Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (sau đây gọi tắt là Nghị định thư) đã được Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký và có hiệu lực từ ngày 9/11/2022.
Đây là cơ hội và động lực quan trọng để ngành yến Việt Nam phát triển, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế rất cao, tạo nhiều việc làm cho người dân các địa phương.
Để tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các nội dung của Nghị định thư, cũng như để xây dựng, phát triển ngành yến Việt Nam có trách nhiệm, bền vững, bảo đảm giữ vững thương hiệu tổ yến Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, cũng như các thị trường tiềm năng khác, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp có liên quan tại địa phương chủ động, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT tổ chức triển khai một số nội dung sau:
Đối với các địa phương: Nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, các nội dung của Nghị định thư để có kế hoạch cụ thể, tổ chức sản xuất các sản phẩm tổ yến đã qua chế biến nhằm đáp ứng yêu cầu và được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đối với công tác quản lý nuôi chim yến: Tổ chức xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi chim yến, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về chăn nuôi, phù hợp với tập tính hoạt động của chim yến.
Rà soát, đánh giá và cấp mã số cho các nhà nuôi chim yến hiện có tại địa phương, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; lập danh sách các cơ sở đáp ứng yêu cầu gửi Bộ NN-PTNT (Cục Thú y) để hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức sản xuất phục vụ xuất khẩu. Xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu nuôi chim yến tại địa phương để phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên chim yến: Tổ chức phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh trên gia cầm (như Cúm gia cầm, Newcastle,...) để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh sang đàn chim yến tại địa phương.
Chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để chứng minh không có các bệnh (Cúm gia cầm, Newcastle) trên đàn gia cầm và trên đàn chim yến tại địa phương; đồng thời phối hợp với Cục Thú y tổ chức lấy mẫu giám sát tại các cơ sở có nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc (để xuất khẩu sang Trung Quốc cần chứng minh trong khoảng thời gian tối thiểu 12 tháng tính từ thời điểm xuất khẩu trở về trước không có các bệnh Cúm gia cầm, Newcastle).
Xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu về dịch bệnh, kết quả giám sát các bệnh Cúm gia cầm, Newcastle tại địa phương.
Đối với công tác kiểm soát, bảo đảm an toàn thực phẩm: Phối hợp để tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để chứng minh bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến các sản phẩm yến tại các cơ sở có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm tổ yến.
Xây dựng hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu về giám sát an toàn thực phẩm tại địa phương.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến sản phẩm tổ yến: Nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, các nội dung của Nghị định thư (được gửi kèm theo công văn này) để có kế hoạch cụ thể, tổ chức sản xuất các sản phẩm tổ yến đã qua chế biến nhằm đáp ứng yêu cầu và được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Chủ động rà soát, đầu tư nâng cấp các điều kiện của chuỗi cơ sở sản xuất, chế biến bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Có văn bản gửi Cục Thú y đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc; kèm theo danh sách các nhà nuôi chim yến cung cấp tổ yến nguyên liệu cho doanh nghiệp (bao gồm các thông tin: mã số nhà yến, tên và địa chỉ nhà yến, diện tích và sản lượng nhà yến) gửi Cục Thú y để thẩm định và gửi cho phía Trung Quốc.
Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương để tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh Cúm gia cầm, Newcastle tại các nhà nuôi chim yến của doanh nghiệp; tổ chức giám sát, lấy mẫu giám sát các chỉtiêu an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc.
Xây dựng hệ thống quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm có thể truy xuất từ nhà nuôi chim yến đến sản phẩm xuất khẩu.
Chuẩn bị hồ sơ, thông tin, dữ liệu để đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y.
Đối với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT:
Giao Cục Thú y: Tiếp tục đàm phán và thống nhất mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Hàng năm, xây dựng, trình Bộ NN-PTNT phê duyệt, cấp kinh phí, cũng như sử dụng kinh phí từ nguồn thu phí, lệ phí của Cục Thú y, các đơn vị thuộc Cục Thú y để tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh Cúm gia cầm và Newcastle trên chim yến tại các nhà nuôi yến xuất khẩu; kế hoạch giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc đối với sản phẩm tổ yến của các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu.
Trước ngày 30/3 hàng năm, cung cấp cho phía Trung Quốc báo cáo kết quả giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm và kế hoạch của năm tiếp theo.
Xây dựng quy trình kiểm soát vệ sinh thú y đối với tổ yến trong quá trình thu hoạch và vận chuyển từ nhà nuôi chim yến đến cơ sở chế biến.
Là đầu mối để trao đổi, thống nhất các nội dung kỹ thuật với các cơ quan liên quan của Trung Quốc để tổ chức thực hiện Nghị định thư; tổ chức thẩm định và cung cấp cho phía Trung Quốc danh sách các nhà nuôi chim yến đủ điều kiện cung cấp tổ yến nguyên liệu; các doanh nghiệp sơ chế, chế biến sản phẩm tổ yến theo các tiêu chí của Trung Quốc.
Ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết (quy trình, các bước, cách thức,…) để các doanh nghiệp nghiên cứu, đăng ký xuất khẩu các sản phẩm yến sang Trung Quốc, bảo đảm rõ ràng, công khai, minh bạch, công bằng trong quá trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc.
Thành lập các tổ công tác kỹ thuật đến các địa phương, doanh nghiệp để phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn tổ chức sản xuất, bảo đảm thực hiện đúng các yêu cầu của Nghị định thư để xuất khẩu các sản phẩm yến sang Trung Quốc.
Xây dựng hệ thống trực tuyến để quản lý thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu về chuỗi các cơ sở xuất khẩu các sản phẩm tổ yến, dịch bệnh, kết quả giám sát dịch bệnh, giám sát an toàn thực phẩm, phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Giao Cục Chăn nuôi: Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương rà soát quy hoạch vùng nuôi chim yến, tiêu chí phân loại theo quy mô của nhà nuôi yến và cấp mã số cho các nhà nuôi chim yến. Xây dựng dữ liệu quốc gia về số lượng nhà nuôi chim yến, sản lượng tổ yến sát thực tế, có độ chính xác cao để phục vụ công tác quản lý, xuất khẩu; đồng thời chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan với Cục Thú y để cung cấp theo yêu cầu của Trung Quốc.
Giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung tâm Khuyến nông quốc gia: Thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm tổ yến Việt Nam tại các diễn đàn, hội chợ trong nước và quốc tế.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện xây dựng các mô hình, khoá tập huấn về chăn nuôi yến theo chuỗi liên kết sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sản phẩm yến đã qua chế biến.
Phối hợp với Cục Thú y hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp tổ chức xây dựng các chuỗi sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị thuộc Bộ tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các nội dung nêu trên.