến hành giám sát thú y, nâng cao chất lượng tổ yến; cấp mã định danh cho nhà yến… Bên cạnh đó các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc cần sớm thực hiện việc liên kết với các nhà yến, tập hợp danh sách các nhà yến theo chuỗi để triển khai giám sát dịch bệnh, ghi chép nhật ký chăn nuôi, thu hoạch… vì theo thời gian giám sát thú y tối thiểu từ 6-12 tháng.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.