| Hotline: 0983.970.780

Kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ:

'Mỗi siêu thị chỉ cần gia tăng thu mua sẽ giúp giải bài toán về thị trường'

Thứ Năm 08/12/2022 , 08:15 (GMT+7)

'Tới đây, chúng ta phải nâng cao năng lực phân phối tại chỗ, phát huy tăng trưởng nội địa. Mỗi siêu thị chỉ cần gia tăng thu mua sẽ giúp giải bài toán về thị trường', ông Nguyễn Quốc Toản khẳng định.

Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ.

Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ.

Ngày 8/12, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 chủ trì tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ.

Diễn đàn được tổ chức nhằm kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ đến các thành phố lớn và các tỉnh trong cả nước cũng như xuất khẩu.

Đồng thời, Diễn đàn cũng là nơi nắm bắt thông tin, đặc biệt là thông tin về chuỗi giá trị thịt và trứng gia cầm nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với điểm cầu chính ở Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Hà Nội; Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam tại TP. HCM cũng như các điểm cầu tại Sở NN-PTNT các tỉnh thành; cùng với nhiều đại biểu tham dự là các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã; các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước tham gia trên nền tảng Zoom.

Tất cảTổng thuật

11 giờ 30 phút

Ngoài xuất khẩu, phải chăm lo cho thị trường nội địa

DSC01219

Phát biểu kết thúc diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản (ảnh), Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), khẳng định chủ đề Diễn đàn rất cụ thể và đi vào trọng tâm, Đông Nam bộ là cực tăng trưởng kinh tế - xã hội của phía Nam và cả nước, đây là vùng sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực như trái cây và các nhóm thực phẩm cũng như chuỗi cung ứng thịt vô cùng quan trọng.

Thời điểm này, chỉ còn hơn 1 tháng là đến Tết Nguyên đán, đây là thời gian vàng để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua phần trình bày, tham luận của đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ Bộ NN-PTNT và các Hiệp Hội, diễn giả, người chăn nuôi, có thể thấy năng lực sản xuất vùng này rất lớn, để chăn nuôi bền vững, chúng ta cần phải có những giải pháp ngắn, trung và dài hạn.

Về ngắn hạn, hiện Tết nguyên đán đang đến gần, hiện chúng ta đã yên tâm việc xuất khẩu đạt 361 triệu USD, tuy nhiên, cần phải lo về thị trường trong nước. Giá trứng hiện dao động khoảng 3.500 đồng, gà lông màu 42.000 đồng, lợn 53.000-57.000 đồng… tất cả các chỉ số này rất quan trọng, thể hiện giá trị sản phẩm của người sản xuất khi đưa vào các siêu thị, đóng góp quan trọng kìm chế chỉ số CPI dưới 4%.

"Qua ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia diễn đàn hôm nay, chúng tôi thống nhất từ nay đến tết cần kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nắm bắt kịp thời diễn biến thị trường", ông Toản nói. "Ngoài ra, cần đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với tất cả các mặt hàng tiêu thụ trong dịp Tết, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh - một thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước".

Cũng theo lời Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, đối với áp lực nhập khẩu các mặt hàng, các sản phẩm thịt lạnh trong khi nguồn cung trong nước rất dồi dào, kiến nghị Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các cơ quan liên quan có nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tham mưu Bộ không chỉ về sản phẩm gia cầm mà còn các mặt hàng khác như thịt bò, lợn… Đồng thời, làm sao tăng năng lực sản xuất, chế biến của người chăn nuôi, doanh nghiệp.

"Chúng ta cần nâng cao năng lực quản trị theo chuỗi và phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan, các chủ thể để tăng chuỗi giá trị. Ngoài ra, chúng ta cần nỗ lực tập trung sản xuất các sản phẩm chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu", ông Toản gợi ý.

Ngoài xuất khẩu, phải chăm lo cho thị trường nội địa, chúng ta đã có các chuỗi phân phối ở khu vực Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh như các chuỗi siêu thị, các cửa hàng thực phẩm tiện dụng… Tới đây, chúng ta phải nâng cao năng lực phân phối tại chỗ, phát huy tăng trưởng nội địa, "mỗi siêu thị chỉ cần gia tăng thu mua sẽ giúp giải bài toán về thị trường", ông Toản nêu ý kiến.

Việc giải quyết phụ phẩm trong chăn nuôi, là chuyện lâu dài, đây nguồn lực to lớn, ta đang theo đuổi tăng trường xanh, kinh tế tuần hoàn, để làm được điều đó phải giải quyết được vấn đề xử lý các phụ phẩm. Vùng Đông Nam bộ có phụ phẩm lớn, nếu được quan tâm sẽ giúp đầu vào tốt cho trồng trọt hữu cơ. Hiện các sản phẩm hữu cơ và Organic có thị trường xuất khẩu tốt, nếu làm tốt điều này sẽ giúp gia tăng đóng góp của ngành chăn nuôi vào tăng trưởng. Ông Toản mong muốn các tỉnh thành cần quan tâm hơn vấn đề này.

Vấn đề cuối cùng ông Toản đề cập, đó là làm sao để nâng cao năng lực thị trường cho các HTX, người nông dân. "Có thể thấy việc thiết lập không gian bán hàng trên mạng tại khu vực Đông Nam bộ còn khiêm tốn. Nền tảng thương mại điện tử sẽ là cơ hội mở ra giúp các doanh nghiệp, HTX đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh", ông Toản phát biểu.

"Mong muốn các doanh nghiệp tập trung tham gia, xây dựng hạ tầng sàn thương mại điện tử. Tới đây, Cục sẽ phối hợp Alibaba và nhiều nền tảng điện tử khác tổ chức các diễn đàn, trang bị kiến thức kỹ năng cho người sản xuất, các HTX, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, nâng cao năng lực kinh doanh…", Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản khẳng định.

10 giờ 25 phút

Alibaba sẽ tập huấn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

ba kim ngan

Theo thông tin từ bà Lê Thị Kim Ngân (ảnh), Giám đốc kinh doanh công ty Alibaba Việt Nam, Alibaba là sàn điện tử mua bán sỉ lớn nhất thế giới. Hiện Alibaba có 40 triệu khách hàng mua bán thường xuyên thuộc 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Alibaba cung cấp tính năng xác thực từ bên thứ 3; hệ thống quan hệ khách hàng CRM; gian hàng quốc tế trưng bày các sản phẩm không giới hạn, quản trị từ khóa Marketing thông minh, RFQ – trả lời yêu cầu báo giá; hệ thống quản lý phân tích dữ liệu; tự động chuyển đổi ngôn ngữ, kệ trưng bày sản phẩm.

"Việt Nam là thị trường mới nổi nên có rất nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm", bà Ngân thông tin. Tháng 11 vừa qua đã có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn Việt Nam đã tham gia kết nối tiêu thụ nông sản xuyên biên giới.

Tới đây, Alibaba sẽ tập huấn doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam bán hàng qua kênh thương mại điện tử Alibaba và giúp các địa phương hướng tới thương mại công bằng, nâng cao năng lực quản lý thị trường nông sản cho các chủ thể tham gia sản xuất.

10 giờ 15 phút

Cần liên kết tiêu thụ trứng gia cầm

trung ga

Tây Ninh hiện có hơn 9 triệu con gia cầm, với 107 trang trại chăn nuôi, trong đó 76 trang trại gà và 31 trang trại vịt. Riêng trong năm 2022, số trang trại đã tăng 20%, do nhiều trang trại được cấp phép đầu tư đi vào hoạt động. Hiện cũng đang có thêm chuỗi chăn nuôi gà trứng do Malaysia đầu tư, với 2 trang trại, công suất 1 triệu quả/trang trại. Năng lực sản xuất của tỉnh hiện nay khoảng 650 triệu quả trứng, trong đó cần xuất đi ngoài tỉnh ít nhất là 30% sản lượng, do đó, cần có đơn vị liên kết tiêu thụ ổn định.

Về chăn nuôi lợn, có 77 dự án đầu tư nhưng mới có 17 trang trại vào hoạt động. Sản lượng thịt lợn và thịt bò sản xuất hiện chỉ đủ cho nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Đến nay, Tây Ninh đã xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại huyện Dương Minh Châu và đã được cục Thú y công nhận; ngoài ra còn có 59 cơ sở chăn nuôi gà an toàn sinh học. Hiện, tỉnh đang xây dựng thêm vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại huyện Gò Dầu và sẽ sớm trình Cục Thú y công nhận.

10 giờ 05 phút

Ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc quản lý chất lượng Công ty San Hà kiến nghị: Hiện tại, nguồn hàng chuẩn bị Tết Nguyên đán rất đầy đủ và phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, trong thực hiện chuỗi liên kết còn lỏng lẻo, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, các bên tham gia thiếu vốn...

Do đó, mong muốn các cơ quan quản tiếp tục triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ để làm cầu nối, đỡ đầu cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm; các thành tố tham gia chuỗi liên kết phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn để cùng nhau gia tăng lợi ích.

9 giờ 55 phút

3 vấn đề của Đồng Nai

ong nguyen chi cong

Ông Nguyễn Trí Công (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết tỉnh đang cần giải quyết 3 vấn đề. Đầu tiên, phải khẳng định là khâu dự báo thị trường của tỉnh khá yếu, người chăn nuôi hầu như không nắm được biến động thị trường, hầu hết sản xuất theo hướng rủi may, thị trường lên giá thì không được hưởng lợi, nhưng khi thị trường đi xuống thì họ gánh chịu là chính. Do đó, dự báo thị trường rất cần thiết.

Thứ 2, ông Công đề xuất đưa Ngân hàng Nông nghiệp trở thành ngân hàng đặc thù của ngành nông nghiệp. "Hiện lãi suất ngân hàng rất biến động, lãi suất rất cao trong khi người nuôi vẫn đang chịu lỗ, từ việc trở thành đặc thù, Nhà nước có cơ chế để ngân hàng giữ nguyên lãi suất và có lãi suất trong thời gian dài để người chăn nuôi ổn định sản xuất", Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai phân tích.

Cuối cùng, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm còn bất cập. Việc truy xuất nguồn gốc là cơ sở quan trọng để đánh giá thực phẩm an toàn. Theo ông Công, các tỉnh thành đều có các cơ quan thanh kiểm tra, để làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan cần tăng cường thanh kiểm tra hơn nữa.

Nói riêng về nghịch lý tỉnh Đồng Nai đang đối mặt, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai thông tin, tỉnh hiện có 1,7 triệu gia cầm nhưng lại không có cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, sản phẩm của tỉnh phải ngược về Long An giết mổ và trở lại người tiêu dùng Đồng Nai, từ đó người tiêu dùng phải sử dụng giá cao, người chăn nuôi bán giá thấp.

Ông Công mong muốn tỉnh cần quan tâm quy hoạch, kêu gọi doanh nghiệp xây dựng khu giết mổ tập trung gia cầm quy mô lớn. Bên cạnh đó, theo ông, Đồng Nai cần quan tâm môi trường, xử lý phân hữu cơ từ các trang trại để nâng cao giá trị.

"Chúng ta đã có các phần mềm, đề nghị khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sử dụng và phổ biến rộng rãi tới các chủ thể chuỗi liên kết để chủ động dự báo thị trường, chủ động sản xuất theo thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí của thị trường…", ông Nguyễn Trí Công kết thúc phần tham luận.

9 giờ 45 phút

VIGOVA đề xuất được nhập khẩu giống gia cầm cao sản chất lượng cao

con giong

Ông Lê Văn Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm VIGOVA (trực thuộc Phân Viện Chăn nuôi Nam bộ - Viện Chăn nuôi - Bộ NN-PTNT) kiến nghị: Trung tâm là đơn vị nghiên cứu, chuyển giao con giống gia cầm tại phía Nam. Trong 2 năm vừa qua, hoạt động chăn nuôi gia cầm nhìn chung gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị Bộ NN-PTNT, Cục Chăn nuôi cho phép Trung tâm được nhập khẩu những giống gia cầm cao sản chất lượng cao để tạo ra con giống tốt phục vụ cho vùng Đông Nam bộ.

"Bên cạnh đó, do dịch bệnh và giá thành sản xuất gia cầm cao, trong khi giá bán con giống thấp, đề nghị Cục Chăn nuôi hỗ trợ Trung tâm nuôi giữ giống gốc, chuyển giao con giống đến các địa phương", ông Sỹ kiến nghị.

9 giờ 35 phút

Phát triển chăn nuôi bền vững cần có quy hoạch ổn định

ong tong quang minh

Ông Tống Quang Minh (ảnh), Phó Trưởng đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm phía Nam cho biết, hiện nay, tốc độ đô thị hóa rất nhanh nên phát triển chăn nuôi ở ngoại thành sẽ phải di dời. Vì vậy, để phát triển chăn nuôi bền vững thì địa phương cần phải có quy hoạch phát triển chăn nuôi ổn định, với tầm nhìn dài hơi.

Người đầu tư chăn nuôi trang trại phải đảm bảo an toàn sinh học và cần có chính sách liên kết chuỗi chăn nuôi, từ nhà sản xuất con giống, thức ăn, đến chăn nuôi, chế biến giết mổ và tiêu thụ. Người chăn nuôi và các đơn vị cung ứng dịch vụ cần có hợp đồng, chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro. Ý tưởng lập Quỹ bình ổn chăn nuôi là tốt nhưng thực hiện không hề dễ. Muốn thành lập được thì cần phải có sự tham gia của bên tài chính, ngân hàng nông nghiệp, hỗ trợ người đầu tư vay vốn ưu đãi…

9 giờ 25 phút

Vĩnh Long: Ngành chăn nuôi phát triển ổn định

Nhập chú thích ảnh

Tham luận tại diễn đàn, ông Huỳnh Kim Linh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết, trong năm 2022, ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định. Hiện toàn tỉnh Vĩnh Long có tổng đàn lợn 178.000 con, có khả năng cung ứng 305.000 tấn thịt/năm. Tuy nhiên, mỗi năm, tỉnh vẫn cần nhập thêm 250.000 con heo thịt.

Tỉnh có đàn gà 730.000 con, có khả năng cung cấp 29 triệu quả trứng trên năm. "Với dân số 1 triệu người, hiện tỉnh vẫn đang thiếu hụt khoảng 20 quả trứng/người/năm và phải nhập từ các tỉnh bạn", ông Linh thông tin thêm.

Phương hướng trong thời gian tới, ngành nông nghiệp địa phương sẽ cố gắng duy trì đàn lợn vào khoảng 360.000 con, gia cầm 14 triệu con, và 28.000 con dê.

Để làm được điều đó, từ nay đến năm 2023, ngành nông nghiệp Vĩnh Long khuyến khích chăn nuôi tập trung, chăn nuôi hữu cơ gắn với an toàn dịch bệnh, đẩy mạnh nuôi giống cao sản; Tăng cường phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu sản phẩm để nâng cao chuỗi giá trị; Tăng cường kiểm tra giết mổ, nâng cao năng lực vận chuyển, kiểm soát vật tư, an toàn thực phẩm, tập trung phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

9 giờ 15 phút

Cuối năm, nhu cầu thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh tăng 20-30%

Đại diện Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp (Sở NN-PTNT TP. Hồ Chí Minh) thông tin: Từ nay tới dịp tết, nhu cầu thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh tăng 20-30%, nhu cầu về trứng khoảng 105 triệu quả/tháng.

Trên cơ sở đó, Đại diện Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp mong muốn các tỉnh thành phố lân cận phối hợp, cung cấp nguồn thực phẩm cho TP. Hồ Chí Minh, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu cho người dân.

9 giờ 10 phút

Bình Dương đảm bảo cung ứng đủ sản phẩm chăn nuôi dịp cuối năm

chan nuoi

Trại nuôi gà lấy trứng tại Bình Dương của Công ty Ba Huân. Ảnh: Phiêu Nhiên/Báo Nhân dân.

Theo đại diện Sở NN-PTNT Bình Dương, trong năm 2022, toàn tỉnh có 112 cơ sở được chứng nhận VietGAP, trong đó gồm 9 cơ sở chăn nuôi, 103 trồng trọt. Địa phương rất quan tâm về an toàn dịch bệnh, và hiện xây dựng được 198 trang trại an toàn dịch bệnh, chất lượng sản phẩm chăn nuôi được đảm bảo tốt. Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng được 27 chuỗi liên kết cung ứng các sản phẩm an toàn. "Nhìn chung, tình hình chăn nuôi Bình Dương ổn định, phát triển tốt, không để xảy ra dịch bệnh", vị đại diện tổng kết.

Thông tin về thị trường cuối năm và phục vụ tết, đại diện Sở NN-PTNT Bình Dương cho biết tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, nhìn chung số lượng hàng hóa rất dồi dào, đảm bảo cung ứng cho người dân địa phương và các tỉnh thành lân cận.

Đại diện Sở NN-PTNT Bình Dương đề xuất các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, từng bước xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ, hình thành các chuỗi, các cơ sở sản xuất quy mô lớn giúp giảm giá thành, mang lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt, không sản xuất theo phong trào, người chăn nuôi nên tìm hiểu thị trường, kết nối được đầu ra trước khi bắt tay sản xuất.

9 giờ 00 phút

Thay đổi tư duy trong tổ chức sản xuất

ong vu cuong

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Cường (ảnh), Trưởng phòng Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) đã đưa ra những giải pháp nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ.

Theo ông Cường, chuỗi sản xuất-tiêu thụ thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam Bộ có sự khác nhau giữa các hình thức. Cụ thể, không liên kết (thịt gia cầm 86%, trứng gia cầm 74%); có liên kết (thịt gia cầm 12%, trứng gia cầm 22%); hợp nhất (thịt gia cầm 2%, trứng gia cầm 4%).

Giá trong chuỗi thịt không liên kết rẻ hơn 10%, lợi nhuận thấp hơn 10,9%. Trên cơ sở đó, ông Cường đưa ra các giải pháp: Từ đặc điểm thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, cần tổ chức sản xuất theo chuỗi có liên kết hoặc hình thức hợp nhất. Phát triển các hình thức liên kết: Hợp tác xã (cơ chế chia sẻ lợi ích và rủi do giữa các tác nhân trong chuỗi); hợp đồng cung cấp nguồn lực; hợp đồng tiêu thụ (tổ chức kết nối các tác nhân trong chuỗi). Thay đổi tư duy trong tổ chức sản xuất (dựa theo nhu cầu thị trường và theo hợp đồng liên kết).

Bên cạnh đó, liên kết theo chuỗi để đủ năng lực hướng tới thị trường xuất khẩu (chuỗi thịt gà xuất khẩu sang Nhật: De Heus cung cấp thức ăn, Bel gà cung cấp con giống, Hùng Nhơn chăn nuôi, Koyu giết mổ và chế biến). Đẩy mạnh đầu tư cho khâu chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng và thúc đẩy thị hiếu tiêu thụ. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền (về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm).

8 giờ 50 phút

Người Việt Nam tiêu thụ thịt và trứng còn ít so với các nước châu Á

ong dinh viet tu

Tham luận tại diễn đàn, ông Đinh Viết Tú (ảnh), Phó Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Vùng I, thông tin: Hiện nay bình quân người Việt Nam tiêu thụ 55 - 57 kg thị các loại, 130 - 135 quả trứng/năm, chỉ bằng 70-80% so với các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tổng lượng thịt chúng ta sản xuất được khoảng 6,5 triệu tấn và trứng gia cầm, thủy cầm là 17 tỷ quả/năm. Phần lớn là sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa, tỷ lệ xuất khẩu chiếm rất thấp.

Hiện chúng ta đang xuất khẩu thịt và trứng đi 26 nước, trong đó 4 thị trường lớn là Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu trên 3 tỷ USD về mặt hàng thịt. Trong đó, thịt lợn tươi chiếm thị phần lớn nhất, tiếp đến là các loại thịt khác và phụ phẩm gia cầm. Chúng ta đã có các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất, cung ứng thịt và trứng, hình thành được chuỗi cung ứng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và giá trị ngành hàng.

Số lượng thịt và trứng sản xuất ra chủ yếu là tiêu thụ nội địa, thông qua hệ thống siêu thụi, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa, cửa hàng nông sản an toàn và các chợ truyền thống.

8 giờ 40 phút

Hạn chế nhập khẩu gà đông lạnh khi nguồn cung trong nước đang dồi dào

ong do huu phuong

Ông Đỗ Hữu Phương (ảnh), đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam: Đông Nam bộ là vùng trọng điểm phía Nam, đi đầu cả nước về chăn nuôi, đặc biệt là gia cầm.

Qua 11 tháng theo dõi, phân tích, gà công nghiệp chuyên thịt lông trắng là đối tượng biến động giá phức tạp nhất, tăng giảm nhiều nhất. 2 tháng đầu năm, gà lông trắng chịu lỗ, bình quân giá gà xuất chuồng 31.800 đồng, mỗi kg gà chịu lỗ 1.063 đồng. Giá gà lông màu tương đối ổn, bà con lãi ít. 10 tháng xuất khẩu gia cầm đạt 1 ngàn tấn (trị giá 2,2 triệu USD).

Ông Phương đề xuất một số giải pháp nhằm giảm giá thành và giảm nhập khẩu gà đông lạnh, đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu khi nguồn cung trong nước đang dồi dào.

Bên cạnh đó, ông Phương cũng đề cập tới việc giảm giá bán lẻ để kích cầu, tăng cường chế biến sâu sản phẩm thịt gia cầm, tạo nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm, từ đó bình ổn thị trường cũng như nâng cao giá trị gia tăng.

Đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam cũng đề nghị ngân hàng hỗ trợ tín dụng, giúp giảm khó khăn cho nông dân, xem xét phương án phù hợp hỗ trợ người chăn nuôi.

Ông Đỗ Hữu Phương cũng khuyến cáo doanh nghiệp, người dân chăn nuôi an toàn sinh học, tuyệt đối thực hiện nghiêm chăn nuôi an toàn sinh học để kiểm soát dịch bệnh; Tích cực chuyển đổi số để nắm bắt thông tin cung cầu trên thị trường; Cải tiến chính sách chuỗi liên kết và nhân rộng mô hình chuỗi liên kết. 

Ngoài ra, Đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam cũng đề xuất kiểm tra rà soát, đánh giá thực trạng kênh phân phối để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, người chăn nuôi; Thành lập quỹ bình ổn về giá thịt để hỗ trợ điều tiết thị trường tốt hơn....

8 giờ 30 phút

Hướng tới mục tiêu chung - xây dựng ngành chăn nuôi ngày càng phát triển

anh dam 1

Ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu mở đầu diễn đàn.

Mở đầu Diễn đàn, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam đánh giá: Diễn đàn kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ tập trung vào một vấn đề rất cụ thể, khu vực rất cụ thể là vùng Đông Nam bộ.

Theo ông Đảm, Đông Nam bộ là vùng có hoạt động chăn nuôi phát triển lớn nhất của cả nước, tập trung ở một số tỉnh như Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai. Hiện tại là thời điểm chuẩn bị bước vào dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu về thực phẩm nói chung, trứng và thịt gia cầm nói riêng lại càng tăng lên.

Trứng, thịt gia cầm là sản phẩm sử dụng hàng ngày, không thể thiếu của mỗi gia đình. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, thì những sản phẩm này được xem là “cứu cánh” kịp thời để giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Đồng thời, năm nay, lĩnh vực chăn nuôi gia cầm được đánh giá là mang lại nguồn lợi nhuận cao hơn cho người chăn nuôi. Đây là một tín hiệu đáng mừng để người dân tiếp tục tái đàn, gia tăng thu nhập.

Trên cơ sở đó, ông Đảm bày tỏ mong muốn, tại Diễn đàn các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, HTX, người chăn nuôi trao đổi thẳng thắn, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn của hai ngành hàng này để cùng nhau tháo gỡ, hướng tới mục tiêu chung là xây dựng ngành chăn nuôi ngày càng phát triển.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.