Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) chuỗi sản xuất - tiêu thụ thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ có sự khác nhau giữa các hình thức.
Cụ thể, không liên kết (thịt gia cầm 86%, trứng gia cầm 74%); có liên kết (thịt gia cầm 12%, trứng gia cầm 22%); hợp nhất (thịt gia cầm 2%, trứng gia cầm 4%). Giá trong chuỗi thịt không liên kết rẻ hơn 10%, lợi nhuận thấp hơn 10,9%.
Trên cơ sở đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đưa ra các giải pháp, từ đặc điểm thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, các tỉnh vùng Đông Nam bộ cần tổ chức sản xuất theo chuỗi có liên kết hoặc hình thức hợp nhất. Phát triển các hình thức liên kết: Hợp tác xã; hợp đồng cung cấp nguồn lực; hợp đồng tiêu thụ... Thay đổi tư duy trong tổ chức sản xuất dựa theo nhu cầu thị trường và theo hợp đồng liên kết.
Bên cạnh đó, liên kết theo chuỗi để đủ năng lực hướng tới thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh đầu tư cho khâu chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng và thúc đẩy thị hiếu tiêu thụ; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm...
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán, đây là thời điểm vàng để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Qua các thống kê cho thấy, năng lực sản xuất thịt và trứng gia cầm của vùng Đông Nam bộ là rất lớn. Do đó, để chăn nuôi bền vững, cần phải có những giải pháp ngắn, trung và dài hạn.
Về ngắn hạn, hiện tại chúng ta đã yên tâm việc xuất khẩu đạt 361 triệu USD, tuy nhiên, thị trường trong nước lại cần phải hết sức lưu ý. Giá trứng hiện dao động khoảng 2.500 đồng/quả, gà lông màu 42.000 đồng/kg, lợn 53.000-57.000 đồng/kg. Tất cả các chỉ số này rất quan trọng, thể hiện giá trị sản phẩm của người sản xuất khi đưa vào các siêu thị, đóng góp quan trọng kìm chế chỉ số CPI dưới 4%.
"Từ nay đến tết Nguyên đán, các chủ thể cần kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nắm bắt kịp thời diễn biến thị trường. Ngoài ra, cần đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với tất cả các mặt hàng tiêu thụ trong dịp tết, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh - một thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước", ông Toản nhấn mạnh.
Cũng theo ông Toản, đối với áp lực nhập khẩu các mặt hàng, sản phẩm thịt lạnh trong khi nguồn cung trong nước rất dồi dào, kiến nghị Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tham mưu cho Bộ NN-PTNT có những điều chỉnh kịp thời không chỉ về sản phẩm gia cầm mà còn các mặt hàng khác như thịt bò, lợn…
Bên cạnh đó, xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chế biến của người chăn nuôi, doanh nghiệp.
Đồng thời, cần nâng cao năng lực quản trị theo chuỗi, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, chủ thể để tăng chuỗi giá trị. Ngoài xuất khẩu, phải chăm lo cho thị trường nội địa. Hiện nay, đã có các chuỗi phân phối ở khu vực Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh như các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện dụng…
Tới đây, cần phải có giải pháp nâng cao năng lực phân phối tại chỗ, phát huy tăng trưởng nội địa. Mỗi siêu thị chỉ cần gia tăng thu mua sẽ giúp giải bài toán về thị trường.
Ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam đưa ra khuyến cáo: Các doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu gà đông lạnh khi nguồn cung trong nước đang dồi dào; tăng cường chế biến sâu sản phẩm thịt gia cầm, tạo nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm, từ đó, bình ổn thị trường cũng như nâng cao giá trị gia tăng.