| Hotline: 0983.970.780

16 quy định cần nắm rõ khi xuất tổ yến chính ngạch sang Trung Quốc

Thứ Năm 24/11/2022 , 07:53 (GMT+7)

Doanh nghiệp, người nuôi yến cần rà soát lại quy trình, đáp ứng các yêu cầu, sẵn sàng xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang Trung Quốc, chinh phục thị trường 1,5 tỷ dân.

yến VietFarm13

Công nhân đang sơ chế yến tại Nhà máy VietFarm thuộc Công ty CP Thực phẩm GC. Ảnh: NT.

Không có bệnh cúm gia cầm trong 12 tháng

Theo bà Trần Thị Thu Phương, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Thú y, Bộ NN-PTNT), Nghị định thư xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc bao gồm 16 điều về các quy định đối với nhà nuôi chim yến, doanh nghiệp chế biến tổ yến, doanh nghiệp xuất khẩu, yêu cầu đối với bao bì, ghi nhãn, yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra, giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Về yêu cầu đối với sản phẩm tổ yến, phải là sản phẩm được hình thành/làm từ nước bọt của chim yến, đã được loại bỏ bụi bẩn, lông chim và an toàn cho người tiêu dùng. Sản phẩm phải qua xử lý nhiệt đảm bảo nhiệt độ tâm sản phẩm đạt 70 độ C trong tối thiểu 3,5 giây. Đồng thời, đáp ứng các tiêu chuẩn tại Phụ lục VII, Nghị định 13/2020/NĐ-CP và tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Sản phẩm tổ yến phải có nguồn gốc từ nhà yến được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được cơ quan thú y giám sát dịch bệnh. Không thuộc các tỉnh có bệnh cúm gia cầm trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm xuất khẩu. Sản phẩm từ các doanh nghiệp chế biến đã đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận. Đáp ứng các yêu cầu về bao bì và ghi nhãn sản phẩm của Trung Quốc...

Bà Phương lưu ý, các sản phẩm xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư sẽ bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc Trung Quốc tạm giữ, xử lý, trả lại hoặc tiêu hủy.

Đối với cơ sở nuôi chim yến, phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và gửi danh sách cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc Trung Quốc. Phải được cơ quan thú y giám sát dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle. Có sổ sách ghi chép nhật ký nuôi chim yến, thu hoạch tổ yến. Phải được cơ quan thú y kiểm soát trong quá trình thu hoạch và vận chuyển tổ yến đến doanh nghiệp chế biến.

Đối với doanh nghiệp chế biến yến, phải được Cục Thú y thẩm định, giám sát an toàn thực phẩm. Phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc từ nhà yến đến sản phẩm xuất khẩu. Có hệ thống xử lý nhiệt hiệu quả và có hệ thống quản lý chất lượng (ví dụ HACCP, ISO…). Bên cạnh đó, phải đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo Lệnh 248 và được phía Trung Quốc chấp thuận.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho rằng, cơ hội đã đến với nghề nuôi chim yến lấy tổ, tuy nhiên cần phải quản lý chặt chẽ hơn, sản phẩm phải thực hiện đáp ứng các yêu cầu, điều kiện từ phía nước bạn. Các tổ chức nuôi yến phải kê khai, đăng ký với chính quyền cấp xã, phải tiến hành thẩm định, kiểm định chất lượng, thực hiện các thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý…

"Vùng nuôi chim yến phải hợp pháp, phù hợp với quy hoạch được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Hiện nay, các tỉnh đã có bước triển khai nhưng vẫn còn chậm, mới chỉ có 26 tỉnh thành ban hành Nghị quyết quy hoạch vùng nuôi chim yến", ông Chinh cho hay.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y lưu ý, các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ sở rà soát lại tất cả các điều kiện sản xuất của mình và  cần nghiên cứu kỹ Nghị định thư để triển khai các bước tiếp theo, đáp ứng các tiêu chuẩn, tiến tới xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc. Đồng thời, tổ chức giám sát công khai bệnh cúm gia cầm. 

Đối với địa phương, ông Long lưu ý, cần tham mưu các cấp có thẩm quyền để phát triển ngành yến bền vững, đồng thời quản lý, giám sát, hộ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị định. Nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ các thông tin dữ liệu trên đảm bảo quản lý, giám sát dịch bệnh, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle. Triển khai giám sát về ATTP. Tất cả đều phải có hệ thống quản lý thông tin dữ liệu đảm bảo truy xuất nguồn gốc, truy xuất các vấn đề có liên quan đến địa phương, doanh nghiệp. "Quan trọng nhất là phải đăng ký trên hệ thống của phía Trung Quốc", ông Long nhấn mạnh.

Phía Trung Quốc yêu cầu tất cả các nhà yến đều phải có mã số định danh để truy xuất nguồn gốc. Ảnh: MS.

Phía Trung Quốc yêu cầu tất cả các nhà yến của Việt Nam đều phải có mã số định danh để truy xuất nguồn gốc. Ảnh: MS.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đánh giá, yến Việt Nam có nhiều tiềm năng so với các nước khác, tốc độ tăng trưởng nhà nuôi yến cũng tăng khá nhanh. Việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc sẽ giúp cho nghề nuôi yến được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp hơn phát triển bền vững hơn.

Cần giải bài toán mã số định danh nhà nuôi yến

Theo ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội yến sào Việt Nam, việc hai nước ký Nghị thư về xuất khẩu tổ yến là cơ hội để khẳng định vị trí cũng như giá trị của tổ yến Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt điều đó, ông Đại cho rằng, các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành yến cần phải đầu tư về khoa học công nghệ cũng như quy trình sản xuất khai thác và chế biến hiện đại hơn, khoa học hơn mới đáp ứng được yêu cầu của phía Trung Quốc.

Để chuẩn bị cho tiến trình chính thức xuất khẩu yến sang Trung Quốc, ông Đại cho biết, Hiệp hội cũng đã tập huấn cho các chủ nhà yến về kiến thức quản lý, vận hành một nhà yến hiệu quả. Đồng thời, Hiệp hội cũng tổ chức tập huấn về ATTP, vệ sinh công nghiệp để đảm bảo cho nhà yến được vệ sinh sạch sẽ, an toàn cho người nuôi và sản phẩm tổ yến và đặc biệt là vận chuyển tổ yến làm sao đảm bảo an toàn, hiệu quả và không có ảnh hưởng đến vấn đề ATTP.

Đồng thời, Hiệp hội yến sào Việt Nam cũng đã ký kết với Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương II chương trình kiểm dịch, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm cho các nhà yến có đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Hiệp hội cũng phối hợp với Cục Thú y, các Chi cục Thú y vùng để tiến hành chương trình giám sát vận hành nhà yến theo chuẩn của Trung Quốc, không để dịch bệnh, côn trùng xâm nhập làm ảnh hưởng đến chất lượng của tổ yến.

“Chúng tôi cũng xây dựng các trang trại ở các tỉnh để nhằm tập hợp tập trung các nhà yến vào quản lý theo đúng mô hình của hiệp hội, để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao. Hiệp hội cũng liên kết với một số doanh nghiệp để thành lập các nhà máy chế biến và tinh chế sản phẩm yến sào đạt tiêu chuẩn HACCP và ISO, nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu với công suất lớn và dưới quy trình khép kín không có một ảnh hưởng gì đến chất lượng của yến sào”, ông Lê Thành Đại thông tin.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội yến sào Việt Nam cho rằng, khó khăn hiện nay là phía Trung Quốc yêu cầu tất cả các nhà yến đều phải có mã số định danh để truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, thực trạng 10 năm qua, 80% nhà yến chủ yếu phát triển theo nhu cầu tự phát, không có một quy định nào về thủ tục pháp lý.

“Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là UBND các tỉnh thành sớm công nhận các cơ sở nhà yếnhiện hữu đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với công năng của nhà yến để có cơ sở pháp lý triển khai chương trình này”, Chủ tịch Hiệp hội yến sào Việt Nam kiến nghị.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) nên chúng ta phải bán những cái mà thị trường cần chứ không phải mang ra bán cái mà chúng ta có. Vì vậy, phải đảm bảo được các tiêu chí mà Nghị định thư yên cầu, đặc biệt là cần phải giám sát bệnh Newcastle và H5N1. Đây là hai bệnh vẫn đang tồn tại ở Việt Nam.

Được biết, sau quá trình đàm phán, bước đầu thống nhất mẫu giấy kiểm dịch hai bên và tới đây, sẽ rà soát các tiêu chí của các nhà yến đã đăng ký với Trung Quốc và phải có mã số định danh của nhà yến. Các thông tin về an toàn thực phẩm phải được truy xuất đến từng địa chỉ, từng nơi, thông tin về chất lượng, yêu cầu dịch bệnh phải được cụ thể hoá khi xuất sang Trung Quốc cũng như các nước khác.

Truy xuất nguồn gốc là điều kiện tiên quyết, Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi hướng dẫn các chi cục, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thực hiện đúng theo yêu cầu của Nghị định thư. Về vùng an toàn dịch bệnh, Việt Nam đã có kinh nghiệm khi làm vùng an toàn trên thủy sản, gia cầm và chăn nuôi lợn và đã xuất khẩu thành công thịt gà sang thị trường Nhật Bản, thịt lợn sang Hồng Kông, Hàn Quốc. Với kinh nghiệm đó, Bộ chỉ đạo Cục Thú y hướng dẫn địa phương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đảm bảo được các tiêu chí của thị trường Trung Quốc”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.