Cục bộ, đã xuất hiện các ổ rầy với mật độ từ 1.500 - 2.000 con/m2 tại các huyện Đại Từ, Phổ Yên, Phú Bình, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ và TP Thái Nguyên. Cá biệt, một số ổ rầy tại 2 huyện Phú Lương và Võ Nhai có mật độ 3.000 - 4.000 con/m2.
Bà Chu Thị Huyền, Trạm trưởng trạm BVTV huyện Phú Lương cho biết, thời tiết nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại.
Một số cánh đồng của các xã Động Đạt, Yên Đổ, Phấn Mễ, Yên Lạc… đã xuất hiện những ổ rầy có mật độ cao với khoảng 3.000 - 4.000 con/m2.
Cùng cán bộ tiến hành kiểm tra ruộng lúa của gia đình và được dự báo về hạn chế năng suất, sản lượng lúa, bà Tăng Thị Ngân, xóm Na Mụ, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương cho biết, khi thấy sâu hại lúa thì bà đã ra quầy thuốc BVTV mua thuốc về phun.
Sâu chẳng những không chết mà còn gia tăng mức độ gây hại. Bà Ngân lo lắng lúa sẽ mất mùa.
Bà Đỗ Thị Yến, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Thái Nguyên cho biết, một trong những hạn chế của nông dân một số địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa là ít ra thăm đồng. Khi phát hiện sâu bệnh hại lại sử dụng thuốc BVTV không đúng loại, đúng quy cách nên hiệu quả phòng trừ đạt thấp.
Theo dự báo, trong những ngày tới, rầy non tiếp tục nở, mật độ rầy sẽ tăng nhanh trên phạm vi rộng và gây cháy từ trung tuần tháng 5 và tháng 6 trên các trà lúa.
Tại Thái Nguyên, do phân bổ vị trí địa lý và địa hình nên trong khi lúa xuân tại các huyện phía nam đang trong giai đoạn trỗ bông - ngậm sữa thì các huyện phía Bắc, lúa lại đang trong giai đoạn làm đồng - trỗ bông.
Trước tình hình trên, ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Thái Nguyên cho biết, đơn vị đã khuyến cáo các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện ổ rầy.
Tiến hành phun thuốc trừ rầy khi ruộng có mật độ 50 con/khóm lúa (tương đương với 2.000 con/m2). Việc phun thuốc phải được thực hiện rẽ lúa thành luống, mỗi luống rộng từ 0,5 - 06 m và phun trực tiếp vào gốc lúa, nơi rầy tập trung gây hại.
Đối với những diện tích lúa đang làm đòng, trỗ, ruộng chủ động nước thì sử dụng các loại thuốc dẫn lưu như Admire 050 EC, Actara 25 WG, Chess 50WWG, Sutin 5 EC. Vì lúa đang trỗ nên chỉ được phun thuốc vào buổi chiều mát.
Đối với những diện tích lúa đang trong giai đoạn chắc xanh đến chín và cả những diện tích lúa đang làm đòng đến trỗ nhưng ruộng bị hạn không chủ động nước thì phải sử dụng các loại thuốc có tiếp xúc như Victory 585 EC, Bassa 50 EC, Dragoannong 585 EC, Sairifos 585 EC.